Chuyện không thể kết thúc chỉ ở chiếc... cần câu

(CTG) Một người ăn cả con gà còn 1 người đứng nhìn và chúng ta có mức bình quân mỗi người ăn nửa con gà? Một sự công bằng phải được cân đối qua 3 họ và 3 đời như vậy chỉ có thể làm cho người giàu bớt áy náy, nhưng thật khó an ủi được người nghèo. - TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.


Một người ăn cả con gà, 1 người đứng nhìn...

- Dân gian có câu "Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời", nhưng thực tế cuộc sống hình như không được "sáng sủa" như thế?

- Thì ngay trong câu thành ngữ, thực tế cũng chỉ "sáng sủa" ở mức rất vừa phải. Ví dụ chuyện 1 đời thì khó, còn 3 đời thì không khó chẳng hạn. Chuyện này khác gì với chuyện 1 người ăn cả con gà còn 1 người đứng nhìn và chúng ta có mức bình quân mỗi người ăn nửa con gà? 1 sự công bằng phải được cân đối qua ba họ và ba đời như vậy chỉ có thể làm cho người giàu bớt áy náy, nhưng thật khó an ủi được người nghèo.

Còn trong thực tế cuộc sống, sự công bằng như vậy, nhiều khi cũng chưa chắc đã đạt được. Nếu "Ông lão dong trâu đi bừa là con ông lão ngày xưa đi cày", thì có vẻ như đời thứ 3 vẫn còn chưa hết khó.

Thực ra, sự công bằng tuyệt đối là rất khó đạt được. Ngày nay, người ta nói nhiều hơn đến sự bình đẳng về cơ hội. Những người có năng lực khác nhau thì không thể thành đạt như nhau. Vấn đề là cơ hội mở ra cho họ phải như nhau.

-
Chúng ta nói nhiều về việc hãy cho người nghèo cần câu, chứ đừng cho con cá, nhưng hình như ta vẫn hiểu rất đơn giản về khái niệm cần câu?

- Thực ra, mọi sự khái quát hóa đều rất ít khi đúng. Sự khái quát hóa về con cá và cái cần câu cũng vậy. Cho cần câu hay cho con cá là còn tùy. Với những người đang đói quay đói quắt, cho chiếc cần câu là một sự trịch thượng và vô cảm. Lúc đó, cái bạn phải cho ngay là con cá.

Khi người nghèo đã đủ sức để câu cá thì hãy cho họ chiếc cần câu, lúc này chiếc cân câu quan trọng hơn cho con cá. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực, mọi chuyện lại không hề đơn giản. Có cần câu, thì còn phải có kỹ năng câu. Có cần câu và có kỹ năng câu thì còn cần phải có nơi để câu. Có cần câu, có kỹ năng câu, có nơi câu rồi thì còn phải có nơi bán cá. Tóm lại mọi chuyện không thể kết thúc chỉ ở chiếc cần câu.

Và khi đã đụng chạm đến chuyện làm kinh tế mọi thứ sẽ còn phức tạp hơn nhiều. Bởi vì rằng quy luật của năng suất, chất lượng, quy luật của cung cầu, quy luật của giá trị thương hiệu chắc chắn sẽ tác động. Như vậy thì cần phải có một hệ thống tư vấn hiệu quả và dễ tiếp cận mới có thể giúp được cho người nghèo vươn lên. Chỉ cho chiếc cần (1 cái nghề) là không bao giờ đủ.

Muốn thoát nghèo phải hiểu về thị trường

- Để thoát nghèo mà phải hiểu cả về nền kinh tế thì khó quá không?

- Quả thật là không dễ. Nhưng những hiểu biết cơ bản nhất thì cần phải có. Ví dụ như sự hiểu biết về việc nhiều người bán vải quá thì  giá vải chắc chắn sẽ không thể cao. Chương trình đào tạo cho 10 triệu nông dân, theo tôi, là một sáng kiến rất hay. Vấn đề là phải thường thức hóa được những kiến thức kinh tế cơ bản thành những điều dễ hiểu, dễ cảm nhận cho người dân.

Theo tôi, kiến thức đối với dân nghèo ở nông thôn có 2 mảng. Thứ nhất là kiến thức về việc tận dụng đất đai để sản xuất nhằm bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu cho gia đình. Người nghèo muốn thoát nghèo thì phải thoát đói trước.


Còn để làm giàu thì cần kiến thức hoàn toàn khác- kiến thức về công nghệ, về năng suất, chất lượng và về thị trường. Khả năng trả lời những câu hỏi sau đây là rất cần thiết: Mình trồng cây này, nuôi con này có bán được không? Rủi ro sẽ có, mình có chấp nhận không? Làm sao để hạn chế rủi ro? Rồi 1 ngày công trồng cây này so với 1 ngày công nuôi lợn có cao hơn không?...

Vai trò của Nhà nước là trợ giúp về thông tin. Ví dụ, trong cả nước đang có bao nhiêu hecta trồng vải, sản lượng có thể là bao nhiêu, trong nước tiêu thụ được bao nhiêu, xuất khẩu được bao nhiêu, ai là đầu mối tiêu thụ...

Người nông dân cũng phải biết thương lượng, mặc cả để mình không bị thiệt thòi, có thể, cũng phải biết liên kết với nhau để có sức mạnh hơn.

Tất nhiên, để đào tạo tất cả nông dân thành "người giàu" là điều không tưởng. Nhưng theo tôi, cái họ cần nhất là kỹ năng đặt câu hỏi, tìm thông tin, vì thiếu thông tin thì họ cùng lắm chỉ có thể thoát đói, chứ không thể thoát nghèo. Ngoài ra, nếu đất nước ta vẫn cứ trên dưới 70% dân số làm nông nghiệp, thì để tất cả nông dân đều giàu lên là điều không dễ.

Bởi vì rằng 7 người làm chỉ để bán cho 3 người mua. Trong lúc đó thị trường trong nước đang chịu sự cạnh tranh rất quyết liệt của hàng nông sản Trung Quốc, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Ở tầm vĩ mô, phải chuyển đổi thế nào để chỉ khoảng 7-9% dân số làm nông nghiệp thôi thì mới có điều kiện để nông dân giàu lên.

- Giảm tỷ lệ dân số làm nông nghiệp phải chăng chính là lý do chúng ta đang ồ ạt chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện nay? Đó không thể là cách đúng?

- Giảm tỷ lệ dân số làm nông nghiệp và giảm đất nông nghiệp là 2 chuyện khác nhau. Vấn đề là phải tích tụ được ruộng đất vào tay những người làm nông nghiệp giỏi, phải phát triển những trang trại sản xuất lớn, cho năng suất cao. Chính những ông chủ trang trại mới là những người có đủ kiến thức, kỹ năng để làm giàu.

Họ sẽ biết tìm kiếm thông tin, biết tiếp thị để tạo thương hiệu. Họ cũng là những người biết khai thác kỹ năng của người nông dân một cách kinh tế nhất. Những người biết trồng lúa giỏi sẽ trở thành thợ cả và nhờ vậy sẽ được trả lương cao hơn.

Đó là cách khả thi hơn cả để làm giàu  từ nông nghiệp.  Tuy nhiên, vấn đề là đưa được 1 số lượng lớn dân số ra khỏi nông nghiệp. Ra khỏi nông nghiệp không có nghĩa là ra khỏi nông thôn. Một bộ phận những người nông dân vẫn có thể ở lại nông thôn, nhưng họ sẽ được chuyển sang làm dịch vụ. Nghĩa là ly nông, mà không ly hương.

Nông dân nghèo "đổi đời" thành dân nghèo đô thị

- Những người nông dân không còn ruộng đất thì sẽ đi về đâu? Chỉ một ít trong số họ có thể trở thành "thợ cả" như ông nói thôi. Không là nông dân mà sang làm công nhân trong các khu công nghiệp thì cũng chẳng đỡ nghèo hơn...?

- Nỗi lo lắng cho những người nông dân không còn ruộng đất là rất dễ hiểu. Đặc biệt trong trường hợp mất đất lại không có khả năng chuyển đổi sang ngành nghề khác. Tôi cho rằng việc tích tụ ruộng đất nông nghiệp không thể làm 1 cách nhân tạo, mà phải trên cơ sở tạo điều kiện cho người nông dân lựa chọn những việc mà họ có thế mạnh và đưa lại thu nhập cao hơn cho họ.

Phẩm chất không thể thiếu để 1 dân tộc giàu có là khả năng hợp tác với nhau, bởi không ai giỏi tất cả mọi việc.

Tôi nghĩ, trước hết phải có những phẩm chất nền tảng để đất nước có thể giàu có, sau đó mới là kiến thức, là kỹ năng. Hãy "xóa đói giảm nghèo" ở tầm quốc gia, với những chính sách thật sự đầu tư vào con người, tạo ra những người Việt trước hết phải có phẩm chất từ thuở nhỏ.

Ví dụ, thay vì làm ruộng, người nông dân có thể làm dịch vụ xay xát chẳng hạn. Hiện nay, đội ngũ những người nông dân làm dịch vụ cày đất, gặt hái, xay xát... là rất đông đảo. Còn các ngành phụ trợ cho nông nghiệp của trang trại cũng là một nguồn công việc rất lớn cho người nông dân. Hay các ngành dịch vụ, du lịch gắn với văn hóa của làng quê cũng vậy.

Làng cổ có thể là 1 tài sản lớn, 1 sự khác biệt rất văn hóa để khai thác, nhưng tiếc thay, hình như chúng ta không giữ gìn được.

Tất nhiên, vẫn có 1 bộ phận rất lớn cư dân nông thôn sẽ di cư ra thành phố. Với lực lượng này, nếu chỉ làm công nhân trong các xí nghiệp thì cũng khó khá lên được. Vấn đề xóa nghèo nhiều khi phải giải quyết qua nhiều thế hệ. Những người công nhân phải được có điều kiện để đầu tư vào giáo dục, y tế cho con cái họ. Theo tôi, Nhà nước nên quan tâm tới những dịch công cơ bản cho những đối tượng này.

- Như vậy, phải quan tâm hơn đến những người ly hương từ nông thôn ra thành phố?

- Đúng là như vậy. Những người nông thôn nhập cư lên thành phố là xu thế rất bình thường. Họ chính  là những người năng động hơn trong số nông dân. Họ lên thành phố ban đầu có khi chỉ để kiếm thêm mấy đồng, rồi ngày càng ít về lại quê. Họ không trở lại quê nữa thì họ trở thành dân thành thị. Mà như vậy, thì phải tính đến họ khi quy hoạch đô thị.

Cuộc cạnh tranh trên thế giới hiện nay suy cho cùng là cạnh tranh về tri thức, kỹ năng của người Việt so với các tộc người khác trên thế giới.

Chữ tín làm nên phẩm giá và thành công

- Cạnh tranh giữa người Việt và người của các quốc gia khác, liệu chúng ta có... cơ may thành công không?

- Hãy đặt câu hỏi thế này: Để cạnh tranh và vươn lên giàu có, người Việt có đủ những phẩm chất cần thiết không?

Người Việt có luôn sáng tạo, luôn đổi mới, luôn coi trọng chất lượng và hiệu quả không? Những cái đó thuộc về phẩm chất, và là những phẩm chất cần có để thành công.

Chỉ làm 1 công việc rất đơn giản là đan sọt thôi, nhưng chúng ta có liên tục nghĩ phải đan thế nào để sọt tốt hơn? hay làm sao để giá rẻ hơn, rồi sử dụng bền hơn,... không? Hay có thể thêm tính năng gì cho cùng 1 cái sọt? Hay ta thấy hàng xóm đan sọt thì ta cũng đan sọt giống hệt như thế? Anh dừng 1 chút là anh bắt đầu thụt lùi, trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.

Tiếp theo nữa mới đến phẩm chất tạo nền tảng để các nguồn thế giới đổ vào, là người Việt có trung thực, có giữ chữ tín không? Không bao giờ thỏa hiệp về các can kết, đã thỏa thuận thì chết cũng giữ chữ tín không? Chính phẩm giá của người Nhật đã tạo thương hiệu lớn cho nền kinh tế Nhật Bản.

Phẩm chất không thể thiếu để 1 dân tộc giàu có là khả năng hợp tác với nhau, bởi không ai giỏi tất cả mọi việc.

Tôi nghĩ, trước hết phải có những phẩm chất nền tảng để đất nước có thể giàu có, sau đó mới là kiến thức, là kỹ năng. Hãy "xóa đói giảm nghèo" ở tầm quốc gia, với những chính sách thật sự đầu tư vào con người, tạo ra những người Việt trước hết phải có phẩm chất từ thuở nhỏ.

Chính họ sẽ "gánh vác" sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu khi đứa trẻ ngã mà bố mẹ lại đánh xuống đất thì chúng ta chỉ dạy đứa trẻ thói quen đổ lỗi. Nếu giáo dục chỉ quan tâm đến sự vâng lời và sự học thuộc, khả năng sáng tạo và đổi mới sẽ rất hạn chế.

Nhìn từ kinh nghiệm của thế giới, cứ nước nào giàu tài nguyên thì nước đó lại thường nghèo, có lẽ vì... người dân nước đó đã ỷ lại, đã không phát triển được những phẩm chất và kỹ năng cần thiết của nguồn nhân lực. Thế nhưng, mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên đều chỉ là hữu hạn, chỉ có phẩm chất, kỹ năng, tri thức của con người là vô hạn mà thôi.

Theo Vietnamnet