Bình Thuận: Thanh niên lập nghiệp trên vùng đất khó

(CTG) Là một thanh niên thuộc thế hệ 8X, mang trong mình hoài bão và khát vọng vươn lên, anh Nguyễn Phúc Trung đang từng ngày nuôi lớn ước mơ hình thành mô hình trang trại vườn - ao - chuồng ngay trên vùng Núi Nhọn thuộc thôn Hiệp Cường, xã Tân Tiến, thị xã La Gi.

 

Lúc nhỏ, ngoài thời gian đến lớp, anh Trung theo ba mẹ lên núi làm nông. Để rồi từ những vất vả của cuộc mưu sinh khi đó đã gieo vào chàng thanh niên niềm đam mê và khát vọng vươn lên làm giàu từ chính vùng đất ấy. Vốn chứng kiến một vùng đất khô cằn, hoang hóa, chỉ toàn cây rừng và cỏ dại, dưới bàn tay vun xới, chăm trồng, đã trở thành vườn cây trái sum sê, cho giá trị kinh tế cao. 4 ha diện tích đã được phủ xanh bởi vườn xoài cát Hòa Lộc hơn 600 cây và mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm cho gia đình.

Trải qua 20 năm bám trụ với nghề, trải qua biết bao thăng trầm, từ buổi đầu với những khó khăn trong kinh nghiệm các khâu chăm sóc, nào là cải tạo đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… Và cả việc vận chuyển, tìm đầu ra cho sản phẩm, khi Núi Nhọn lúc trước chỉ là một vùng kinh tế mới, còn nhiều hạn chế về giao thông, điện, nước, rồi cả từng thời giá cả bấp bênh.

Thế nhưng vượt lên tất cả, vốn bản chất người nông dân cần cù chịu khó, anh Trung dần khắc phục trở ngại, ổn định sản xuất và cùng một số nông dân khác tạo dựng được thương hiệu xoài Núi Nhọn ngay trên vùng đất hoang hóa, cằn cỗi năm xưa. Xoài cát Hòa Lộc sẽ cho thu hoạch từ 3 - 4 năm khi xuống giống. Tùy thuộc vào điều kiện khí hậu mà vụ thu hoạch có thể kéo dài từ tháng 11 âm lịch của năm trước đến đầu tháng 5 âm lịch của năm sau. Một mùa xoài như vậy sẽ cho trên dưới 10 lứa trái. Vườn xoài nhà anh Trung có năm cho sản lượng lên đến 30 tấn và giá bán có khi đạt tới 65.000 đồng/kg.

Chưa dừng lại ở đó, vào đầu năm 2021, anh Trung mạnh dạn đầu tư nuôi thêm 100 con dê. Vốn đam mê làm nông, càng yêu công việc, anh càng muốn tìm tòi, học hỏi để nuôi trồng thêm, tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có trong khu vườn của mình.

Từ nguồn cỏ vốn có, ngoài hơn 20 con bò đã nuôi khi trước, thì dê sẽ tận dụng được nguồn thức ăn này. Ngoài ra chất thải từ bò, dê có thể dùng làm phân bón cho xoài, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa tạo được một quy trình sản xuất khép kín và hệ sinh thái đa dạng hơn. Hơn nữa, từ việc đầu tư, mở rộng mô hình trồng trọt, chăn nuôi trong thời gian đến sẽ giúp anh Trung tăng thêm nguồn thu nhập.

Với bạt ngàn màu xanh của những vườn cây ăn trái, giờ đây vùng Núi Nhọn – Hiệp Cường, xã Tân Tiến, thị xã La Gi như càng thêm sức sống bởi nhiều giống cây trồng, con nuôi mới được những người nông dân nơi này mạnh dạn đầu tư. Còn riêng đối với anh Trung, là hoài bão về một mô hình trang trại vườn – ao – chuồng khép kín sẽ được hoàn thành trong tương lai.

Gặp và trò chuyện cùng anh, nhìn những việc anh làm, chúng tôi cảm nhận được ở đó sự quyết tâm, hy vọng của chàng nông dân 8X. Hình ảnh đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ trên những vách đá, ánh mắt lấp lánh niềm vui của anh Trung… một cuộc sống bình yên, nhưng chẳng thiếu sự kiên trì, cố gắng. Anh đã nỗ lực để từng ngày thực hiện ước mơ của mình vì một “khát vọng xanh”, bằng niềm tin của tuổi trẻ, bằng khao khát vươn lên, chinh phục những khó khăn, thử thách. Và bằng mong muốn phủ xanh vùng Núi Nhọn, làm giàu trên chính mảnh đất mà anh Trung đã gắn bó, góp phần xây dựng nông thôn mới xã Tân Tiến ngày càng khởi sắc hơn.

Trúc My
Tỉnh Đoàn Bình Thuận