“Chợ” lao động cận Tết: Công thấp, việc hiếm

(CTG) Theo kinh nghiệm mọi năm, từ mùng 10 tháp Chạp trở ra, cửu vạn làm không ngơi tay ngơi chân. Nhưng năm nay các công trình xây dựng đóng băng, người chuyển nhà, sửa nhà, chuyên chở đất cát, đồ đạc, cây cảnh ít, dẫn đến nghề cửu vạn khó kiếm việc.


Đầm mình giữa giá rét của Hà Nội những ngày nhiệt độ xuống thấp nhấp, từng tốp cửu vạn hết đứng lại ngồi ở dốc Bưởi nháo nhác nhìn dòng xe cộ nườm nượp qua lại để chờ việc.

Chợ lao động ế ẩm

Trưa 7/1, "chợ" lao động ở dốc Bưởi, Hà Nội có khoảng vài chục cửu vạn đang đứng túm năm tụm ba trong cái giá lạnh. Bằng tầm giờ mọi năm, "chợ" lao động khá nhộn nhịp, nếu vào ngày cuối tuần như hôm nay thì cửu vạn hầu như đã đi làm, chứ không đứng đầy đường như bây giờ. Tôi gặp một nhóm cửu vạn đang ngồi bên đống lửa trên đầu dốc Bưởi để tránh rét. Thấy tôi hỏi thăm, ai cũng mau miệng trả lời: "Năm nay ít việc lắm".

Anh Huỳnh, quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An kêu: "Mọi năm người ta thuê chúng tôi chở đào, quất ầm ầm, năm nay chưa thấy nhà vườn rục rịch gì cả". Anh Trung, cũng người Yên Thành chen vào: "Mọi năm các công trình xây dựng hoàn thiện trước Tết thuê nhiều lắm, riêng năm nay mảng xây dựng đóng băng nên chúng tôi không có việc. Bây giờ chỉ còn việc dọn nhà mới, dọn dẹp nhà cửa đón Tết, đào đất, khuân vác đồ đạc thôi".

Làm nghề lao động thời vụ ở Hà Nội đã 6 năm, nhưng đây là cái Tết ảm đạm nhất đối với anh Trung. Không có việc, để tránh rét, họ phải đốt lửa lên sưởi ấm. Chốc chốc thấy xe máy nào từ từ tạt vào, họ lại đứng phắt dậy chạy ra mời chào...

Xuống khu vực Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, chúng tôi gặp một tốp lao động cũng quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An đang chờ việc. Anh Nguyễn Văn Thế, người làm nghề lao động ở đây 3 năm cho biết: "Việc ít nên giá công năm nay chỉ bằng năm ngoái, thậm chí thấp hơn nhưng chúng tôi cũng làm".



Những người lao động tự do ở khu vực dốc Bưởi (Hà Nội) đốt lửa sưởi ấm chờ việc.

Vợ chồng anh Thế đều ra Hà Nội làm thuê, vợ anh bán quần áo ở chợ Nghĩa Tân, hai vợ chồng ngoài tiền thuê trọ, chi tiêu, hằng tháng họ cũng tiết kiệm được khoảng 4 triệu gửi về quê nuôi con ăn học. "Năm ngoái nhiều việc, tôi làm đến 29 Tết mới về, cũng kiếm được kha khá, đủ có cái Tết tươm tất. Còn năm nay, tình hình này thì không biết Tết nhất thế nào" - anh Thế chép miệng.

Cẩn trọng với khách

Khó tìm việc dẫn tới khách thuê kiểu "thượng vàng hạ cám" gì lao động cũng làm. Nhiều người vì vội vã tin khách nên đã bị lừa đẹp. Sau nhiều năm đúc rút kinh nghiệm làm cửu vạn ở Hà Nội, tốp thợ ở dốc Bưởi cho biết: "Việc gì chúng tôi cũng làm, đừng có phạm pháp là được". Sở dĩ họ cảnh giác là bởi nhiều lần họ bị thuê làm việc vi phạm pháp luật mà không hề hay biết.

Một thợ ở đây kể: "Cách đây chưa lâu, có một ông khách đến thuê 5 anh em chúng tôi đi san đất ao ở huyện Hoài Đức. Chúng tôi hăm hở đi làm nhưng vừa đào, vừa gánh đất bã mồ hôi thì từ đâu kéo ra hơn chục người băm bổ xông vào quát nạt chỉ chực đánh. Chủ thuê yêu cầu chúng tôi chống trả. Thấy hai bên mâu thuẫn trầm trọng nên chúng tôi vội vàng bỏ của chạy lấy người. Hôm đó chẳng được đồng nào mà còn suýt dính đến pháp luật".

Nghề cửu vạn vất vả, cực nhọc nhưng cũng không ít rủi ro. Bây giờ có điện thoại di động tiện lợi cho khách gọi việc, nhưng rủi ro cũng không phải ít. Chị Nguyễn Thị Lý, một lao động tự do ở trước cổng Bệnh viện Tuệ Tĩnh, đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân cho biết, có người trong nhóm chị bị trấn lột hết cả tiền chỉ vì tin lời khách gọi qua điện thoại.

Lao động quần quật quanh năm ở Hà thành, những lao động tự do thôn quê chỉ mong muốn ngày Tết kiếm được nhiều việc có tiền lo cho gia đình một cái Tết tươm tất. Tuy nhiên, đừng vì ít việc mà các lao động lơ là, mất cảnh giác, để kẻ giả khách hàng lừa bịp.

 
Theo CAND