Bốn thách thức khởi nghiệp

(CTG) Trong quá trình Hội nhập đang diễn ra rất nhanh, các doanh nghiệp Startup, SME đang phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đang vào Việt Nam mạnh mẽ với năng lực còn rất nhiều thiếu sót. Một trong các Thách thức đó đã được các diễn giả chia sẻ tại LifeB Forum 4 với chủ đề Thách thức 2015 do nhóm LifeB tổ chức.


Chương trình có sự góp mặt của các Diễn giả: ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch/CEO Tập đoàn Thiên Minh; bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia Kinh tế; ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng trường Kinh doanh PACE và Khách mời Nguyễn Xuân Đài - Giải nhất Khởi nghiệp quốc gia VCCI 2013, Giải nhất Hành trình vì khát vọng Việt 2013.

Các diễn giả, khách mời đã chia sẻ thẳng thắn 4 Thách thức Khởi nghiệp dưới góc nhìn của mình:



Toàn cảnh buổi giao lưu.


Thách thức ảo tưởng

Khách mời Nguyễn Xuân Đài chia sẻ: đây là thách thức mà hầu hết các bạn trẻ khởi nghiệp đều gặp phải khi đi từ ý tưởng đến thực tế triển khai. Nguồn gốc của những ảo tưởng này bắt nguồn từ những bộ phim, bài báo nói về khởi nghiệp kiểu như: “Cứ khởi nghiệp đi rồi sẽ thành công”, “Bắt đầu đi rồi bạn sẽ có kết thúc có hậu”…Những nguồn động viên này sẽ dễ khiến chúng ta mải mê với những viễn cảnh tốt đẹp tưởng tượng. 

Cách thức Đài đã vượt qua trước khó khăn giai đoạn đầu khởi nghiệp đó là: Hãy chuẩn bị tâm lý với mọi tình huống xấu nhất… khi đối mặt với cuộc sống thực sự, tiền ăn, tiền lương, tiền thuê văn phòng… “Những thúc ép tồn tại khiến tôi nhận ra mình chưa biết chú trọng đến dòng tiền tức thời, ngắn hạn, giống như cái xe cần được tiếp nhiên liệu hàng ngày. Bản thân tôi đã không nề hà, làm rất nhiều công việc khác nhau để nuôi bản thân và duy trì công ty” . Hướng sự tập trung, nguồn lực vào việc nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng, cải tiến sản phẩm để tạo sự khác biệt hơn là làm thế nào đểthu hút nhà đầu tư.Cần phải tìm ra và nêu được cái đặc sắc, điểm khác biệt của sản phẩm. Khi có rồi thì tự khắc sản phẩm sẽ có chỗ đứng, nhà đầu tư sẽ tự tìm đến, là lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ về định hướng tập trung nguồn lực từ bên trong. Bạn Đài nhấn mạnh.

Thách thức bắt đầu

Theo chia sẻ của Chủ tịch/CEO Tập đoàn Thiên Minh Trần Trọng Kiên thì có 99% các bạn khởi nghiệp sẽ thất bại trong lần đầu tiên, ông cũng giúp các bạn trẻ nhìn ra bức tranh toàn cảnh khi khởi nghiệp đó là: 

Thứ nhất là thách thức về vốn:  Ông đặt ra các câu hỏi cho bạn trẻ là khi bắt đầu khởi nghiệp, điều quan trọng là xác định nguồn vốn từ đâu?  Các bạn có thể lấy tiền của bố mẹ, vay bạn bè, người thân... Và hãy tin tưởng chắc chắn rằng mình sẽ mất hết số tiền đó, vì xác suất 99% là mất. 

Ông Kiên chia sẻ: “Giá vốn từ nhà đầu tư là đắt nhất, vì các nhà đầu tư luôn kỳ vọng lợi nhuận thu được sẽ cao rất nhiều so với gửi ngân hàng.” Và các bạn cũng đừng mơ vay được ngân hàng nếu bạn chỉ có ý tưởng tốt. Bạn chỉ có thể vay được khi bạn mang nhà, ô tô, xe máy đi thế chấp…

Ông cũng chỉ ra giải pháp đó là: Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, lựa chọn tốt nhất với nguồn vốn là tiền của bạn. “Hãy dùng số tiền kiếm được đầu tư quay vòng.” Và khi ý tưởng đã được đưa vào thực tế, có lợi nhuận và khả năng thành công rất cao, thì những người khởi nghiệp mới kiếm được tiền từ nhà đầu tư.

Thứ hai là thách thức về Pháp luật, theo ông Kiên nhận định, nếu không nắm rõ và tuân thủ luật pháp thì khi vi phạm doanh nghiệp sẽ bị đẩy vào tình thế nguy hiểm, thậm chí là ngồi tù, đây là điều không đáng xảy ra.

Thứ ba là thách thức về nhà cung cấp, nếu doanh nghiệp của bạn phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp, sẽ có nhiều rủi ro kéo theo khi có sự thay đổi từ phía họ. Ví dụ, khi nhà cung cấp thiếu nguồn nguyên liệu do nhiều lý do khách quan và chủ quan, thì doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bị động với hàng loạt các rắc rối phía sau đó.

Thứ tư là thách thức từ cạnh tranh, bên cạnh những đối thủ cạnh tranh trực tiếp, các sản phẩm, dịch vụ thay thế cũng có thể là tác nhân lớn ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp. Các bạn khởi nghiệp cần quan tâm đến yếu tố này bằng việc quan sát và nghiên cứu toàn diện các mặt hàng có liên quan và có khả năng thay thế sản phẩm hiện tại của doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị sẵn các kịch bản rủi ro có thể xảy ra để luôn chủ động trong mọi tình huống kinh doanh.

Thách thức hội nhập

Theo bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cho rằng: Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế thì Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại tự do FTA và sẽ chính thức hội nhập Cộng đồng Kinh tế AEC vào năm 2015 thì sức ép cạnh tranh từ các nước ASEAN và Trung Quốc, cùng một số nước trên thế giới là rất lớn. Do đó chúng ta cần chuẩn bị tốt nhất cho quá trình hội nhập này.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế đã đưa ra những lời khuyên rất hữu ích cho doanh nghiệp Việt Nam. Trước điều kiện môi trường hiện tại ở Việt Nam, khi còn có rất nhiều đối tượng khác cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần biết tự lo cho mình trước thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa có sự quan tâm thích đáng đến hoạt động nghiên cứu thị trường trong bối cảnh thị trường Việt Nam trở nên chật chội hơn khi có sự cạnh tranh gay gắt từ các Quốc gia khác và tìm kiếm những cơ hội lớn hơn đến từ thị trường ASEAN.

Các doanh nghiệp VN cần đánh giá lại mình để thấy được thế mạnh, những thách thức và cơ hội cần nắm bắt. Từ đó xác định chính xác vị trí hiện tại của doanh nghiệp và đưa ra được những định hướng đúng đắn cho mục tiêu phát triển bền vững. bà Lan nhấn mạnh.

Về việc lựa chọn lĩnh vực kinh doanh, có ba ngành được coi là “hot” tại Việt Nam theo đánh giá của bà Lan là công nghệ thông tin, nông nghiệp nhiệt đới và ẩm thực. Nhận định của ông Kiên bổ sung thêm một ngành dịch vụ nữa là du lịch. Đây là những ngành dựa trên lợi thế so sánh sẵn có của Việt Nam. Riêng ngành nông nghiệp được coi chính sách mũi nhọn của Nhà nước và hiện Nhà nước đang thực hiện tái cơ cấu lại ngành này.

Trong diễn đàn, bà cũng đã nhắc đến ý tưởng biến Việt Nam thành cái bếp của thế giới của Phillip Kotler người được coi là "cha đẻ" của marketing hiện đại trong một chuyến ghé thăm Việt Nam. Bà giải thích,“khi thưởng thức đến món ăn ngon người ta sẽ liên tưởng đến xuất xứ nguyên liệu làm ra chúng. Vì vậy, chúng ta có thể tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa nông nghiệp và dịch vụ ẩm thực” – Một lợi thế lớn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng này.

Thách thức thực học

Một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp doanh nhân đương đầu với khó khăn khi chèo lái con thuyền doanh nghiệp là họ phải luôn luôn nâng cao năng lực bản thân. Chia sẻ về vấn đề này, Ông Giản Tư Trung, hiệu trưởng trường doanh nhân PACE đã đưa ra nhiều lập luận, dẫn chứng sâu sắc,sinh động, thu hút sự chú ý của các bạn trẻ tham dự. Ông cũng chỉ ra ý nghĩa của thực học, theo ông giải thích đây chính là “thay đổi bản thân” và “thành tựu lớn nhất của tuổi trẻ chính là tìm ra con người của mình” – chính là thách thức lớn nhất, cái đích cuối cùng của mỗi người.

Cũng theo ông Trung, doanh nhân cần sở hữu ba năng lực: Văn hóa, lãnh đạo, chuyên môn. Trong đó, lãnh đạo cũng được coi là một nghề nên có thể hiểu lãnh đạo là một phần của chuyên môn. Với người khởi nghiệp, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình song hành cùng khả năng lãnh đạo, xây dựng chiến lược và kiến tạo đội ngũ là yếu tố thiết yếu của các nhà lãnh đạo trong giai đoạn khởi nghiệp.

Theo quan điểm của ông, người có văn hóa là một người tự do, hành xử theo nguyên tắc riêng của bản thân, ngay cả khi không có ai thì họ vẫn tự giác làm những việc mà bản thân họ cho là đúng. Và để làm được điều này, hãy trung thực với chính mình.

Cũng trong nghiên cứu thị trường, doanh nhân cần làm đầy “túi văn hóa” của mình để nhìn xuyên thấu được nhu cầu mong muốn ẩn giấu trong xã hội. Làm thế nào để có một sản phẩm giáo dục tốt, “Hãy khiêu vũ với bầy sói, mà không bị sói ăn thịt hay không trở thành sói”… – một phép ẩn dụ hay được ông Trung đưa ra so sánh.

CTG