Ảnh minh họa |
Đây là kết luận do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra ngày 6/5 khi đề cập đến một số ca tái dương tính sau khi xuất viện tại Hàn Quốc. Trước đó, giới chức y tế Hàn Quốc thông báo đã có hơn 100 ca tái dương tính với virus SARS-CoV-2 trong tháng trước. Thông tin này đã làm gia tăng tâm lý lo ngại về nguy cơ tái nhiễm ở những bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh.
Mặc dù không đưa ra những đánh giá cụ thể liên quan đến các ca nhiễm tại Hàn Quốc nhưng một người phát ngôn của WHO thừa nhận nhiều bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi phục hồi về mặt lâm sàng.
Tuy nhiên, theo kết quả tổng hợp và phân tích các dữ liệu mới nhất hiện nay, các chuyên gia WHO nhận định nhiều khả năng cơ thể những bệnh nhân này đang trong quá trình đào thải nốt số virus còn sót lại trong phổi - một phần trong giai đoạn phục hồi.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, cơ thể những người mắc COVID-19 sẽ tạo ra kháng thể bắt đầu từ khoảng một tuần hoặc lâu hơn sau khi nhiễm bệnh hoặc xuất hiện các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện vẫn chưa rõ liệu cơ thể có tạo ra khả năng miễn dịch đủ mạnh để không bị lây nhiễm trở lại hay không và hoặc nếu có, hệ miễn dịch này sẽ có tác dụng trong bao lâu.
Mặc dù vậy, WHO cho rằng vẫn cần tiếp tục nghiên cứu đối với các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi được tuyên bố khỏi bệnh. Người phát ngôn WHO khẳng định, cần thu thập nhiều mẫu phẩm một cách có hệ thống từ các bệnh nhân đã hồi phục để tìm hiểu xem cơ thể cần mất bao lâu đào thải hết virus và hết khả năng lây truyền cho người khác.
Cũng liên quan đến hiện tượng tái dương tính, trong một bài phỏng vấn mới đây với hãng tin BBC (Anh), chuyên gia dịch tễ của WHO Maria Van Kerhove cũng giải thích về hiện tượng tế bào chết sau khi khỏi bệnh COVID-19.
Theo chuyên gia này, khi phổi bình phục trở lại, sẽ có nhiều tế bào chết xuất hiện trên các bộ phận của cơ quan hô hấp. Do đó, bệnh nhân vẫn có thể có kết quả xét nghiệm dương tính, song đây không phải là virus có thể lây nhiễm. Tuy nhiên, trong quá trình phục hồi, cơ thể có đủ khả năng miễn dịch để chống tái nhiễm hay không vẫn là vấn đề cần nghiên cứu sâu thêm.
Trước đó, bác sĩ Oh Myoung Don của Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và đứng đầu Ủy ban Lâm sàng Trung ương về kiểm soát bệnh mới nổi Hàn Quốc, phát biểu trong một cuộc họp báo rằng phương pháp PCR có thể không phân biệt được giữa vật liệu di truyền (RNA hay DNA) của virus gây lây nhiễm với các mảnh của virus đã chết vốn có thể tồn tại một thời gian dài trong cơ thể người đã khỏi bệnh, theo báo The Korea Herald.
Ông Oh cho biết các xét nghiệm PCR không thể biết được virus còn sống hay đã chết, do đó có thể dẫn đến kết quả dương tính giả.
Giáo sư Carol Shoshkes Reiss, Khoa Sinh học tại Đại học New York giải thích thêm: “Mặc dù một người có thể hồi phục và không còn bị nhiễm nữa nhưng họ vẫn có thể mang trong người những đoạn nhỏ RNA của virus (không hoạt động) vốn sẽ cho kết quả dương tính trong các xét nghiệm đó (tức xét nghiệm PCR)”.
Giáo sư Reiss nói với trang Live Science rằng nguyên do là vì một khi virus đã bị tiêu diệt thì vẫn còn các tế bào đã bị virus tiêu diệt trước đó bên trong cơ thể con người và trong “đống rác thải” của các tế bào chết này có những mảnh vỡ còn sót lại của các phân tử virus không lây nhiễm.
Nguồn VGP
T.LN2