'Chỉ dạy word, excel thì khó chuyển đổi số'

(CTG) GS.TS Nguyễn Hữu Đức đánh giá các trường đại học khó tiếp cận chuyển đổi số nếu chương trình tin học tiếp tục dạy word và excel như chục năm qua.

Sáng 17/12, tại Hà Nội, trong hội thảo định hướng phát triển Học viện Kỹ thuật mật mã đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng tư vấn, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, chỉ ra bất cập của các đại học Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Theo ông Đức, chuyển đổi số là nền tảng, công cụ và trở thành phương thức để các đại học chuyển mình. Tại nhiều trường, môn tin học cơ sở vẫn tập trung dạy word, excel, sử dụng giáo án hàng chục năm qua với nội dung gần như không đổi. "Chuyển đổi số, hội nhập cách mạng 4.0 không phải đao to búa lớn hay ở đâu xa mà cần nhìn vào từ những môn học đã đổi mới hay chưa", ông Đức nói.

Nhiều trường đưa ra các định hướng, mục tiêu phát triển rất trúng để hội nhập, trở thành đại học đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng các mục tiêu này chưa có chỉ số cụ thể mà chỉ dừng ở "đẩy mạnh". Chừng nào chưa đo đếm được thì các trường chỉ dừng ở mức mường tượng, nhận dạng vấn đề, chưa tìm được giải pháp cụ thể.

Đại diện Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo đánh giá Việt Nam mạnh về khoa học xã hội. Việc này có truyền thống từ xa xưa với mô hình đại học từ chương, tức coi trọng và phát triển thơ, ca. Dù hiện nay một số đại học đã khẳng định thương hiệu và tên tuổi tại lĩnh vực khoa học kỹ thuật, mức tiếp cận công nghệ để chuyển mình, thay đổi định hướng từ nghiên cứu sang áp dụng thực tiễn của đa số trường còn hạn chế.

GS TS Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tư vấn, Uỷ Ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, tại Học viện Kỹ thuật mật mã, sáng 17/12. Ảnh: Thanh Hằng
 
GS TS Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tư vấn, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, tại Học viện Kỹ thuật mật mã, sáng 17/12.

Để giải quyết tình trạng này, ông Đức đề xuất các đại học nên đổi môn Tin học cơ sở thành Kỹ năng số. Giáo án được tham khảo và xây dựng dựa trên nhu cầu và sở thích của giới trẻ và thị trường chứ không chỉ dừng lại ở mức dạy tin học văn phòng. Ngoài ra, ông cho rằng môn Năng lực khởi nghiệp cần được đào tạo ở mọi đại học, không chỉ ở trường kinh tế. Sở dĩ môn học này giúp sinh viên hiện thực hóa ý tưởng của mình sao cho phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường, không chỉ dừng lại ở lý thuyết.

Đồng tình với GS Nguyễn Hữu Đức, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT, cho rằng các đại học cần xây dựng chính sách trước rồi mới triển khai hệ thống chuyển đổi số. Chẳng hạn, để đẩy mạnh việc học online, các trường cần có chính sách công nhận kết quả. Bên cạnh đó, ứng dụng chuyển đổi số vào trường học sẽ khiến khối lượng công việc chênh lệch giữa các bộ phận. Với những người làm ít hơn trước, trường cũng cần có lộ trình chuyển đổi công việc cho họ, được quy định rõ trong chính sách.

Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT. Ảnh: Thanh Hằng

Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT.

Từ góc độ dữ liệu, ông Trung khuyến nghị cần trao quyền lợi, trách nhiệm cho cá nhân, phòng ban phụ trách. Chỉ khi biết trong tay có dữ liệu gì, giá trị của chúng ra sao thì mới biết cần sử dụng vào việc gì. "Hiện nay, chúng ta đang không kiểm toán, không quy trách nhiệm cho người cầm dữ liệu. Việc này khiến trách nhiệm của cá nhân, tổ chức về bảo vệ dữ liệu đang rất hạn chế", ông Trung nói.

Tại khía cạnh công nghệ, lãnh đạo Công ty Cổ phần Công nghệ DTT đề xuất các đại học cần đầu tư xây dựng phòng lab để nghiên cứu, đẩy mạnh và phát triển lĩnh vực công nghệ số. Nếu kinh phí hạn hẹp, trường có thể thuê của doanh nghiệp để sinh viên, giảng viên có cơ hội học tập, trải nghiệm và tạo ra sự khác biệt cho đại học của mình.

Lắng nghe góp ý của các chuyên gia, đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, cho biết trường đã chủ trương trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao về kỹ thuật mật mã và an toàn thông tin. "Chúng tôi xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành trường định hướng ứng dụng, tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và bảo mật, an toàn thông tin", ông Hùng nói. Hiện, trường đã hoàn thành dự thảo về lộ trình chuyển đổi số theo ba giai đoạn, từ năm 2020 đến hết năm 2028.

Đại tá TS Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã. Ảnh: Thanh Hằng

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã.

Đánh giá lộ trình chuyển đổi số của Học viện Kỹ thuật mật mã, ông Trung góp ý trường cần quan tâm hơn về dữ liệu, coi nó như tài sản và cần thu thập, phát triển ngay từ năm 2020. Ngoài ra, vì cốt lõi của chuyển đổi số là khách hàng, trường nên khảo sát nhu cầu người học để ưu tiên hóa quá trình triển khai các hệ thống khác. "Với thế mạnh sẵn có trong lĩnh vực công nghệ, Học viện Kỹ thuật Mật mã có cơ hội phát triển công nghệ số, đào tạo sinh viên để tạo ra những sản phẩm mang tầm quốc gia", ông Trung kiến nghị.

Nguồn: VNE