Bước qua nghịch cảnh

(CTG) Ba tân sinh viên được giới thiệu ở đây là ba cảnh đời nghèo khó. Và đó cũng là ba cảnh đời đẹp, biết vươn lên từ nghịch cảnh.




Trước khi nhập học, Hoàng Duy cùng người mẹ đang bệnh đi đóng đáy, giăng câu kiếm sống  - Ảnh: Mễ Thuận


Cả ba được nhận học bổng Tiếp sức đến trường lần này.

Những cảnh đời khốn khó

Trao học bổng cho sinh viên Tiền Giang, Bến Tre

Sáng nay (23-9), tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang, báo Tuổi Trẻ phối hợp với CLB Tiếp sức đến trường tỉnh Tiền Giang tại TP.HCM, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Tiền Giang, Quỹ học bổng Nhân Thiện Bến Tre, Công ty CP Gò Đàng, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, Tỉnh đoàn Tiền Giang và Bến Tre, Đài phát thanh truyền hình Tiền Giang trao học bổng cho 160 tân sinh viên nghèo vượt khó của hai tỉnh.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Tiền Giang và Truyền hình Tuổi Trẻ tại địa chỉ tv.tuoitre.vn.

Ngày nhận giấy báo nhập học Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Phan Hoàng Duy (Bến Tre) rất lo lắng: suốt mùa hè Duy làm lụng chỉ dành dụm được 1,1 triệu đồng, trong khi riêng khoản tiền nhập học đã hơn 2 triệu.

Để có tiền cho con nhập học, cha mẹ Duy phải vay mượn khắp nơi được 1 triệu đồng nữa. Ba Duy ngày ngày làm nghề đóng đáy, được trả công 60.000 đồng. Còn mẹ bị ung thư vú, không làm được gì. Với hoàn cảnh đó, phía trước của Duy rất khó khăn.

Cũng chẳng khá hơn Duy, khi cô học trò nhỏ nhắn Bùi Thanh Mai (Tiền Giang) nhận tin vui trúng tuyển cùng lúc cả ba trường ĐH, CĐ cũng liền ngay đó là bao nỗi lo. Nhà cô trò nhỏ rất nghèo, ngay cả ước mơ có chiếc xe đạp cũng đã quá xa vời với Mai suốt 12 năm đi học.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Trong căn nhà nền đất, vách tường chắp vá bằng những mảnh gỗ vụn, nằm ọp ẹp trong một con hẻm nhỏ ấp chợ, mẹ Mai bị điên loạn hơn 11 năm nay. Thu nhập gia đình chỉ dựa vào số tiền chạy xe ôm ít ỏi của ba Mai.

Cũng ở Tiền Giang, về phía biển Gò Công, căn nhà của chàng trai Nguyễn Huỳnh Nhật Dương, thủ khoa Trường ĐH Nông lâm TP.HCM với 27 điểm, nằm trong con đường sỏi đá gập ghềnh dài hun hút ở ấp Tân Xã, xã Long Hòa. Nhà không có đất, mọi chi tiêu của gia đình chỉ trông chờ đồng lương giáo viên tiểu học ít ỏi của mẹ. Cha Nhật Dương mất sức lao động vì bệnh tật, chỉ lo được việc nhà.



Bùi Thanh Mai - Ảnh: Mễ Thuận



Nguyễn Huỳnh Nhật Dương - Ảnh: Mễ Thuận


Tự lực vươn lên

Biết ba mẹ còn phải lo cho hai em trai nên suốt ba năm phổ thông Phan Hoàng Duy đã phải tất bật với đủ thứ công việc làm thêm để có tiền tự trang trải việc học. Thứ bảy, chủ nhật và bất kỳ ngày lễ tết nào trong năm, thay vì về nhà nghỉ ngơi, Duy ở lại ký túc xá của trường (cách nhà Duy hơn 20km) để đến các nhà hàng, khu du lịch... làm công việc chạy bàn, rửa chén đĩa. Ngay sau kỳ thi đại học, vừa trở về quê Duy đã đi làm.

Còn Mai, trước ba lựa chọn tương lai, Mai quyết định theo học ngành sư phạm hóa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vì học phí thấp. Chia sẻ về ước mơ của mình, Mai cho biết: “Em chỉ muốn học thật tốt, sống tự lập để làm gương cho các em. Sau này ra trường còn lo cho các em. Từ khi ba bệnh, nhà em vay nợ cũng gần 30 triệu đồng. Em phải ráng làm để trả nợ cho ba và chăm sóc má nữa”.

Phần Dương, ngoài thời gian đi học luôn tranh thủ đi làm mướn cho bà con lối xóm, ai kêu gì làm nấy để đỡ đần cho mẹ. Vừa học vừa làm như thế nhưng bằng quyết tâm vượt khó, Dương đã giành được nhiều giải thưởng học sinh giỏi từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia. Trong đó đáng kể nhất là giải khuyến khích thi học sinh giỏi môn sinh học năm lớp 9.

Kế hoạch sắp tới, chàng thủ khoa này cũng như các bạn có hoàn cảnh khó khăn khác nói sẽ sớm thu xếp ổn định chỗ ở rồi sẽ tìm công việc làm thêm phù hợp để có thể tự trang trải mọi sinh hoạt, học tập. “Con đường phía trước còn nhiều khó khăn đang chờ đón mình. Mình mà không chủ động lên kế hoạch đối phó những khó khăn thì ai có thể giúp mình vượt khó mãi được” - Dương chia sẻ.


Theo Tuổi Trẻ