Chỉ cần có nghị lực và điểm tựa thì không gì là không thể!

(CTG) Đó là thông điệp chị Nguyễn Tú Anh (SN 1983, Phường Hương Sơn, tp Thái nguyên, tỉnh Thái Nguyên) - vận động viên cầu lông vốn bị khuyết tật chân nhưng đã nỗ lực vươn lên, giành nhiều huy chương tại các Hội thi Thể thao Người khuyết tật toàn quốc.

Chị Nguyễn Tú Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình công nhân ở Gang Thép, Thái Nguyên. Lúc sinh ra được 2 tháng tuổi, trong khi nắn chân nắn tay, mẹ chị phát hiện chị cứ khóc mãi. Bà nhận ra chân trái của chị ngày càng sưng to bất thường, nhưng không biết tại sao. Thời điểm đó, năm 1983 – bệnh viện không phát triển như bây giờ, bố mẹ chị bế đi đến nhà thầy Lang khám bệnh. Vì thầy Lang rất đông người đến khám, gia đình chị phải đợi đến ngày thứ ba mới tới lượt khám. Thầy Lang nói chị bị giãn dây chằng chân trái, cho thuốc về đắp là sẽ khỏi.

 

Chị Nguyễn Tú Anh (SN 1983, Phường Hương Sơn, tp Thái nguyên, tỉnh Thái Nguyên) - 1 trong 50 gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021

Cuộc sống hàng ngày cứ thế trôi qua, nhưng chân ngắn chân dài của chị ngày càng rõ rệt, chân trái ngắn hơn chân phải 5cm. Khi lớn lên và bắt đầu biết suy nghĩ, cơ thể của cô gái mới lớn dần phát triển và sự thật phũ phàng khiến chị không thể tin mình bị như vậy. Mỗi lần đến trường, bạn bè gọi chị “bị thọt” và ít chơi cùng, vì chị không thể tham gia các hoạt động. 

Năm 12 tuổi, bắt đầu học lớp 6, chị không đi học được vì chân cứng lại, đau buốt, chị được bố mẹ cho đi khám phát hiện bị lệch chỏm xương. Những năm tháng cấp 2 trôi qua, những trận đau xương đã hành hạ chị, không xác nhận được nguyên nhân tại sao. Sau này, nhiều lần gia đình đưa chị đi khám, bác sĩ tư vấn nếu phẫu thuật tỷ lệ thành công sẽ là 50/50, có thể chữa được và không chữa được. Do đó, gia đình đã quyết định để lại đôi chân để chị có thể tập tễnh đi được. 

Thời gian đó, chị đã quen dần với việc bản thân bị tập tễnh, đi đâu ai cũng nhìn chằm chằm bằng ánh mắt kì thị. “Xin hãy một lần, đặt mình vào hoàn cảnh ấy, để cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh; một lần cúi xuống, chạm vào nỗi đau, để hiểu người khuyết tật có quyền được yêu, được thương, được sống với các nhu cầu cơ bản nhất của con người” - chị Tú Anh tâm sự. 

 Ngày đó cuộc sống gia đình rất khó khăn, bố đi đóng gạch, mẹ đi làm than. Nhìn cha, mẹ vất vả mưu sinh, chị đã tự nhủ phải mạnh mẽ để vươn lên, sẽ sống tốt hơn những người bình thường khác để bố mẹ không phiền lòng về mình. Chính vì vậy, chị theo học ngành thiết kế thời trang, nhưng mỗi khi ngồi cả ngày khiến chân nặng nề hơn, đứng lên đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi khi trời trở lạnh, chị đi lại rất khó khăn, co giật làm ai cũng ngại và xa lánh. Do vậy, chị quyết tâm đi học nghề mới. Nghề hóa phân tích ở trường Cao Đẳng Công nghiệp Hà Nội. Học nghề đã khó nhưng làm nghề còn khó hơn. Ra trường với tấm bằng trung cấp, chị được nhận vào làm được đúng ngành đã học, nhưng luôn vấp phải con mắt kì thị của mọi người với những cách xưng hô khiến chị rất buồn lòng. Nhưng chị đã nuôi ước mơ và không từ bỏ ước mơ, đã kiên trì, nỗ lực vượt lên tất cả với sự yêu thương, trân trọng, sẻ chia, giúp đỡ của cha mẹ, người thân, bạn bè, cộng đồng.

Thời gian cứ thế trôi, chị may mắn được giới thiệu tham gia vào Hội người khuyết tật để cùng động viên nhau, giúp nhau phát triển. Năm 2009, chị xây dựng gia đình với người bạn học quen nhau 7 năm và sinh được 2 bé trai. Mỗi lần sinh nở là một lần vất vả, bao vất vả và sức nặng khi cơ thể mang thai đều dồn lên đôi chân bệnh tật. 

Vào Hội khuyết tật được 3 năm, mọi người động viên chị tham gia thể thao như môn cầu lông hay quần vợt để thi đấu. Ban đầu tập di chuyển, tập chạy rồi tập đỡ cầu, rồi dần dần chị cũng được sự quan tâm của huấn luyện viên và được tham gia dự thi tỉnh Thái Nguyên. Vừa sợ, vừa áp lực, nhưng với sự động viên, cổ vũ của mọi người, chị thi đấu hết mình. Kết quả, chị đã giành được nhiều huy chương bạc, đồng tại các Hội thi Thể thao Người khuyết tật toàn quốc từ năm 2012 - 2020. Thừa thắng xông lên, chị tiếp tục đăng ký tham gia “Hội thi tiếng hát khuyết tật lần 2 khu vực phía bắc 2019” được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/4/2019 và đạt huy chương vàng tại hội thi.

Hiện tại, chị là nhân viên của phòng kỹ thuật, tuy khiếm khuyết về bản thân, nhưng trách nhiệm công việc nặng nề, chị chịu trách nhiệm thông số kỹ thuật toàn bộ hàng nhập khẩu của công ty. Chị tự dặn mình phải luôn nỗ lực, học hỏi, trau dồi kiến thức để trang bị cho mình chuyên môn vững chắc. 

Xây dựng tinh thần sống lạc quan và sống có ích giúp chị trụ vững trong khó khăn. Với người nghèo, nhất là người khuyết tật, chị luôn đồng cảm và sẵn lòng giúp đỡ.

Chị Tú Anh chia sẻ: “Số phận không cho tôi được một cơ thể trọn vẹn, một cuộc sống bình thường mà buộc tôi phải chiến đấu với chính mình để tồn tại. Dù cuộc sống có nghiệt ngã đến đâu, chỉ cần có niềm tin, có nghị lực và điểm tựa, tôi sẽ thấy xã hội vẫn còn muôn vàn điều tốt đẹp. Bạn bè tôi thường hỏi tại sao, tôi khuyết tật đôi chân như vậy mà vẫn tự tin đạt được nhiều thành tích cao, cấp quốc gia như vậy? Tuy khuyết tật về thân hình, nhưng tôi không lấy đó làm mặc cảm. Tôi luôn hướng đến tâm hồn cao đẹp, có ý chí vươn lên trong cuộc sống bởi người khuyết tật chúng tôi cần sự chia sẻ chứ không phải lòng thương hại. Những người khuyết tật không phải là gánh nặng của xã hội, chúng tôi vẫn có thể tạo ra những giá trị làm đẹp cho cuộc đời. Xin đừng chỉ nói "Tôi rất thương bạn" mà hãy hành động để chứng tỏ cho tình thương ấy là chân thành, là thật sự. Mong rằng cộng đồng hãy cùng chung tay giúp sức, bằng cách này hay cách khác, để tạo cho những người khuyết tật chúng tôi tiếp tục phát huy những khả năng của mình, thêm tự tin, nghị lực, cố gắng vươn lên và thêm yêu cuộc sống”. 

Với nỗ lực của mình, chị Tú Anh vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhờ thành tích đạt huy chương bạc và đồng tại các Hội thi Thể thao Người khuyết tật toàn quốc, Giấy khen của Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên vì đã có thành tích tiêu biểu được tuyên dương trong trong công tác hội và trợ giúp người khuyết tật thành phố Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015-2020, Giấy khen đạt danh hiệu “Phụ nữ khuyết tật tiêu biểu” giai đoạn 2011- 2016 của Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố Thái Nguyên. 

Đặc biệt, dịp này, chị Tú Anh vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.

Diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12/2021, Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.

Đồng thời mong muốn tạo sự lan toả và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam; tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả. Chương trình sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật tiêu biểu có thành tích đặc biệt.

Chương trình Gala “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 dự kiến được tổ chức vào ngày 12 - 13/12/2021 tại Thủ đô Hà Nội.