Bên nhau, mình là nhà: Đừng để gia đình trở nên... lạnh tanh

CTG - Một cái ôm của người cha dành cho cả gia đình trước khi đi làm khiến đứa con cười vui cả ngày. Niềm hạnh phúc của con là mỗi ngày gia đình quây quần bên nhau, nhưng những khoảnh khắc đoàn viên ấy dường như đã... không còn chất lượng.

Câu chuyện trên không phải riêng của một gia đình nào mà khi kể ra, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã giật mình vì thấy tổ ấm của họ cũng vậy. Bên nhau, mình là nhà, nhưng có một thực tế hiển hiện trong đời sống hiện đại là khi phải chạy theo cơm áo gạo tiền cộng với sự tiện nghi của các thiết bị điện tử thông minh dẫn đến những buổi đoàn viên của gia đình trở nên… lạnh tanh, không còn gắn kết. Bên nhau nhưng mạnh ai nấy làm việc của mình, mỗi người giao tiếp với một cái màn hình vô tri.

Giờ đoàn viên nhưng mỗi người một chiếc điện thoại

Cưới nhau hơn 7 năm, có với nhau 2 mặt con và cuộc sống mỗi ngày vẫn diễn ra như một thói quen: sáng vợ đưa đứa lớn, chồng chở bé nhỏ đến trường, cả gia đình mỗi người một ngả đường, mãi đến chiều tối sau khi xong công việc tại cơ quan và đón các con về thì cả gia đình mới có giây phút đoàn viên, nhưng N.T.M.H (34 tuổi), ngụ P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức (TP.HCM), thừa nhận những khoảnh khắc bên nhau ấy dường như không chất lượng.

Bên nhau, mình là nhà: Đừng để gia đình trở nên... lạnh tanh- Ảnh 1.

Đừng để bên nhau nhưng mạnh ai nấy làm, mỗi người giao tiếp với một cái màn hình vô tri

ẢNH MINH HỌA: NỮ VƯƠNG

H. kể: "Trước đây mình không nhận ra được điều này, vì gia đình luôn có những buổi tối quây quần cùng nhau. Nhưng có một hôm, khi chồng ôm mình và 2 con trước khi đi làm, sau đó, con hỏi: "Hôm nay mẹ có vui không mẹ?", mình ngớ người chưa hiểu lý do thì con nói tiếp: "Sáng nay ba ôm cả gia đình mình và con rất vui". Những gì con bộc bạch khiến mình giật mình và thương con vô cùng".

Ngay sau hôm đó, H. và chồng đã nói chuyện với nhau để "cứu chữa" những buổi đoàn viên không chất lượng, bù đắp cho con những khoảnh khắc bên nhau đúng nghĩa.

H. tâm sự: "Sau khi nghe con nói như vậy, mình nghiệm lại và thấy rằng mỗi lúc bên nhau của gia đình, ngoài ăn cơm cùng thì những lúc khác con xem ti vi, chồng cầm điện thoại xử lý công việc, mình cũng lướt mạng xã hội... Thật sự mình và chồng đã nợ con những giờ đoàn viên đúng nghĩa".

Là người từng đổ vỡ trong hôn nhân, anh N.H (35 tuổi), trọ tại P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân (TP.HCM), cho rằng một trong những nguyên nhân khiến vợ chồng anh mỗi người một ngả là đã không coi trọng những khoảnh khắc đoàn viên gia đình.

Anh N.H thú nhận thường mang công việc về nhà, thậm chí trong những giờ cơm gia đình anh vẫn cầm điện thoại để giải quyết công việc, điều đó khiến vợ anh rất không hài lòng và thường hay cãi nhau, dẫn đến những bất đồng không có điểm dừng.

"Ngày xưa còn khó khăn, mình lúc nào cũng nghĩ đến công việc, nghĩ cách làm sao để kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình êm ấm. Nhưng mình đã sai. Vì mãi chạy theo cơm áo gạo tiền, gia đình không những không ấm êm mà kết cục thật quá đau buồn", anh N.H nói.

Đừng để đánh đổi cả điều quan trọng nhất

Chị Nguyễn Thụy Thủy Tiên, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho rằng mỗi chúng ta đều cố gắng lao động để có cuộc sống đủ đầy, nhưng như vậy sẽ phải đánh đổi nhiều thứ, nhất là đối với những gia đình trẻ.

"Con cái thì lo học hành, ba mẹ thì lo kinh tế. Nên mình cố gắng sắp xếp thời gian, duy trì những thói quen tích cực để gắn kết gia đình. Cùng con học bài, chia sẻ những câu chuyện, đọc sách cùng nhau, hỏi han quan tâm lẫn nhau. Bí quyết để gắn kết gia đình đôi khi chỉ là cùng nhau chia sẻ công việc nhà, cắt tỉa cây cối... cũng là cách cho các con biết được giá trị của lao động và cũng vui vẻ khi phụ giúp ba mẹ", chị Tiên chia sẻ từ kinh nghiệm của gia đình mình.

Bên nhau, mình là nhà: Đừng để gia đình trở nên... lạnh tanh- Ảnh 2.

Gia đình chị Thủy Tiên luôn chia sẻ, tin tưởng và động viên nhau để có được những khoảnh khắc bên nhau đầy chất lượng

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Theo chị Tiên, các gia đình trẻ hiện nay cần nhận ra sự quan trọng của việc gắn kết các thành viên. Gia đình như là điểm tựa bình yên và mang lại cho ta cảm giác chân thật nhất. "Hãy cởi mở, chia sẻ, tin tưởng và động viên nhau để luôn có được sự bên nhau đầy chất lượng. Tình yêu thương và sự sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình là yếu tố quan trọng nhất", chị Tiên khẳng định.

Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, Phòng Tham vấn tâm lý Trường ĐH Bình Dương, dựa trên thống kê khảo sát của Bộ LĐ-TB-XH cách đây 2 năm, tình trạng ly hôn của các gia đình trẻ ở độ tuổi từ 25 - 35 chiếm trên 40%, đây là một con số đáng báo động.

Tiến sĩ Dũng phân tích: "Ngày xưa, xét về tiềm lực kinh tế, điều kiện xã hội thì ông bà khổ hơn chúng ta rất nhiều, nhưng tại sao vẫn có thể sống với nhau trọn đời. Vì họ quan niệm gia đình không phải là một khế ước, mà là tổ ấm. Trong phép toán, 1 cộng 1 bằng 2, nhưng trong gia đình, 1 cộng 1 sẽ bằng 1. Có nghĩa hai người cưới nhau sẽ là một gia đình, và dù sinh ra bao nhiêu đứa con đi nữa thì cộng lại vẫn là một. Vì đó là tổ ấm. Và khi đã là tổ ấm thì phải có sự gắn kết với nhau".

Tiến sĩ Dũng cho rằng hiện nay trong sự tương tác mỗi ngày giữa các thành viên gia đình, có thể là ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, ở cùng nhà nhưng lại không có sự tương thông, thấu hiểu, chia sẻ, động viên cũng như truyền động lực cho nhau, thì đó chỉ dừng lại ở một khế ước hôn nhân. Mà khế ước chỉ là một tờ giấy kết hôn, khi ra tòa sẽ không còn gì nữa.

Cũng theo tiến sĩ Dũng, thường khi mới yêu nhau thì nói với nhau rất nhiều, thậm chí mới gặp xong về đã nhắn tin cho nhau. Nhưng khi cưới nhau rồi, có với nhau mấy mặt con thì bắt đầu lại vơi dần sự chia sẻ. Ở cạnh nhau nhưng không có sự chia sẻ, thấu hiểu sẽ dẫn đến tìm kiếm sự bù trừ bằng cách tìm người chia sẻ ở bên ngoài.

"Sự tương tác, tương quan vợ chồng mà không có sự củng cố về mặt ngôn từ, chăm sóc, thấu cảm thì dĩ nhiên về lâu dài nếu xung đột xảy ra hoặc có một người nào đó chen ngang vào và họ thể hiện sự quan tâm tốt hơn có thể dẫn đến sự sa ngã và đi đến đổ vỡ", tiến sĩ Dũng đặc biệt lưu ý.

Mỗi gia đình cần có một nguyên tắc sống

Tiến sĩ Dũng khuyên dù bối cảnh có hiện đại như thế nào thì mỗi gia đình trẻ cần sử dụng cho mình một nguyên tắc sống. Trong đó, cần lưu ý đến việc cả ngày có thể bận rộn, nhưng buổi tối nên là bữa cơm của gia đình. Và khi đã về đến nhà, trong bàn ăn là không sử dụng điện thoại.

"Rất đau lòng khi đi ăn thấy cảnh có những gia đình ba một cái điện thoại, mẹ một cái và con cũng thế. Mạnh ai nấy cầm điện thoại thì đi ăn chung với nhau để làm gì?", tiến sĩ Dũng thẳng thắn nói và cho rằng đáng lẽ công nghệ phải nối kết gia đình lại với nhau, hỗ trợ chúng ta nhiều hơn, thì vô tình lại đẩy các gia đình xa nhau.

"Hiện nay ai cũng có điện thoại thông minh, nên giờ trưa chúng ta hãy thể hiện sự quan tâm bằng cách vợ chồng nhắn tin cho nhau hỏi đã ăn cơm chưa, hay công việc của anh/em thế nào?... Nếu như lỡ bạn đời của chúng ta có một phút gì đó sa ngã, lơ đễnh thì những sự quan tâm này sẽ níu kéo lại", chuyên gia này gợi ý.

Tiến sĩ Dũng cũng khuyên các cặp vợ chồng trẻ nên cho các thành viên của gia đình cùng tham gia việc hun đúc tổ ấm. Có nghĩa là cùng làm việc nhà với nhau. Có thể công việc nhà đó người chồng, các con của mình làm còn vụng về một chút nhưng hãy cùng tham gia để gắn kết và níu kéo gia đình lại với nhau.

"Tổ ấm không có nghĩa phải là biệt thự, nhà cao tầng. Tổ ấm nhiều khi chỉ là một gác trọ, nhưng chỉ cần đồng lòng, thấu hiểu và gắn kết với nhau thì đó là một gia đình", tiến sĩ Dũng nhắn gửi.

Chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024, với chủ đề "Bên nhau, mình là nhà" do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuỗi hoạt động của chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc 2024 bao gồm: Chiến dịch truyền thông Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc và Ngày hội "Gia đình trẻ hạnh phúc" trên mạng xã hội với các sản phẩm truyền thông: infographic, motion graphic, video clip...

Theo TN