Chế tạo nhựa sinh học từ tảo thân thiện môi trường

Họ là sinh viên đến từ những ngôi trường khác nhau, nhưng cùng chung đam mê bảo vệ môi trường và nghiên cứu chế tạo thành công vật liệu nhựa sinh học cao cấp làm từ tảo.

 

Từ những con số đáng báo động, chúng tôi nghiên cứu chế tạo sản phẩm nhựa sinh học có thể thay thế sản phẩm nhựa truyền thống, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, dễ dàng phân hủy với môi trường, giá lại rẻ.

Nguyễn Đăng Phúc

Tại cuộc thi Sáng tạo trẻ do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức cho sinh viên các khối kỹ thuật trên địa bàn TP Hà Nội, năm cô cậu sinh viên "trường ngoài" mang đến những sản phẩm độc đáo được chế tạo từ vật liệu nhựa sinh học thân thiện môi trường.

Từ nỗi đau nhân lên ý thức

Vừa qua hình ảnh sinh viên năm cuối Nguyễn Đăng Phúc tự tin đứng trên sân khấu "trường bạn" thuyết trình về sản phẩm nghiên cứu mới nhận về nhiều tràng pháo tay giòn giã.

Nhóm sinh viên Nguyễn Đăng Phúc, Nguyễn Chí Cường, Ninh Thị Thu (cùng học Trường ĐH Thủy lợi) và Lê Thị Ngọc Mai (Trường ĐH Ngoại thương), Đặng Thị Khánh Ly (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội) vừa nghiên cứu chế tạo thành công vật liệu nhựa sinh học cao cấp làm từ tảo. 

Không cùng chuyên ngành, không cùng trường đại học nhưng họ gặp nhau ở điểm chung là yêu môi trường, muốn nhân lên "sự tử tế" với môi trường sống quanh mình.

"Tôi nhớ mãi hình ảnh các nhà khoa học gắp dị vật trong một chú rùa. Không phải là giun hay ký sinh trùng, mà là một chiếc ống hút nhựa trôi nổi ở đại dương" - Phúc chia sẻ. Chính cảnh tượng con người giúp chú rùa gỡ ống hút nhựa ra trong bê bết máu thôi thúc những người trẻ như Phúc ý thức hơn việc rác thải nhựa làm ô nhiễm môi trường biển thế nào.

Phúc cho biết theo tìm hiểu, mất năm giây để sản xuất một chiếc túi nilông, mất năm phút để sử dụng và cần một giây để vứt bỏ, tuy nhiên để phân hủy thì cần từ 500 năm, thậm chí 1.000 năm.

Đáp án từ tảo

Phúc cùng hai sinh viên Cường, Thu cùng học chuyên ngành kỹ thuật môi trường. Nhờ nghiên cứu chuyên sâu về môi trường, họ tìm ra đáp án cho yêu cầu đặt ra: an toàn - dễ phân hủy - rẻ từ chính cây tảo. 

"Việt Nam có lợi thế về đường biển, nhiều ao hồ, kênh, rạch... là vùng nguyên liệu rộng lớn nên có thể khai thác. Tảo là nguyên liệu cực kỳ rẻ, các sản phẩm từ tảo có lợi thế cạnh tranh vì thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm và phân hủy hoàn toàn, tạo ra sản phẩm an toàn với sức khỏe con người" - nhóm trưởng Nguyễn Đăng Phúc cho biết.

Định hướng của nhóm bạn trẻ là biến tính các vật liệu nhựa để tăng cường cơ tính, trộn chất khung xương nhưng đảm bảo tăng cường độ bền, độ dẻo. Phúc cho biết tăng cơ tính nhưng phải đảm bảo nguyên tắc làm từ hữu cơ, phân hủy tốt với môi trường.

Nhóm bạn bày tỏ mới đầu màng nhựa sinh học này có liên kết yếu, chỉ chừng 10 giây đã tan trong nước, dễ dàng phân hủy nhưng khó bảo quản, dễ rách. Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, đến vòng ba nhóm đã thành công với màng nhựa sinh học có khả năng cơ yếu tốt, khả năng thấm nước tốt hơn và thậm chí có thể thay thế sản phẩm nhựa trong y tế.

Phúc cùng nhóm bạn đưa đến sản phẩm túi sinh học tự gấp với hình dáng thay thế túi nilông đựng bim bim. "Bim bim nặng 8,7g được bỏ vào túi sinh học an toàn, không độc hại với người sử dụng" - Phúc giới thiệu và tự tay bốc bim bim trong chiếc túi ăn một cách ngon lành.

Gây ấn tượng với sản phẩm túi sinh học thay thế túi nilông, tuy nhiên nhóm bạn cho rằng khó có thể cạnh tranh trên thị trường với sản phẩm này. Do đó, nhóm cho ra đời một sản phẩm độc đáo khác là chiếc túi hợp thời trang cho phái nữ, khả năng chống nước khá tốt và có đặc tính giống da thuộc. Từ chất liệu này, nhóm định hướng có thể làm ra các sản phẩm trang trí khác.

"Thử nghiệm vẩy nước vào sản phẩm túi hoàn toàn bình thường, không bị nấm mốc trong thời gian ngắn. Đặc biệt, sản phẩm này có khả năng phân hủy trong môi trường đất khá tốt, dao động từ bốn tháng đến một năm" - Nguyễn Đăng Phúc cho hay.

Sản phẩm hướng đến tương lai

Mong chờ nhất là sản phẩm thứ ba đang trong quá trình chế tạo là phát triển bộ sản phẩm đựng mỹ phẩm dành cho phụ nữ thân thiện với môi trường. Hiện tại nhóm đang liên hệ với ngành mỹ thuật để tự chế tạo các sản phẩm thủ công, trong thời gian tới sẽ đưa các sản phẩm này ra thị trường.

Điều mà những sinh viên đam mê nghiên cứu mong muốn là có sản phẩm khởi nghiệp bằng chính kết quả lao động từ trên ghế nhà trường, do đó rất mong tìm được nguồn lực hỗ trợ để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, đặc biệt phát triển các sản phẩm theo lối "sống xanh".

"Nhựa sinh học không phải là sự lựa chọn, mà là xu thế sống còn trong tương lai" - Phúc quả quyết. Nhóm tiếp tục nghiên cứu, tăng cường đặc tính tốt cho vật liệu, đa dạng các mẫu mã sản phẩm cũng như nghiên cứu cách để đưa các "sản phẩm xanh" ra quy mô công nghiệp.

Theo TTO

T.LN3