Sự kiện đổi rác lấy quà của dự án Green Life. |
Đổi rác lấy quà
Green Life là một tổ chức môi trường phi lợi nhuận ra đời vào 12/2018. Người sáng lập là Hoàng Quý Bình, cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Xuất phát từ thực tế trong quá trình Bình học tập tại trường, anh nhận thấy lượng giấy tài liệu, chai lọ cũng như số lượng pin thiết bị điện tử được sử dụng rất nhiều. Những thứ đó khi thải ra môi trường rất có hại, đặc biệt là pin điện tử. Nếu có thể tái chế chúng ta sẽ góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường.
Từ đó, dự án Green Life - Đổi rác lấy quà đã ra đời. Sự kiện đổi rác được các bạn trẻ tổ chức ở những nơi tập trung đông người với tần suất 3 - 4 hoạt động mỗi tháng. Người tham gia sẽ mang những phế phẩm như chai, lọ, nhựa… đến và được quy đổi ra sao. Cứ 3kg giấy cũ đổi được 1 sao, các loại giấy bìa 5kg quy đổi ra 1 sao, 10 cục pin cũ cũng được nhận 1 sao.
Các sự kiện đổi rác lấy quà của Green Life luôn thu hút các bạn trẻ tham gia. |
Sau đó, mọi người sẽ thoải mái chọn cây xanh, được xếp hạng từ 1 đến 10 sao, thậm chí có cây đẹp được định giá 15 sao. Nếu không đủ số sao, người đổi cây có thể trả bằng tiền, được quy đổi 10.000 đồng bằng 1 sao.
Những loại cây xanh trong dự án phần lớn là cây nhỏ, có sức sống tốt như xương rồng, hoa đá... phù hợp với nhiều môi trường. Trung bình mỗi tháng, nhóm thu về 10 - 15 tấn phế liệu.
“Sau mỗi sự kiện, chúng mình tiến hành phân loại. Giấy, nhựa, kim loại chuyển về nhà máy tái chế ở Hưng Yên. Vỏ hộp sữa chuyển về kho thu gom thuộc chương trình Tái chế vỏ hộp sữa của Công ty Tetra Pak. Pin và thiết bị điện tử phải được xử lý đặc biệt để hạn chế tác hại tới môi trường nên toàn bộ sẽ được chuyển cho chương trình Việt Nam tái chế. Chúng mình cũng khuyến khích và hướng dẫn mọi người tự thu gom pin và chuyển đến các địa điểm tiếp nhận, hạn chế sử dụng túi nilon”, Hoàng Quý Bình cho biết.
Đặc biệt, những quyển truyện, cuốn vở còn dùng được sẽ gửi tặng các em nhỏ vùng cao. Nhóm phối hợp các đơn vị, tổ chức, câu lạc bộ, dự án về sách để tặng số sách, truyện đó. Sau gần một năm triển khai, gần 200 tủ sách đã được xây dựng và góp thêm gần 1.000 cuốn sách vào thư viện cộng đồng “Mượn sách bằng đặt cọc niềm tin” cũng do Hoàng Quý Bình sáng lập.
Phát triển bền vững
Green Life hướng tới 3 mục tiêu chính: Khuyến khích phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải; Nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường; Lan tỏa lối sống xanh đến với cộng đồng. Đặc biệt, Green Life hướng đến các giá trị cốt lõi: Tử tế với môi trường - Trách nhiệm với thế hệ tương lai - Kết nối với cộng đồng.
Người tham gia sự kiện được tự tay trồng cây xanh, góp phần bảo vệ môi trường. |
Sau gần 2 năm hoạt động, dự án không chỉ góp phần hình thành cho mọi người thói quen phân loại và để rác đúng nơi quy định mà còn biết nói không với rác thải nhựa. Từ những phế phẩm thu được, các bạn trẻ cũng có thể xây dựng được nhiều tủ sách vùng cao, mang tới cho các em nhỏ tri thức và lan tỏa rộng rãi hơn ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường
Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn, Green life - Đổi rác lấy quà đã truyền cảm hứng về bảo vệ môi trường đến nhiều bạn trẻ khác. Bạn trẻ Nguyễn Ngọc Hà, trường Đại học Thủ đô Hà Nội, chia sẻ: “Mình biết đến dự án qua Facebook và đã tích cực thu gom giấy vụn, sách báo trong nhà đến đổi quà. Mình cũng chia sẻ thông tin về dự án với bạn bè để cùng nhau gom giấy báo, sách, vở, vỏ hộp sữa… đã qua sử dụng, làm sạch, phơi khô. Chỉ hành động nhỏ nhưng chúng mình đã góp phần bảo vệ môi trường”.
Quá trình thực hiện, các thành viên nhận thấy hoàn toàn có thể duy trì dự án lâu dài, hướng đến phát triển bền vững nên quyết định tranh tài tại cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai” năm 2020. Theo Nguyễn Thị Thùy Linh, thành viên dự án, hoạt động của Green Life là dự án xã hội nhưng hoàn toàn có thể tạo ra lợi nhuận và quay vòng vốn để phát triển lâu dài.
“Ngoài việc học hỏi từ cuộc thi tư duy về khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp chúng mình còn muốn tiếp cận nhà đầu tư cũng như các đơn vị quan tâm đến môi trường. Hoạt động này không chỉ thúc đẩy mong muốn khởi nghiệp của các thành viên trong dự án mà còn mang đến lợi ích cho môi trường và doanh nghiệp”, Thùy Linh chia sẻ.
Hiện tại các thành viên trong dự án đang thu gom giấy, sách, báo, chai lọ nhựa, vỏ hộp sữa… Thời gian tới, nhóm sẽ thu gom cả nilon và kết nối với các nhà máy tái chế để xử lý. Các bạn trẻ trong dự án hy vọng những hoạt động này sẽ góp phần bảo vệ môi trường, hình thành ý thức sống xanh trong cộng đồng.
Theo TTTĐ