M. chia sẻ, mỗi khi có thời gian rảnh, bạn lại cầm điện thoại lên lướt mạng xem có gì thú vị không. "Có lần mình học ca sáng xong lúc 11 giờ, định lướt mạng một chút để thư giãn rồi ngủ trưa tầm 30 phút trước ca học chiều. Nhưng rồi khi nhìn lại đồng hồ đã hơn 13 giờ, vội vàng chuẩn bị đồ đi học, cuối cùng là trễ giờ", M. nói.
Người trẻ lướt mạnh xã hội quá nhiều trong ngày
ẢNH:NGỌC DƯƠNG
Tương tự, Dương Thị Thúy Liễu, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng thừa nhận bản thân thường xuyên phải thức khuya để hoàn thành công việc do buổi sáng bị cuốn vào mạng xã hội. "Ngoài xem thông tin thì việc kiểm tra lượt tương tác của các bài viết mình đăng cũng chiếm khá nhiều thời gian. Xem ai đã xem story, bài viết có bao nhiêu lượt thích và bình luận... Mỗi lần định đặt điện thoại xuống để làm việc, mình lại nghĩ "thêm một chút nữa thôi" và thế là tiếp tục bị cuốn vào những video và bài viết", Liễu chia sẻ.
Nhiều người trẻ cho biết họ cũng chưa từng nghĩ phải làm gì để kiểm soát thời gian dùng mạng xã hội. Huỳnh Ngọc Kim Ngân (24 tuổi), đang làm việc cho một công ty truyền thông ở Q.1, TP.HCM, cho biết lên mạng xã hội để cập nhật xu hướng từ lâu đã trở thành một phần công việc của bạn. "Nhiều lúc lướt mạng nhiều quá mình thấy hơi nhức đầu, rồi không có thời gian dành cho những phần việc khác, dẫn đến trễ deadline", Ngân chia sẻ.
Bị "nhốt" trong "bong bóng" thông tin hẹp
Phân tích về lý do của tình trạng này, tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng bộ môn truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhấn mạnh rằng chúng ta hiện đang sống trong một nền kinh tế cạnh tranh sự chú ý. Mỗi người đều có 24 giờ trong ngày, và trong bối cảnh đó mạng xã hội phải tìm cách thu hút sự chú ý của người dùng, thuyết phục họ dành nhiều thời gian nhất có thể trên nền tảng của mình.
Theo công cụ thống kê thời gian sử dụng điện thoại, nhiều người trẻ dành hơn 7 tiếng mỗi ngày cho mạng xã hội
Theo đó, mạng xã hội với sự phát triển mạnh mẽ của các thuật toán tinh vi, có khả năng phân tích được thói quen, sở thích của người dùng, từ đó đề xuất nội dung được cá nhân hóa, tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn và không ngừng thay đổi để thu hút người dùng quay trở lại.
"Đó chính là "bẫy thời gian" - một chiến lược tinh tế của các nền tảng mạng xã hội. Một trong những yếu tố quan trọng của chiến lược này là cung cấp những đoạn nội dung ngắn và liên tục, liên kết một cách liền mạch, khiến người dùng cảm thấy rằng họ chỉ đang lướt qua một vài đoạn video, bài viết ngắn hoặc ảnh mà không mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, thực tế là mỗi lượt cuộn xuống, mỗi video autoplay (tự động phát - NV) lại khiến họ dần chìm vào một vòng lặp không dứt, dành thời gian nhiều hơn dự kiến mà không hề hay biết", tiến sĩ Thông phân tích.
Một nguy cơ lớn hơn khi dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội là nguy cơ bị "nhốt" trong "bong bóng" thông tin hẹp. Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông giải thích, nhờ vào thuật toán, mạng xã hội liên tục đề xuất các nội dung dựa trên sở thích và hành vi tương tác của người dùng. Điều này tạo ra một vòng lặp khép kín, khiến người dùng chỉ tiếp cận những quan điểm và thông tin quen thuộc, từ đó hạn chế khả năng tiếp nhận ý tưởng mới và mở rộng tầm nhìn. Nếu người dùng tiếp xúc với thông tin tiêu cực, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, dẫn đến "ngộ độc" thông tin.
Đồng tình với quan điểm này, nhà tham vấn tâm lý Nguyễn Dạ Đan Trang, Giám đốc điều hành CoRe (Trung tâm tham vấn, nghiên cứu và phát triển cộng đồng), chia sẻ: "Khi người trẻ dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội mà không có mục tiêu rõ ràng, có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần".
Cũng theo chuyên gia tâm lý Đan Trang, việc sử dụng mạng xã hội quá mức có thể làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt lành mạnh, khiến người trẻ trở nên thiếu năng lượng và dễ bị stress. Nếu tình trạng này kéo dài, việc bị phụ thuộc vào các mối quan hệ ảo và thiếu sự kết nối thực tế có thể khiến người trẻ cảm thấy cô đơn, dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc và gia tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm.
"Hơn nữa, khi lướt mạng xã hội quá nhiều, người dùng có thể rơi vào trạng thái so sánh bản thân với người khác, dẫn đến cảm giác không hài lòng với chính mình và cuộc sống. Điều này tạo ra những áp lực vô hình, khiến người trẻ cảm thấy mất phương hướng, mất kết nối với chính cảm xúc và nhu cầu thật sự của bản thân", chị Đan Trang chia sẻ.
Theo TN