![]() Tối 8-1, sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) rước đuốc kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống HS-SV VN - Ảnh tư liệu |
Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên sáng 9-1 bắt đầu bằng một tiết mục thật đặc biệt: các ca khúc quen thuộc ngày xưa và ngày nay được sắp xếp xen kẽ thành liên khúc, và những người biểu diễn thuộc nhiều thế hệ cũng đứng xen kẽ, nối nhau tràn từ sân khấu xuống tới hàng ghế khán giả.
Tất cả, từ những diễn viên tuổi đôi mươi đến những diễn viên đã từng đôi mươi từ mấy mươi năm trước, đều cùng một màu áo trắng tinh, cùng một lời “hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào”, cùng một ánh mắt bừng sáng...
Người tham dự đứng phía dưới nổi gai ốc. Ý niệm về sự trao truyền, tiếp nối lý tưởng được thể hiện rất rõ.
“Thế hệ chúng tôi chung nhau một lý tưởng, một con đường, một lựa chọn. Các bạn trẻ bây giờ có nhiều con đường, nhiều lựa chọn, nhiều khả năng hơn. Chúng tôi hi vọng các bạn vẫn cùng chung với chúng tôi một lý tưởng. Đừng nghĩ là tín điều xưa cũ, đó chính là lý tưởng dành cho đất nước, để chúng ta có một đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, và người người đều được hạnh phúc...”.
Đây không phải một ý kiến cá nhân, mà là ý kiến của rất nhiều người từng đi hàng đầu trong các cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên khi xưa. Mỗi lần nhắc đến lịch sử là một lần sống lại tuổi trẻ, thấu hiểu tuổi trẻ. Gửi gắm cho thế hệ đi sau, họ không vẽ sẵn một con đường, mà mở ra một chân trời mênh mông.
Tuy nhiên, nhìn lại lý tưởng của tuổi trẻ ngày xưa, cũng có không ít nỗi lo cho hôm nay. Như một chuyện mới nhất đang gây xôn xao trong cộng đồng mạng, đó là ở một lễ hội đón năm mới 2015 theo kiểu Nhật Bản được tổ chức tại Hà Nội, có hoạt động truyền thống của Nhật là ghi lời ước trên một miếng bùa gỗ.
Nhìn vào nội dung cầu ước của nhiều bạn trẻ Việt, không ít người choáng váng. Đó là ước trúng lô đề, ước trúng số, ước làm siêu nhân, ước cao thêm để thi hoa hậu... Và không chỉ mỗi lễ hội ấy, mà còn có không ít chuyện đã khiến phải đặt câu hỏi: Phải chăng lý tưởng của tuổi trẻ hôm nay chỉ danh và lợi?
Những người “tuổi trẻ ngày xưa” tự phân tích, tự trả lời, không khi nào thiếu lời tự nhận: “Có lẽ có cả trách nhiệm của chúng ta”.
Vì sao? Lại tiếp tục giải thích: “Trước khi yêu cầu tuổi trẻ điều chỉnh để phù hợp và phát triển xã hội, thì xã hội phải điều chỉnh để chắp cánh cho tuổi trẻ với những mơ ước đẹp của họ. Bên cạnh đó, cũng phải có niềm tin thủy chung vào tuổi trẻ”.
Vậy nên, khi chứng kiến những tiết mục văn nghệ biểu tượng cho sự trao truyền lý tưởng qua các thế hệ trên sân khấu, tôi đã xúc động đến gai người khi nhớ đến niềm tin mãnh liệt thủy chung ấy của các cô chú, các anh chị. Và không chỉ có tin.
Đến hôm nay, hầu hết đã trên dưới 70, 80 tuổi, rất ít người trong số họ chịu nghỉ ngơi. Họ vẫn làm việc, vẫn cống hiến bằng mọi khả năng của mình, vẫn ôm mối nợ và tìm cách trả nợ với mơ ước của mình. Lý tưởng mãnh liệt đã được đánh đổi bằng nhiều cuộc đời, nhiều tuổi trẻ, nhiều thế hệ ấy không thể nào không được tiếp nối một cách mãnh liệt. Niềm tin thủy chung như nhất và bao dung ấy không thể nào không được đáp lại một cách xứng đáng.
Ngày 9-1-1950 với máu và hoa đã qua 65 năm. Những ngày 9-1 tới đây, những chặng đường, những thành tựu, những bước phát triển nào của lực lượng học sinh, sinh viên, của đất nước... đang chờ vào chính tuổi trẻ.
Vì sao? Lại tiếp tục giải thích: “Trước khi yêu cầu tuổi trẻ điều chỉnh để phù hợp và phát triển xã hội, thì xã hội phải điều chỉnh để chắp cánh cho tuổi trẻ với những mơ ước đẹp của họ. Bên cạnh đó, cũng phải có niềm tin thủy chung vào tuổi trẻ”.
Vậy nên, khi chứng kiến những tiết mục văn nghệ biểu tượng cho sự trao truyền lý tưởng qua các thế hệ trên sân khấu, tôi đã xúc động đến gai người khi nhớ đến niềm tin mãnh liệt thủy chung ấy của các cô chú, các anh chị. Và không chỉ có tin.
Đến hôm nay, hầu hết đã trên dưới 70, 80 tuổi, rất ít người trong số họ chịu nghỉ ngơi. Họ vẫn làm việc, vẫn cống hiến bằng mọi khả năng của mình, vẫn ôm mối nợ và tìm cách trả nợ với mơ ước của mình. Lý tưởng mãnh liệt đã được đánh đổi bằng nhiều cuộc đời, nhiều tuổi trẻ, nhiều thế hệ ấy không thể nào không được tiếp nối một cách mãnh liệt. Niềm tin thủy chung như nhất và bao dung ấy không thể nào không được đáp lại một cách xứng đáng.
Ngày 9-1-1950 với máu và hoa đã qua 65 năm. Những ngày 9-1 tới đây, những chặng đường, những thành tựu, những bước phát triển nào của lực lượng học sinh, sinh viên, của đất nước... đang chờ vào chính tuổi trẻ.
Theo Tuổi Trẻ |