Chàng trai thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi cá chình

(CTG) Tận dụng điều kiện tự nhiên và mong muốn phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương, chàng trai Ngô Chiến Thắng (28 tuổi, ngụ xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai) chọn lập nghiệp bằng việc nuôi cá chình bông, thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Chia sẻ với người viết về quá trình khởi nghiệp, Thắng cho hay trước đó gia đình đã có trại cá giống, nhưng đến năm 2018 mới bắt đầu quyết định chuyển sang nuôi cá chình bông thương phẩm. Khi được hỏi về lý do chọn loại cá này để lập nghiệp, Thắng cho biết: "Ở địa phương có điều kiện nước sông dồi dào, các ao, hồ có nước quanh năm, phù hợp để nuôi các loại thủy sản, đặc biệt ở đây cá chình có thể phát triển tốt".

Chàng trai thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi cá chình- Ảnh 1.
 Anh Thắng kiểm tra cá trong bể nuôi tuần hoàn

THÁI PHÚC

Hiện tại, trại cá giống của Thắng có 2 mô hình nuôi cá chình. Mô hình đầu tiên là nuôi cá bằng ao bùn - đây là mô hình hiệu quả nhất nhưng cần phải đầu tư các ao bùn có diện tích rộng từ 500 - 1.000 m2 trở lên. Cá được nuôi với mật độ là 1 con/m2, năng suất sẽ đạt khoảng 2 tấn/ao. Mô hình thứ hai là nuôi cá trong bể, được áp dụng công nghệ tuần hoàn, đây là mô hình có thể nuôi cá chình bông với mật độ cao hơn, khoảng 20 con/m2, nhưng đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn.

 

Mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm đem lại lợi nhuận kinh tế khá cao, theo anh Thắng, trọng lượng trung bình của cá chình khoảng 1,5 - 2 kg/con, được bán ra với giá từ 450.000 - 460.000 đồng/kg.

Chàng trai thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi cá chình- Ảnh 2.

Cá chình bông là loại cá nước ngọt cho giá trị kinh tế cao

THÁI PHÚC

"Nếu nuôi 1.000 con từ nhỏ đến lớn với tỷ lệ sống 95%, trừ đi các khoản chi phí khác, cho lợi nhuận tới 50%. Với 1 tấn cá thịt, bán ra có thể lãi hơn 200 triệu đồng. Trung bình mỗi lần thu hoạch, trại cá của mình lãi từ 200 - 300 triệu đồng", anh Thắng cho biết.

Về quy trình chăn nuôi và cách phòng bệnh đối với cá chình bông, anh Thắng cho hay việc nuôi cá chình khá đơn giản, thức ăn chủ yếu là 100% cám cá chình, khi cá lớn có thể tận dụng những nguồn cá xay kết hợp cám chuyên dụng để tăng năng suất. "Còn về cách phòng bệnh, nên sử dụng những loại thuốc sát trùng như Iodine, tạt định kỳ 1 tuần/lần vào ao hồ. Đối với nuôi trong bể thì cần vệ sinh đáy bể mỗi ngày", anh Thắng nói.Anh Thắng cho biết thêm: "Để đảm bảo cho cá khỏe mạnh, nên sử dụng men tiêu hóa, vitamin C, giải độc gan nhằm tăng cường sức đề kháng hoặc các chế phẩm vi sinh giúp cá tiêu thụ thức ăn tốt hơn".

Khi được hỏi về vấn đề đầu ra của sản phẩm, ngoài việc đợi các thương lái đến mua như truyền thống, anh Thắng còn liên kết với các công ty chuyên phi lê cá xuất khẩu. Anh Thắng chia sẻ: "Nếu liên kết được với các công ty, khi bán cá ra sẽ cao hơn một ít so với các thương lái".

Để làm được điều đó, anh Thắng đã chủ động tìm kiếm các thông tin trên mạng xã hội, sau đó ngỏ ý hợp tác. "Sau khi có thông tin của mình, các công ty sẽ cử người đến trực tiếp làm việc với mình", anh Thắng nói.

Bên cạnh nuôi cá thịt, trại cá của anh Thắng còn cung cấp cá chình con giống đến các tỉnh thành miền Tây như Đồng Tháp, Hậu GiangAn Giang và các tỉnh thành miền Trung như Thanh HóaNghệ An và Khánh Hòa. Số lượng cá chình anh Thắng nuôi không đủ cung cấp ra thị trường, bởi việc nuôi cá giống còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, đây cũng là điều khó khăn nhất trong việc nuôi cá chình. Dự định trong tương lai, anh Thắng tiếp tục mở rộng mô hình các ao bùn để cố gắng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Ray, cho biết: "Anh Thắng là thanh niên cần cù chịu khó, hay tìm tòi học hỏi, áp dụng các mô hình trên mạng xã hội vào thực tiễn. Mô hình nuôi cá chình của anh đạt hiệu quả kinh tế cao so với các loại cá nước ngọt khác. Đối với mô hình này, Hội Nông dân sẽ có kế hoạch nhân rộng ra cho các hộ nông dân khác tại địa phương để phát triển kinh tế".

Theo TN