Tích hợp đào tạo cử nhân - thạc sĩ
Năm 2019, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) dự kiến thí điểm xây dựng mô hình đào tạo liên thông dọc trình độ ĐH và thạc sĩ, cho phép sinh viên năm thứ 3 trở đi có kết quả học tập tốt đăng ký học trước một số học phần trong chương trình đào tạo (CTĐT) thạc sĩ ngành đúng và bảo lưu kết quả này khi học tiếp ở bậc thạc sĩ tương ứng. Thí sinh đã tốt nghiệp CTĐT bậc ĐH có số tín chỉ từ 150 trở lên được tham gia CTĐT bậc thạc sĩ có số tín chỉ từ 30 - 40 tín chỉ (học 1 năm). Như vậy, người học có bằng thạc sĩ chỉ mất thời gian học 5 năm thay vì 5,5 hoặc 6 năm như trước đây.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho biết, năm 2023, nhà trường đã có quy định về điều kiện, quy trình sinh viên đăng kí học trước một số học phần của CTĐT thạc sĩ. Chương trình này áp dụng đối với sinh viên hệ chính quy thuộc các chương trình chuẩn và chất lượng cao của trường.
Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM mới đây thông báo về việc giải quyết cho sinh viên các khóa ĐH chính quy đăng ký học trước các học phần của CTĐT trình độ thạc sĩ học kỳ 2 năm 2024. Th.S Lê Trọng Tuyến, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo của trường, cho biết, đối tượng áp dụng là sinh viên các khóa trình độ ĐH chính quy chương trình chuẩn, chương trình chất lượng cao ngành quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, có số tín chỉ tích lũy từ 60 tín chỉ (trình độ năm thứ ba) trở lên. Ngoài ra, sinh viên phải có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên (tính đến hết học kỳ 1 năm 2024), có nguyện vọng đăng ký học trước các học phần có trong CTĐT trình độ thạc sĩ của trường.
|
Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội trong lễ tốt nghiệp Ảnh: Diệp An |
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM và Trường ĐH Công ThươngTPHCM năm nay lần đầu triển khai cho sinh viên đăng ký học trước một số học phần của CTĐT trình độ thạc sĩ.
Trước đó, năm 2019, ĐHQG TPHCM công bố quyết định ban hành quy định tạm thời về đào tạo liên thông từ trình độ ĐH lên trình độ thạc sĩ. Theo đó, sinh viên đang theo học bậc ĐH tại các đơn vị thành viên của ĐHQG TPHCM sẽ được liên thông lên trình độ thạc sĩ của ngành tương ứng, rút ngắn thời gian học tập. ĐHQG TPHCM cho phép sinh viên đăng ký học và tích lũy các môn học trình độ thạc sĩ từ năm thứ 3, năm thứ 4 của bậc ĐH. Sinh viên có học lực khá, giỏi rút ngắn được thời gian học tập so với tổng thời gian đào tạo trình độ ĐH và thạc sĩ của ngành tương ứng.
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã xây dựng mô hình và các CTĐT theo hướng tích hợp ĐH - sau ĐH với hai định hướng: định hướng nghiên cứu hàn lâm, nghiên cứu phát triển với chương trình Cử nhân - Thạc sĩ khoa học 4 + 1,5 năm (áp dụng tuyển sinh và đào tạo từ năm 2017); định hướng ứng dụng nghề nghiệp với chương trình Cử nhân - Kỹ sư chuyên sâu đặc thù 4+ 1,5 năm (áp dụng tuyển sinh và đào tạo từ năm 2020).
Theo TS Lê Ngọc Sơn, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế và sau đại học Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, phương thức này rất phù hợp với các sinh viên có nhu cầu, giúp các em giảm được áp lực đầu vào, đồng thời rút ngắn thời gian đào tạo. Thay vì 6 năm mới có thể lấy bằng đại học và thạc sĩ thì sinh viên chỉ cần 5 năm đã có thể cầm trong tay hai tấm bằng trên. |
Theo lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội, các chương trình bậc cử nhân (4 năm) được xây dựng theo hướng cung cấp kiến thức khoa học cơ bản, cơ sở ngành vững chắc, kiến thức ngành rộng, chú trọng phát triển năng lực người học, phát triển các kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng mềm, học tập trải nghiệm. Các chương trình thạc sĩ khoa học (1,5 năm) sẽ cung cấp cho người học kiến thức ngành rộng, tiên tiến. Bên cạnh đó, người học được trang bị kiến thức liên ngành, kiến thức nền tảng về quản lý dự án nghiên cứu phát triển, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao năng lực nghiên cứu và tư duy khoa học.
Băn khoăn
Th.S Lê Trọng Tuyến, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM, cho biết, việc cho sinh viên đăng ký học trước học phần thạc sĩ, Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM đã thực hiện từ năm trước. Tuy nhiên, nhà trường chưa thể mở lớp vì không có sinh viên đăng ký.
Theo Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, sinh viên có thể được học trước một số tín chỉ thạc sĩ là điểm mới trong Quy chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, tiếp cận thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho một số người có thành tích học tập vượt trội. Tuy nhiên, hiện nay, việc công nhận tín chỉ lẫn nhau giữa các trường ĐH chưa nhiều là vướng mắc lớn nhất cho người học. Các trường mới chỉ thực hiện liên thông dọc đối với chính sinh viên đang theo học tại trường, chưa công nhận với các trường khác. Và đây cũng là quyền tự chủ của các trường.
Theo TPO |