Lê Minh Vương bên vườn rau của gia đình trồng bằng phân vi sinh từ bùn thải ao tôm.
Giúp người nuôi tôm
Vương quê ở Ninh Hải (Ninh Thuận), một huyện có nghề nuôi tôm phát triển rất mạnh. Con tôm mang lại cuộc sống đủ đầy cho người dân nhưng mặt trái của nó là vấn đề môi trường. Những lúc xảy ra thiên tai dịch bệnh, người nông dân trắng tay sau một đêm, là điều không lạ. Dự án đầu tiên của Vương về môi trường, cũng là dự án quy mô nhất, mang tên “Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và kết hợp nuôi trùn quế từ bùn thải ao nuôi tôm thẻ chân trắng”.
Vương cho biết: “Tại khu vực mình sinh sống, dịch bệnh trên ao nuôi khá phổ biến, do ô nhiễm nước và bùn sau thu hoạch. Giải pháp hiện được nhiều người áp dụng là mang lượng bùn thải này đổ xuống kênh mương hoặc các bãi đất trống gần đó. Việc làm này không những tốn kém mà còn gây ô nhiễm môi trường, làm thoái hóa đất, tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh tồn tại và phát triển”.
Sau khi khảo sát ở các vuông tôm, Vương bón vôi vào bùn thải nhằm giảm độ mặn và sử dụng chế phẩm EM, với nồng độ vừa đủ để khử mùi, bổ sung vi sinh vật, đồng thời, ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong bùn. Để tăng lượng chất dinh dưỡng, Vương tận dụng luôn các loại phế phẩm nông nghiệp khác để trộn lẫn. Quá trình lên men và ủ bùn sẽ được tiến hành trong 2 – 3 tuần. Muốn tăng hàm lượng dinh dưỡng, Vương tiếp tục phối trộn thêm các loại phân vô cơ: Đạm, lân, kali, tùy thuộc vào giống cây trồng và nhu cầu sử dụng.
Ba năm qua, chàng sinh viên trường ĐH Sài Gòn không ngừng cải tiến chất lượng dự án. Hiệu quả của đề tài được đánh giá rất cao, có thể chuyển giao cho nông dân nuôi tôm ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận… Một công ty tại TP. HCM đã chấp nhận tài trợ để sản xuất, bán ra thị trường. Vương bày tỏ: “Kinh tế bền vững nói chung và nông nghiệp bền vững nói riêng là một trong những xu thế phát triển. Một nền nông nghiệp bền vững, phải đáp ứng được các nhu cầu đồng thời về phát triển kinh tế nông nghiệp và bảo vệ môi trường”.
Cây sáng tạo
Lê Minh Vương là một “cây sáng tạo” có tiếng ở trường ĐH Sài Gòn. Ngoài dự án xử lý bùn thải ao nuôi tôm, Vương còn có 2 công trình khác đáng chú ý: “Mô hình lọc nước sử dụng ánh sáng Mặt Trời” và “Chai Mặt Trời cải tiến”. Vương tâm sự: “Từ lúc vào đại học, mình bắt đầu thực hiện các sáng tạo. Ý tưởng đến từ việc quan sát và cảm nhận những khó khăn của gia đình, cũng như của bà còn hàng xóm, trong hoạt động nông nghiệp. Đó cũng là lý do mình chọn học ngành Môi trường”.
Hiện tại, anh bạn có đến 14 ý tưởng sáng tạo, trong đó, 7 ý tưởng đã thực hiện và 2 trong số này đã trở thành “thành phẩm”. Cuối năm 2014, Vương tiếp tục “trình làng” sáng tạo mới mang tên “Mô hình tủ lạnh không sử dụng điện và kết hợp hệ thống lọc nước dung tích nhỏ”, đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi “Tuổi trẻ với sáng kiến vì môi trường bền vững”, do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) tổ chức.
Để có tư liệu thực tế phục vụ nghiên cứu, anh chàng thường xuyên tìm đến những khu vực ô nhiễm nghiêm trọng. Hoàn cảnh gia đình không thuận lợi, thiếu thốn về phương tiện đi lại và chi phí nhưng Vương chưa bao giờ nề hà những chuyến đi. Vương vẫn thường xuống các vườn rau ở Củ Chi để khảo sát việc trồng rau sạch,hoặc một mình đến khu vực hầm Thủ Thiêm, lấy vài chai nước sông Sài Gòn về phân tích, hay tìm đến các khu nuôi tôm ở Cần Giờ để khảo sát.
Nhờ những chuyến đi thực tế như vậy, Vương cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu nhằm cải tiến chất lượng nước: “Mô hình chuyển hóa nước mặt thành nước ngọt”; “Balô lọc nước”; “Sử dụng tảo Chlorella xử lý nước thải chế biến thủy sản”… Bí quyết nghiên cứu thành công của Vương rất giản dị: “Trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo không có chỗ cho sự hời hợt. Đeo đuổi đến cùng vấn đề, đặt mình vào nỗi trăn trở của người dân, ta sẽ tìm ra được hướng đi”.
Chàng trai môi trường
(CTG) Đam mê nghiên cứu, Lê Minh Vương (khoa Khoa học Môi trường, trường ĐH Sài Gòn) đã biến những đống bùn thải khổng lồ, múc lên từ ao tôm, thành nguồn phân bón chất lượng, giúp ích cho nông dân ở nhiều địa phương.
Theo SVVN