sử dụng những vật liệu như vỏ hộp carton, que kem, hộp xốp… để tạo nên mô hình nhà vùng sông nước miền Tây Nam Bộ sống động như thật.
Khởi nghiệp bất ngờ
Có đam mê làm bể cá thủy sinh nên Thanh Tùng tìm tòi, tạo ra những món đồ trang trí. Thấy mô hình tiểu cảnh thú vị, anh nghiên cứu cách thực hiện và kết hợp với bể cá thủy sinh để thêm phần sinh động.
Tận dụng các vỏ bìa carton, que kem, hộp xốp… có sẵn, Tùng làm mô hình tiểu cảnh nhà sàn nổi của miền Tây sông nước. Sau khi đăng tải hình ảnh mô hình lên mạng xã hội, anh nhanh chóng nhận được nhiều lời khen, thậm chí có cả người muốn đặt mua.
Thanh Tùng và các mô hình do anh thực hiện (Ảnh: NVCC). |
"Mình làm cho vui để trang trí bể cá, không nghĩ mọi người lại yêu thích và đón nhận như vậy. Ban đầu chỉ là vài đơn đặt hàng nhỏ, nhưng càng làm càng có nhiều người mua. Nhờ vậy, mình đã khởi nghiệp bằng mô hình tiểu cảnh lúc nào không hay", Tùng chia sẻ.
Chàng trai 22 tuổi chủ yếu tái hiện những ngôi nhà gỗ nổi trên sông, cuộc sống xưa của người dân miền Tây Nam Bộ. Những chi tiết nhỏ như bàn ghế, chum đựng nước, chậu hoa, cầu thang, giá phơi, mái nhà… đều được anh chăm chút tỉ mỉ, thể hiện rõ đặc trưng vùng miền.
Từng chi tiết trên mô hình thể hiện sự chăm chút của người làm (Ảnh: NVCC). |
Mô hình tiểu cảnh nhà nhỏ nhất của Tùng có kích thước khoảng 20cm, loại to có chiều dài 30-40cm, rộng 25-30cm hoặc có thể theo kích thước khách yêu cầu. Tùy theo kích thước mà giá thành dao động từ 900.000 đồng đến 4,6 triệu đồng cho mỗi sản phẩm.
Tháng cao điểm nhất, Tùng làm được 30 sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng.
Hướng đi bền vững
Mỗi chất liệu lại có cách xử lý khác nhau. Loại sơn sử dụng khác nhau cũng gây khó khăn cho Thanh Tùng trong việc thực hiện. Bên cạnh đó, chưa biết cách định hình tỷ lệ, bài trí, xử lý các chi tiết cũng là trở ngại với chàng trai trẻ.
Chàng trai Quảng Trị cố gắng mò, thử nghiệm, thay đổi dần đến khi thấy hài lòng nhất. Ban đầu, cần 2-3 ngày để thực hiện một mô hình đơn giản.
Sau đó, anh rút ngắn thời gian xuống còn một ngày. Với những mô hình lớn, nhiều chi tiết, Tùng cần khoảng một tuần để hoàn thiện.
Mô hình tiểu cảnh công phu sau khi hoàn thiện (Ảnh: NVCC). |
Thanh Tùng cho biết, các sản phẩm chỉ có thể sơn vào những ngày nắng, sau đó đem đi phơi khô.
Nếu làm vào những ngày mưa có thể gây ra ẩm mốc, ảnh hưởng đến độ bền của sản phẩm. Anh cần tỉ mỉ, chú ý tới từng chi tiết nhỏ mới có thể tạo nên một mô hình tiểu cảnh có tính thẩm mỹ và bền đẹp.
Các mô hình được phơi dưới nắng để tránh ẩm mốc (Ảnh: NVCC). |
"Mình quyết định công việc chính là làm mô hình tiểu cảnh. Mình nghĩ rằng, trong tương lai việc này sẽ phát triển nếu mình sáng tạo thêm các tác phẩm mới. Mô hình dùng để trang trí, giúp giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường và lưu giữ được nét văn hóa vùng miền.
Mới đầu, hàng xóm xung quanh tưởng đây chỉ là thú vui nhất thời, làm đồ chơi cho trẻ con, chưa thực sự hiểu công việc này. Mình cứ theo ý tưởng làm, các tiểu cảnh dần hình thành, nhiều người biết đến hơn. Họ còn gom đồ nhựa, hộp giấy cho mình", Tùng vui vẻ chia sẻ.
Mô hình tiểu cảnh nổi trên mặt nước của Thanh Tùng (Ảnh: NVCC). |
Đến nay, Thanh Tùng đã bán ra gần 300 bộ tiểu cảnh lớn và nhỏ, gửi đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, "những đứa con tinh thần" của anh còn được đặt chân đến Nhật Bản, Campuchia.
"Mình vẫn sẽ chế tác tiểu cảnh kiểu miền Tây sông nước, nhưng mục tiêu sắp tới của mình là làm thêm những cảnh đẹp quê hương tỉnh Quảng Trị của mình như Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, bãi biển Cửa Tùng và Cửa Việt... Mình nghĩ đây là cách để giúp hình ảnh quê nhà Quảng Trị được phổ biến rộng hơn", chàng trai 22 tuổi bày tỏ.
Theo TPO