Xây dựng một chuỗi liên kết sản xuất
Đại Thạnh (huyện Đại Lộc) vốn là vùng chè xanh truyền thống từ 200 năm nay nhưng người dân nơi đây vẫn rất khó khăn tìm đầu ra. Giải được bài toán đầu ra, năm 2017, chàng trai Ngô Văn Chi (SN 1987) quyết định từ bỏ vị trí Tổ trưởng Kỹ thuật điện của Công ty Mabuchi Motor, khoác ba lô về quê khởi nghiệp với cây chè.
Chè Bancha An Bằng của HTX Đại Thạnh Phát đã xuất hiện nhiều tại các hội chợ trưng bày sản phẩm, xúc tiến thương mại của huyện, tỉnh và khu vực miền Trung, cũng như các sàn thương mại điện tử được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng. |
Muốn đầu tư đòi hỏi phải có vốn lớn, khi đó Chi chỉ có thể đi vay tín chấp. Nhưng vay tín chấp cũng chỉ giới hạn chừng 50-70 triệu đồng. Anh phải đi mượn người thân, bạn bè để có vốn đầu tư.
Vùng chè xanh Đại Thạnh được hợp thành từ 3 thôn An Bằng, Tây Lễ và Mỹ Lễ của xã Đại Thạnh, với tổng diện tích khoảng 30ha. Ban đầu Chi sản xuất chè thô, không bao bì. Từ năm 2019, để xây dựng sản phẩm địa phương mang tính bài bản, chuyên nghiệp, Chi quyết định lập Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Đại Thạnh Phát (viết tắt HTX Đại Thạnh Phát) để phát triển thương hiệu chè Bancha (chè lá già) An Bằng với chỉ dẫn địa lý riêng biệt. Chi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để khôi phục và phát triển vùng chè An Bằng tại huyện Đại Lộc. Đây là mô hình thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ đã được Bộ KH&CN phê duyệt giai đoạn 2017-2020.
“Trước đây, khi còn chưa lập HTX Đại Thạnh Phát bà con địa phương đã dần từ bỏ cây chè truyền thống để chuyển sang trồng keo. Nhận ra tiềm năng cũng như lợi thế của cây chè, tôi đã quyết tâm phát triển nó. Qua đó mong muốn giải quyết việc làm và thu nhập cho bà con địa phương. Hiện HTX có 80 hộ trồng chè thâm canh theo tiêu chuẩn VietGap chuyên cung cấp nguyên liệu cho nhà máy”, Chi cho biết.
Anh Ngô Văn Chi (ngoài cùng bên trái) mang thương hiệu chè Bancha An Bằng đến một hội chợ OCOP |
Hiện chè Bancha An Bằng đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). HTX còn sản xuất cây giống để cung cấp cho bà con địa phương có nhu cầu. Chi xây dựng một chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp cây giống, phân bón, dây tưới, máy bơm cho bà con để cùng anh khôi phục lại cây chè truyền thống này. Đây cũng là cách anh đảm bảo nguồn nguyên liệu cho HTX.
Giúp bà con tăng thu nhập
Để cho ra sản phẩm chè Bancha An Bằng đạt chuẩn OCOP phải trải qua quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt. Khi hái chè về, phải lựa ra những lá chè già từ 4-5 tháng trở lên, sau đó đem đi vò rồi ủ trong thúng một đêm bằng phương pháp truyền thống của làng nghề. Đêm đó lá chè sẽ được lên men rồi mang đi sấy hoặc tận dụng trời nắng để phơi. Sau đó chè được mang đi đóng gói và tuyển chọn lại một lần nữa trước khi tiêu thụ.
“Tất cả đòi hỏi sự tỉ mỉ và kĩ lưỡng trong từng công đoạn. Nếu một công đoạn không đạt yêu cầu sẽ tạo ra một sản phẩm không đạt chuẩn. Đa số đều được làm thủ công, có một số công đoạn như vò chè hay đóng gói sẽ nhờ đến máy móc để đạt năng suất cao hơn”, Chi chia sẻ.
Ông chủ HTX Đại Thạnh Phát cho biết thêm, lá chè già (bancha) được lên men tự nhiên sẽ oxi hóa tất cả các thành phần như cafein gây mất ngủ có trong lá chè xanh non (sencha). Vì vậy, chè Bancha An Bằng rất dễ ngủ và phù hợp với mọi lứa tuổi, có hương vị đặc biệt khiến nhiều người thích thú.
“Hiện chè An Bằng được sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng, vì vậy lao động thường làm theo thời vụ. Chè được sản xuất theo mùa nên bà con trong làng đã quay trở lại trồng chè ngày một nhiều, cải thiện kinh tế gia đình”, Chi nói.
Theo TP