Tâm huyết
Đến cơ sở sản xuất dầu lạc của anh Đinh Ngọc Đức, chúng tôi thấy một số người đang đợi để ép lạc lấy dầu. Công đoạn bóc vỏ, rang lạc, ép dầu… được thực hiện liên tục. Vừa đổ lạc vào máy bóc vỏ, anh Đức vừa chia sẻ: “Sau tốt nghiệp, tôi làm việc hợp đồng tại Sở nông nghiệp Hà Tĩnh. Năm 2018, tôi trở về quê. Nhận thấy địa phương mình là huyện thuần nông, cây trồng chủ lực là lạc, tôi nghĩ mình phải làm gì đó để sản xuất ra một sản phẩm vừa an toàn lại vừa tốt cho sức khỏe của người dân”.
Anh Đinh Ngọc Đức tâm huyết với sản phẩm dầu lạc. |
Giống như bất kỳ dự án khởi nghiệp nào, thời điểm đầu, anh Đức gặp rất nhiều khó khăn. Lúc ấy, do chưa có kinh nghiệm nên dầu ép hỏng nhiều. Dầu ép ra không có mùi thơm đặc trưng của lạc, không để được lâu; có mẻ rang chưa đủ độ chín, dầu ép còn có mùi ngai ngái của lạc sống; lạc ép ra không đủ lượng dầu…
“Có lúc cảm thấy nản nhưng tôi nghĩ làm bất cứ việc gì cũng cần đam mê và có tâm huyết nên tôi không từ bỏ mà quyết tâm làm bằng được”, anh Đức chia sẻ. Với suy nghĩ và quyết tâm đó, anh đã sản xuất thành công sản phẩm dầu lạc. Người dân truyền tai nhau cứ đến mỗi vụ thu hoạch lạc lại phơi khô, làm sạch và chở đến cơ sở của anh ép thành dầu để ăn quanh năm.
Để ép ra dầu lạc tinh chất phải trải qua nhiều công đoạn. |
Chia sẻ về quá trình để ép được những lít dầu thơm ngon, giữ nguyên vị đặc trưng của lạc, anh Đức nói: Đầu tiên là bóc vỏ (bằng máy), loại bỏ hạt lạc xấu, hỏng; tiếp đến rang lạc khoảng 15 phút cho đến khi hạt lạc có mùi thơm như ý; ép lấy tinh dầu; lọc tạp chất, cặn; sau cùng để lắng khoảng 15 ngày cho dầu có màu vàng óng, không bị lẫn tạp chất…
Theo anh Đức, cứ từ 2 - 2,5kg lạc nhân (lạc đã được bóc vỏ) sẽ ép được 1 lít dầu ăn, bán với giá 100 - 120 nghìn đồng/lít. Với cách tính này, một tháng ép được từ 1.000 - 3.000 lít dầu từ lạc, cho thu lãi khoảng 350 triệu đồng/năm. Còn nếu bà con mang lạc đến ép sẽ tính công với chi phí thấp hơn giá thị trường. Sản phẩm dầu lạc của anh Đức được tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị sản phẩm sạch trong tỉnh.
Vượt đại dịch phát triển sản phẩm sạch
Dù mới thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018, đến nay trung bình mỗi ngày HTX của anh Đức ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã sản xuất được khoảng 500 - 700 kg lạc vỏ, tạo việc làm cho 7 lao động, trong đó có 2 lao động là đoàn viên thanh niên. Hiện, sản phẩm dầu lạc tinh chất Nghi Long đã trình Hội đồng thẩm định đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp Tỉnh chấm để công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP năm 2021.
Anh Đinh Ngọc Đức là một trong 18 điển hình thanh niên vừa được Tỉnh đoàn Nghệ An tuyên dương “Thanh niên tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp tỉnh Nghệ An” năm 2021 |
“Tôi đã liên kết với các hộ dân trồng lạc trên địa bàn, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nếu đảm bảo chất lượng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tôi cũng đã đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh với sản phẩm Dầu lạc tinh chất Nghi Long”, 8x cho hay.
Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng cơ sở sản xuất tinh dầu lạc của anh Đức vẫn hoạt động và cho thu nhập tốt. Chính vì lẽ đó, anh Đinh Ngọc Đức là một trong 18 điển hình thanh niên vừa được Tỉnh đoàn Nghệ An tuyên dương là “Thanh niên tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp tỉnh Nghệ An” năm 2021. “Thời gian qua, chúng tôi được tạo điều kiện, hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại,… Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng, quyết tâm làm giàu”, anh Đức chia sẻ.
Công trình thanh niên do anh Đức kêu gọi xây dựng trong năm 2021. |
Với vai trò là Phó Bí thư đoàn xã Nghi Long, anh Đức luôn năng nổ, nhiệt huyết trong các hoạt động đoàn và phong trào thanh niên. Trong năm 2021, anh đã kêu gọi xây dựng một công trình thanh niên, sân thể thao cho thiếu niên nhi đồng, kêu gọi hỗ trợ thanh niên gặp nạn, ủng hộ tuyến đầu phòng chống dịch,…
Theo TP