Chủ thuyết phát triển của Việt Nam: Không ngoài việc “lấy dân làm gốc”

(CTG) “Chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh cũng không ngoài việc “lấy dân làm gốc”, không ngoài “giải phóng sức dân” vì “lợi ích của nhân dân” - PGS-TS Ngô Quang Minh (ảnh) - Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - trao đổi với phóng viên Báo Lao Động xung quanh “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)”, nhân việc sắp tới Đảng ta sẽ đưa ra định nghĩa mới, rõ ràng hơn về vấn đề lý luận rất quan


Trên thế giới chưa có nước nào đã trải qua…


Thưa PGS, thực ra từ lâu rồi, không chỉ người dân mà ngay cả các cán bộ đảng viên cũng còn khá mơ hồ về khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Là người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về vấn đề này, ông có nhận thấy điều đó không?

- Đúng là những năm qua, cách hiểu, cách giải thích về “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” còn chưa thống nhất, còn những chỗ chưa rõ… Do trước đây cả trong nhận thức cũng như trong hành động, chúng ta học theo và làm theo mô hình nền KTXH của Liên Xô (cũ). Từ khi Liên Xô tan rã, chúng ta và một số nước XHCN cũ chuyển đổi với các tên gọi khác nhau, nhưng có điểm chung giống nhau là tất cả đều phát triển nền kinh tế thị trường, ở VN là phát triển “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đây là một cuộc cách mạng cả trong nhận thức cũng như trong hành động, trên thế giới chưa có nước nào đã trải qua, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Chúng ta cũng phải tìm tòi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện dần. Vì thế mà có sự nhận thức chưa thống nhất, có những điểm chưa rõ cũng là điều dễ hiểu.

Một cách diễn đạt quá trình nhận thức qua 30 năm đổi mới

Thưa ông, tại sao đến nay Đảng quyết định đưa ra định nghĩa mới về “kinh tế thị trường định hướng XHCN”? Ông có thể cho biết định nghĩa mới về “kinh tế thị trường định hướng XHCN” khác trước ở những điểm cơ bản nào?

- Đây là một cách nói, một cách diễn đạt quá trình nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng qua tổng kết lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới, chuẩn bị cho các văn kiện quan trọng sẽ trình ra để thảo luận ở Đại hội Đảng các cấp và phải chờ quyết định của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã được Đảng ta nhận thức và làm rõ hơn trong suốt quá trình gần 30 năm đổi mới. Đến nay, kế thừa và phát triển các quan điểm đã nêu qua các kỳ đại hội và nghị quyết của Trung ương, với thực tiễn của đất nước, có thể khái quát lại:

“Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế là nền kinh tế phải vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật, các nguyên tắc của thị trường, phải đạt được các tiêu chí nền kinh tế thị trường hiện đại mà quốc tế đã nêu ra, nền kinh tế đó phải có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, các chủ thể kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực để phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất của toàn xã hội… nền kinh tế đó phải chịu sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân, vì dân, tất cả vì lợi ích của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, nhằm xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh hơn, người dân VN ngày càng giàu có, hạnh phúc hơn…

Không ai nghĩ thay, làm thay chúng ta

Về sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta; nhân đây, cũng muốn được ông làm rõ thêm về vấn đề này, vì hiện còn không ít dư luận hoài nghi không biết đến bao giờ có thể xây dựng thành công, nhất là khi nhìn ra thế giới cũng chưa rõ mô hình đất nước XHCN cụ thể là như thế nào?

- Sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam XHCN “độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi người dân Việt Nam, chúng ta có thể học hỏi những thành công và thất bại của tất cả các nước trên thế giới để rút ra bài học và cách làm phù hợp cho mình, nhưng không ai nghĩ thay, làm thay chúng ta… Đây cũng là sự nghiệp lâu dài, không thể hoàn thành trong một thời gian ngắn.

Con đường phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam ngày càng rõ ràng hơn, những điều kiện để VN phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã hình thành và cần được tiếp tục củng cố. Yếu tố quyết định sự thành công là sự lãnh đạo của Đảng CSVN, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Chủ thuyết phát triển của VN trong thời đại Hồ Chí Minh cũng không ngoài việc “lấy dân làm gốc” không ngoài “giải phóng sức dân” vì lợi ích của nhân dân.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Lao động