ây chè được các nhà quản lý và chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế của tỉnh xác định là cây góp phần tích cực cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, là một trong những loại cây hàng hóa chiến lược để thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Thế nhưng trên thực tế, những năm qua chè Hà Giang chưa có sức cạnh tranh trên thương trường về tất cả các mặt cần và đủ của một sản phẩm hàng hóa. Theo ý kiến của giới chuyên môn, nguyên nhân là do diện tích chè không tập trung nên khó khăn cho việc triển khai sản xuất lớn, áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa, mật độ vườn chè chưa đảm bảo, đầu tư thâm canh chưa được chú trọng.
Chè ở Hà Giang chủ yếu được trồng bằng hạt, nên đến nay, nhiều diện tích chè đã bị già cỗi và có biểu hiện suy thoái. Ở các huyện vùng cao núi đất như Hoàng Su Phì, Xín Mần, cây chè được bà con các dân tộc phần lớn trồng theo lối quảng canh, chưa chú trọng vào đầu tư thâm canh. Khâu chế biến chè hầu như cũng làm thủ công hoàn toàn. Năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè đạt thấp, công tác quảng bá lại kém nên sức tiêu thụ sản phẩm cũng kém và hệ quả cuối cùng là người trồng chè có mức thu nhập thấp, đời sống không ổn định, nguy cơ tái nghèo cao.