Xuất phát từ tình hình thực tế, LĐLĐ tỉnh đã lập đề án NCKTPL cho CNLĐ và tổ chức triển khai phổ biến tới hàng nghìn LĐ trong các DN, mang lại hiệu quả thiết thực. Nó thực sự là “cây gậy” hữu ích cho NLĐ, giúp NLĐ nắm bắt được những nội dung cơ bản trong các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Trong lời phát biểu khai mạc, bà Trịnh Thị Giới - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - khẳng định: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 6.500 DN với hơn 180.000 CNVCLĐ. Phần lớn CNLĐ xuất thân từ nông dân, điều kiện sống khó khăn, chịu ảnh hưởng của người sản xuất nhỏ nên chưa có ý thức tự tìm hiểu pháp luật, dẫn tới ý thức chấp hành pháp luật để tự bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình trước giới chủ còn gặp nhiều hạn chế. Thậm chí, có nhiều LĐ không tự bảo vệ được quyền lợi của mình. Khi giới chủ đưa ra bản hợp đồng chỉ nhìn vào họ tên, ngày tháng năm sinh rồi hạ bút ký mà không biết trong bản hợp đồng đó có những điều khoản gì ràng buộc về quyền lợi về trách nhiệm, các chế độ đãi ngộ.
|
Ngược lại, người sử dụng LĐ chưa có trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật LĐ, có khi còn cố tình vi phạm pháp luật, vi phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CNLĐ. Đây là nguyên nhân làm cho quan hệ LĐ tại các DN ngày càng diễn biến phức tạp dẫn tới sự gia tăng về các cuộc ngừng việc tập thể. Ngay từ khi lập đề án NCKTPL cho CNLĐ, LĐLĐ tỉnh đã đặt ra mục tiêu phấn đấu để 80% số CNLĐ tại các DN nhỏ và vừa có từ 50 LĐ trở lên có tổ chức CĐ được tuyên truyền phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, giúp NLĐ thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng khi bị xâm phạm.
Từ đó, LĐLĐ tỉnh, nòng cốt là Ban Tuyên giáo và Ban Kinh tế chính sách đã phối hợp thực hiện khảo sát thực trạng nhận thức, nhu cầu phổ biến pháp luật của 20.000 CNLĐ tại 120 DN của 5 loại hình và phân tích, đánh giá. Bước tiếp theo, LĐLĐ tỉnh lựa chọn 14 loại văn bản luật, chính sách liên quan trực tiếp đến DN biên soạn thành 300 bộ tài liệu gồm các văn bản luật với 4 kỹ năng: Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), kỹ năng tổ chức hòa giải, kỹ năng thương lượng ký thỏa ước LĐ tập thể, kỹ năng giải quyết đình công phục vụ các lớp tập huấn.
LĐLĐ tỉnh tổ chức thành công 5 lớp tập huấn với 390 cán bộ làm nhiệm vụ tuyên truyền PBGDPL ở 130 DN tham gia. Hoàn thành biên soạn 20.000 tờ gấp tuyên truyền về chính sách pháp luật LĐ và 5.000 cuốn sổ tay pháp luật bỏ túi cấp cho từ tổ trưởng CĐ trở lên tại các DN. Tổ chức tuyên truyền và cấp phát 20.000 tờ gấp cho 20.000 CNLĐ tại 400 DN vừa và nhỏ. Ngoài ra, năm 2010, LĐLĐ tỉnh còn tổ chức tuyên truyền về chính sách, pháp luật cho CNLĐ tại 80 DN. Xây dựng 12 tủ sách và cung cấp 41 đầu sách pháp luật với 1.400 cuốn sách pháp luật tại 10 DN.
Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh còn thành lập hai tổ tư vấn pháp luật, bằng nhiều biện pháp đã tổ chức được 80 cuộc giải đáp thắc mắc và tư vấn pháp luật cho CNLĐ. Tổ chức 594 buổi tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cho CNLĐ tại Cty Sakurai, Cty giày Sunjade, Cty may Thanh Hóa...
Những hành động cụ thể trong đề án NCKTPL cho CNLĐ ở Thanh Hóa bước đầu đạt được kết quả khả quan, được UBND tỉnh đánh giá cao. Cụ thể, sau 1 năm triển khai đề án, trong buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh, ông Mai Văn Ninh khi đó đương giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương và đồng ý hỗ trợ kinh phí cho việc thực hiện đề án này. Tại hội nghị sơ kết, các đại biểu là cán bộ CĐ chủ chốt, chủ tịch LĐLĐ các huyện, thị, thành phố đã cùng nhau bổ sung những mặt còn hạn chế để việc triển khai đề án trong thời gian tới đạt được hiệu quả cao hơn.
Theo Lao động