Chị Thào Thị Thu Nga – Bí thư Huyện Đoàn Mèo Vạc luôn mong muốn được góp sức trẻ để cuộc sống của bà con đổi thay. |
Điều này đòi hỏi cán bộ Đoàn cần có sự kiên trì, biết tiếng địa phương và không ngại khó, ngại khổ để bám bản, tổ chức các hoạt động tình nguyện và tuyên truyền cho người dân hiểu, chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khó nhất là làm sao “lôi kéo” được ĐVTN tham gia hoạt động Đoàn để cập nhật thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới, tránh sa vào các hủ tục.
Quả thật, là nữ cán bộ Đoàn, để làm tốt nhiệm vụ đó cũng gặp không ít trở ngại. Những cung đường di chuyển từ trung tâm huyện tới xã dài trên 48km đường đèo dốc, trơn trượt, sương mù bủa vây phải chắc tay lái mới có thể đi được, chưa kể mùa mưa lũ sạt lở. Có thôn bản cách xa trung tâm xã tới 12km đường dốc, đi phải cuốc bộ.
“Chưa từng ngã xe dăm ba lần chưa phải cán bộ Đoàn Mèo Vạc” - câu nói tếu ấy đã quá quen với những cán bộ Đoàn quê tôi. Ấy vậy, mỗi khi lên xe bắt đầu vào bản, tôi vẫn mang theo bao niềm hứng khởi, mong được góp thêm sức trẻ để cuộc sống của bà con ở các bản làng vùng biên đổi thay.
Vừa làm vợ, làm mẹ, nhưng nữ cán bộ Đoàn như tôi vẫn thường dành ngày nghỉ cuối tuần để đi tình nguyện hướng về nông thôn mới, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, thực hiện ngày Chủ nhật xanh, làm đường giao thông, vận chuyển vật liệu xây dựng làm nhà cho hộ nghèo, hay kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ nhân dân…
Xuyên suốt hành trình đến với tổ chức Đoàn, tôi nhận ra nơi đâu màu áo xanh của Đoàn có mặt cũng trở thành màu của sức sống. Tôi càng yêu quý hơn màu áo Đoàn, màu áo của tuổi trẻ, của những tấm lòng vượt khó đến với bản làng xa xôi.
(Trích nhật ký của chị Thào Thị Thu Nga - Bí thư Huyện Đoàn Mèo Vạc, Hà Giang)
Theo TP