Chàng trai miền Tây cải biên ghe ngo truyền thống để khởi nghiệp

(CTG) Từ chiếc ghe ngo truyền thống dài 30 m, anh Thạch Rô Si Dol (29 tuổi, ngụ xã Tân Thạnh, H.Thạnh Trị, Sóc Trăng) cải biên thành ghe ngo mini, nằm gọn trong lòng bàn tay, tạo nên sản phẩm khởi nghiệp ấn tượng.

Từ đam mê môn thể thao "vua" tại địa phương

Anh Dol xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là họa sĩ vẽ hoa văn tại các chùa Khmer và trang trí ghe ngo. Vốn có năng khiếu nên khi được cha truyền nghề, anh mau chóng lĩnh hội hầu hết các kỹ thuật vẽ, trang trí, phối màu...

Chàng trai miền Tây cải biên ghe ngo truyền thống để khởi nghiệp- Ảnh 1.

Anh Dol với chiếc ghe ngo mini giữ nguyên vẹn tất cả các chi tiết đúng với nguyên mẫu

Anh Dol cho biết, ở Sóc Trăng, hầu hết người dân đều xem đua ghe ngo là môn thể thao "vua". Bản thân anh cũng không ngoại lệ, yêu thích và đam mê bộ môn thể thao truyền thống này. Vì vậy, đầu năm 2022, anh quyết tâm khởi nghiệp từ chính đam mê, bằng cách thu nhỏ ghe ngo truyền thống (dài khoảng 30 m, nặng 3,5 tấn) chỉ còn 20 - 50 cm, chiếc lớn nhất cũng chỉ dài 2 m, nặng 4 kg. Điều đặc biệt là sản phẩm cải biên đều giữ nguyên vẹn tất cả chi tiết của nguyên mẫu.

 

"Hằng năm, đến lễ hội Ooc Om Boc - đua ghe ngo, mọi người đều hào hứng, bận rộn cỡ nào cũng sắp xếp thời gian đi xem và cổ vũ. Bản thân tôi quá đam mê và mong muốn tạo ra sản phẩm lưu niệm gắn liền với ghe ngo nên làm ghe ngo mini để khởi nghiệp", anh Dol chia sẻ.

Nguyên liệu làm ghe ngo mini chủ yếu sử dụng gỗ cây bình bát hoặc cây tràm, bởi 2 loại gỗ này có dáng cong tựa chiếc ghe ngo, không cần phải hơ lửa uốn nắn kỳ công. Công đoạn làm ghe lắm công phu: gỗ đem tách bỏ lớp vỏ bên ngoài, phơi cho khô, đục rỗng phần trong và làm nhẵn bề mặt thân; sao đó sơn lót, lựa chọn hoa văn vẽ lên thân ghe, gắn mắt cho ghe. Đây cũng được xem là chiếc ghe độc mộc vì chỉ dùng một khúc gỗ để tạo hình, không ráp từng miếng gỗ lại với nhau như chiếc ghe ngo lớn.

"Hoa văn vẽ lên ghe thường là hoa văn sặc sỡ, kiểu Ăng Kor. Công đoạn khó nhất là đục thân, nếu không khéo sẽ bị thủng, hư hỏng ghe", anh Dol cho biết.

Sản phẩm ấn tượng, được nhiều người ưa thích

Khi làm ghe ngo mini, anh Dol tỉ mỉ trong cách phối màu và mô tả đường nét, chi tiết nhỏ trên thân ghe để đảm bảo sự sắc sảo, sinh động của sản phẩm. Thông thường mỗi chiếc có kích thước từ 20 - 50 cm, thời gian thực hiện từ 3 - 5 ngày.

Hiện nay, mô hình ghe ngo mini của anh Dol được nhiều người ưa chuộng, nhất là những người yêu thích bộ môn đua ghe truyền thống của đồng bào Khmer. Thậm chí, một số người còn tự tìm đến anh đặt hàng theo yêu cầu theo theo mẫu, hoa văn của chiếc ghe ngo của địa phương mà họ hâm mộ. Ngoài ra, sản phẩm của anh cũng được bán trên các trang thương mại điện tử và tiếp cận được khách hàng trong và ngoài nước.

Đến nay, anh Dol đã làm ra trên 100 chiếc ghe mini, giá bán t 500.000 - 1,8 triệu đồng/chiếc. Nhờ đó, anh có thu nhập khá ổn định.

Chàng trai miền Tây cải biên ghe ngo truyền thống để khởi nghiệp- Ảnh 2.

Ghe ngo mini của anh Dol góp phần tạo nên sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng

Anh Khưu Nhật Khánh, Phó chủ tịch Hội LHTN VN H.Thạnh Trị, cho biết: "Ghe ngo mini là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên xã Thạnh Tân nói riêng và của H.Thạnh Trị nói chung. Mô hình này của anh Dol còn góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Hy vọng trong thời gian tới sẽ giúp anh giới thiệu sản phẩm rộng rãi hơn để du khách đến Sóc Trăng có được sản phẩm lưu niệm đặc trưng mang về làm kỷ niệm".

Theo TN