Cái giá của việc cày cuốc, kiếm tiền khi còn trẻ

(CTG) Dù có thành quả nhất định, thu nhập tốt khi liên tục làm việc với cường độ cao, Thảo Nguyên thừa nhận cô phải đánh đổi nhiều trải nghiệm khác cũng như thời gian, sức khỏe.

Cái giá của việc cày cuốc, kiếm tiền khi còn trẻ ảnh 1

Nhiều người dồn sức kiếm tiền khi còn trẻ để tương lai có thể thảnh thơi hơn.

Có tính cách độc lập và không muốn dựa dẫm gia đình, Thảo Nguyên, hiện là nhà sáng tạo nội dung tại TP.HCM, bắt đầu làm thêm từ năm nhất đại học.

Cô từng trải qua nhiều công việc như trợ giảng, quản trại sinh cho trại hè tiếng Anh, phục vụ pub, nhân viên hỗ trợ sân bay, nhân viên bán hàng, giáo viên tiếng Anh, phiên dịch viên.

“Tôi làm việc khá nhiều, có khi hơn 12 tiếng/ngày. Tôi không có nhiều đam mê hay sở thích, chỉ muốn được sống thoải mái và tự do nên rất thích kiếm tiền, đôi khi sa đà cũng có”, cô cho biết.

Nguyên không khuyến khích ai ôm nhiều việc cùng lúc như mình vì không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, lựa chọn này phù hợp với khả năng và lối sống hiện tại của cô.

Theo quan điểm của Nguyên, cuộc đời trọn vẹn là tích cóp khi tuổi trẻ để có về già có đủ tài chính.

“Tôi nghĩ nếu trong giai đoạn đầu của cuộc đời, bạn cố gắng đủ nhiều để tạo nên tài nguyên vững chắc cho bản thân, thì nửa đời sau, bạn có thể sống ung dung, ít phải chịu gánh nặng của cơm áo gạo tiền”, cô giải thích.

Suy nghĩ của Nguyên trùng với nhiều người trẻ trong xã hội hiện đại. Họ hướng đến lối sống FIRE (Tự do tài chính, nghỉ hưu sớm) thay vì YOLO (Bạn chỉ sống một lần trong đời).

Đánh đổi

Nhờ liên tục cày cuốc, Thảo Nguyên đạt được một số cột mốc bao gồm góp một nửa tiền mua chiếc xe máy đầu tiên (20 tuổi); tự mua điện thoại và trả học phí 2 kỳ cuối đại học (21 tuổi); ra riêng và bươn chải tại thành phố xa lạ (22 tuổi); tiết kiệm được hơn 80 triệu đồng đầu tiên trong đời và mua laptop loại xịn (24 tuổi); sở hữu tài sản khá lớn đầu tiên (25 tuổi).

Đổi lại, Nguyên thừa nhận cô thiếu vắng nhiều trải nghiệm như đi du lịch nước ngoài, mua đồ công nghệ đắt tiền, gần như không chạm vào đồ hiệu và tối giản trang phục. Đi du thuyền, thưởng thức nhà hàng cao cấp cùng các hình thức giải trí đặc biệt cũng hoàn toàn không có trong từ điển của cô.

Cái giá của việc cày cuốc, kiếm tiền khi còn trẻ ảnh 2

Thảo Nguyên đánh đổi nhiều trải nghiệm và sức khỏe để kiếm tiền từ khi còn trẻ.

Ngoài ra, Nguyên chưa dám đầu tư mạo hiểm. Cô thích cảm giác an toàn nên không thường nghĩ đến việc đổ tiền vào kinh doanh hay làm chủ.

Do đó, theo Nguyên, lựa chọn nào cũng có mặt lợi và hại.

“Tôi cảm thấy bản thân còn thiếu nhiều trải nghiệm, góc nhìn dẫn đến chưa đủ mạnh mẽ và điềm tĩnh như nhiều người khác. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc thiếu hụt về tư duy, kiến thức chung về cuộc sống. Về lâu dài, tôi sẽ cố gắng cân bằng hơn, không để mình chậm lại với nhịp phát triển của thời đại”, cô nói.

Động lực đằng sau mục tiêu cày cuốc kiếm tiền của Nguyên nằm ở việc cô nhận ra cuộc sống hữu hạn, sức khỏe và tuổi trẻ cũng vậy. Cô cho rằng tự do tài chính sẽ giúp bản thân có được những thứ mình muốn.

Để đạt được điều đó, Nguyên thường xuyên cảm thấy stress. Tuy nhiên, cô khẳng định bản thân chưa từng bị “burnout” (kiệt sức).

“Tôi luôn biết cách lên dây cót tinh thần và dừng lại trước khi bản thân vượt qua giới hạn chịu đựng về tinh thần. Tôi xem ‘burnout’ là bệnh, mà bệnh thì phải tránh. Mỗi khi stress, tôi lập tức tìm đến những thứ khiến bản thân thấy tốt hơn như đi làm đẹp, ăn ngon, trò chuyện với bạn bè. Nhờ đó, tôi có thể cân bằng lại cảm xúc và đầu óc, tránh đưa ra những quyết định sai lầm hay đáng tiếc”.

Nguyên nói thêm: “Tất nhiên, về lâu dài, tôi sẽ cần nhiều hơn là chỉ cày cuốc. Tôi đang tìm hiểu nhiều hơn về những nguồn thu nhập thụ động hay các hình thức đầu tư ít rủi ro để có thể đảm bảo tương lai vững bền”.

“Tuổi trẻ cày cuốc, về già thảnh thơi” cũng là suy nghĩ của Mai Anh (26 tuổi), hiện làm ở vị trí digital marketing tại công ty của Singapore.

Trước đây, Mai Anh từng bỏ ngang khi bị cuốn vào vòng xoáy công việc. Sau đó, cô nghỉ ngơi gần 6 tháng, làm freelance (tự do) và đi chơi nên tiêu cạn tiền tiết kiệm.

Tư tưởng của Mai Anh thay đổi khi nghĩ xa về tương lai. Cô bắt đầu để ý tuổi nghề trong thị trường lao động ở Việt Nam.

“Ngành marketing chuộng tuyển nhân sự trẻ, tuổi nghề cũng không quá dài. Thêm vào đó, tôi tìm hiểu về giá cả thị trường bất động sản và tài chính. Tôi nhận ra rằng nếu tuổi trẻ xài hết số tiền đang có, tuổi già rất khó kiếm lại. Bởi trong thị trường lao động, lớn tuổi hơn chút là cạnh tranh không lại với lớp trẻ, muốn khởi nghiệp kinh doanh thì cũng cần có tiền. Tôi quyết tâm tiết kiệm tiền lúc này vì trẻ còn cày cuốc được, về già sẽ có cuộc sống dễ thở hơn”, cô giải thích.

Cái giá của việc cày cuốc, kiếm tiền khi còn trẻ ảnh 3

Cày cuốc kiếm tiền là ưu tiên hiện tại của Mai Anh thay vì cho phép bản thân sống YOLO. Ảnh minh họa: Pexels.

Hiện tại, ngoài công việc chính, Mai Anh kiếm thêm job phụ để tăng thu nhập. Nhưng với cô, tiết kiệm còn quan trọng hơn là kiếm tiền.

 

“Qua thời gian, tôi thấy dễ thở hơn khi tài khoản tiết kiệm tăng lên, có biến cố gì xảy ra bản thân vẫn có thể xoay xở được. Không như lúc trước, nhìn số tài khoản chỉ biết khóc thét”.

Mai Anh không tiêu xài nhiều. Cô nấu ăn ở nhà, thỉnh thoảng mới đi ăn ngoài, cũng không sắm đồ hay dùng điện thoại mới.

Do đặt mục tiêu rõ ràng cho bản thân, Mai Anh thừa nhận dù có “burnout”, cô vẫn giải tỏa được cảm giác đó.

Theo Mai Anh, “work-life balance” (cân bằng công việc và cuộc sống) cũng tốt, mà cày cuốc cũng không sai. Cô tôn trọng cách sống của mỗi người vì hoàn cảnh khác nhau. Nhưng đó phải là điều bản thân thực sự mong muốn, không phải chạy theo ai khác.

Cân bằng

Bên cạnh công việc nhân viên content marketing toàn thời gian, Khánh Linh (25 tuổi) làm thêm job tự do và kinh doanh online. Cô chọn dung hòa giữa sống cho bản thân và tiết kiệm tiền.

Đầu tiên, Linh không bao giờ để bản thân trong tình trạng cạn tiền.

“Tôi có làm việc, kiếm tiền và chi tiêu, nhưng cũng tích cóp, chứ không bao giờ cho phép bản thân đi vay mượn hay tài khoản 0 đồng mà vẫn ngủ ngon, tháng sau kiếm tiếp. Chính tôi cũng không thể yên tâm nếu để chuyện đó xảy ra”, cô giải thích.

Thứ hai, Linh đi du lịch để lưu giữ và tận hưởng tuổi trẻ. Cô không ham đồ hiệu, chỉ đầu tư cho thiết bị công nghệ đắt tiền để sử dụng lâu dài, phục vụ công việc và cuộc sống.

Cái giá của việc cày cuốc, kiếm tiền khi còn trẻ ảnh 4

Khánh Linh cho rằng bên cạnh kiếm tiền, người trẻ cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi, không bỏ bê bản thân.

Thứ ba, Linh chọn không đầu tư mạo hiểm vì cho rằng thứ gì nhanh kiếm lợi nhuận thì rủi cũng cao. Cô không chấp nhận đánh đổi nên chỉ kiếm tiền chậm mà chắc.

Bản thân Linh cân nhắc khá nhiều mỗi khi sử dụng tiền. Cô thường tự hỏi “Thứ này có cần thiết đến vậy không?”, “Có đáng để chi tiêu không?”, “Có đắt không, có thể tìm nơi bán rẻ hơn không?”, “Thú vui này có cần không?”. Từ đó, cô tập thói quen tiết kiệm cho mình.

Bên cạnh đó, đôi khi, Linh cũng thoải mái xuống tiền. Đó có thể là mua món đồ đắt để tự thưởng cho bản thân khi làm việc xứng đáng được khen, tặng đồ cho bố mẹ, chi cho chuyến du lịch không biết bao giờ mới có thể đi lại.

“Nhờ đó, tôi tự tạo thế cân bằng cho bản thân, không phung phí mà cũng không thiếu thốn”, cô nói.

Với Linh, cố gắng cày cuốc có 2 kiểu. Một là làm ngày làm đêm, bỏ bê bản thân, coi thường sức khỏe, quên hết bè bạn. Hai là nỗ lực làm việc, tập trung hoàn toàn trong 8 tiếng hành chính mỗi ngày.

“Nếu là vế một, tôi hoàn toàn phản đối vì tuổi trẻ phải có chơi, có làm, có sức khỏe là có tất cả. Nếu cứ đâm đầu vào làm vô tội vạ, ngã bệnh lúc nào không hay. Còn nếu là vế hai, đó là điều đúng đắn, nên được ủng hộ”, cô bày tỏ.

Với Linh, tuổi trẻ cần nhiều hơn 2 chữ “cày cuốc”. Điều quan trọng là xác định rõ mục tiêu và biết thế nào là đủ để không rơi vào vòng luẩn quẩn của làm lụng - tiền bạc.

Lợi thế của tuổi trẻ là có đầu óc, sức khỏe và học hỏi nhanh. Do đó, làm việc, cày cuốc để tiết kiệm tiền, tích cóp là điều tốt. Tuy nhiên, tuổi trẻ cũng chỉ có một lần trong đời mà khi đi qua rồi, không nên nhìn lại mà chỉ thấy những mớ tài liệu, những đêm thức trắng, stress, áp lực hay sự trống rỗng vô nghĩa.

“Một ngày chỉ có 24 giờ. Hơn nữa, cuộc đời sống càng dài lại càng ngắn. Bên cạnh công việc bận rộn, hãy nhớ dành thời gian cho bản thân được ‘chill’, vui chơi, quan tâm đến gia đình, yêu thương sẻ chia,... giống như được sạc điện vậy. Nhận định được hiện tại là thời gian quý báu nhất để yêu thương bản thân và mọi người cũng là điều rất quan trọng bên cạnh sự nghiệp, công việc, tiền bạc”, Linh kết luận.

Theo Zingnews