Cô gái 9x khởi nghiệp với đặc sản xứ Nghệ

CTG - Từng là giáo viên mầm non, Lương Thị Hường quyết định chuyển hướng sang kinh doanh rượu ống tre Lảu Thẻn Phà – một đặc sản ở miền Tây xứ Nghệ.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Nghệ An và Đại học Mầm non Đại học Vinh, Lương Thị Hường (SN 1994, trú bản Na Cày, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An) trở về bản giảng dạy tại một trường mầm non. Sau gần 3 năm đứng lớp, cô gái 9x quyết định chuyển hướng khởi nghiệp từ rượu ống tre.

“Gia đình tôi có truyền thống nấu rượu từ xa xưa, bí quyết nấu rượu rất độc đáo cho ra những giọt rượu thơm, ngon và quan trọng men lá được các nghệ nhân tự hái lá thảo dược về làm. Rượu rất an toàn, người sử dụng không bị háo nước, hay mệt mỏi nếu lỡ có sử dụng quá chén. Do đó, tôi quyết định chuyển hướng sang kinh doanh rượu ống tre Lảu Thẻn Phà”, chị Hường chia sẻ.

 
Cô gái 9x khởi nghiệp với đặc sản xứ Nghệ ảnh 1

Lương Thị Hường - cô giáo mầm non quyết chuyển hướng sang kinh doanh rượu truyền thống Lảu Thẻn Phà.

Theo tiếng dân tộc Thái, “Lảu” được hiểu là rượu; “Thèn Phà” là tên gọi của trời. “Lảu Thèn Phà” được hiểu là thức uống thiêng liêng, được kết tinh từ tinh hoa của đất trời miền Tây xứ Nghệ. Từ xa xưa, loại “kỳ tửu” này đã được người dân bản địa sử dụng dâng lên bàn thờ trời đất, tổ tiên trong các dịp lễ, Tết.

Bí quyết để nấu được loại rượu ngon này luôn phải chú trọng đến khâu nguyên liệu. Theo đó, gạo dùng để nấu rượu phải là loại gạo nếp nương (nếp cẩm, nếp trắng). Gạo được làm ra từ giống lúa nếp nương thơm, trồng trên nương rẫy tự nhiên, tỉa bắt từng cuống lúa. Loại nếp nương này tuy năng suất thu hoạch không cao nhưng tạo nên gạo cho chất lượng rượu rất ngon.

Cô gái 9x khởi nghiệp với đặc sản xứ Nghệ ảnh 2

Rượu Lảu Thèn Phà rất an toàn, người sử dụng không bị háo nước, hay mệt mỏi nếu lỡ có sử dụng quá chén.

“Cái tinh tuý để làm nên đặc trưng của loại rượu này nằm ở nước và men lá. Phải lấy nước từ trên nguồn về. Nước phải sạch, trong, hoàn toàn tự nhiên. Kết hợp với men lá rừng là các loại lá cây dược liệu bản địa, được ủ bằng công thức men cổ truyền. Điều này đã tạo nên một loại rượu nếp men lá khác biệt, chỉ có ở miền Tây xứ Nghệ”, chị Hường nói.

Vượt khó, đạt OCOP 3 sao

Cũng như bao bạn trẻ khác, Lương Thị Hường cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp. Gia đình Hường thuộc diện hộ cận nghèo, do đó, kinh phí đầu tư rất hạn chế, chủ yếu là tự gom góp lấy ngắn nuôi dài, vay mượn bạn bè để mua nguyên vật liệu. Ngoài ra, khi chuyển qua làm kinh doanh, Hường gặp vướng mắc ở thủ tục pháp lý.

Làm sao để khách hàng biết đến mình? Làm thế nào để khách hàng tin tưởng sản phẩm?,… là những câu hỏi xuất hiện nhiều trong suy nghĩ của Hường. Tuy nhiên, bằng ý chí quyết tâm, cùng sự kiên trì, cố gắng học hỏi, cô gái 9x đã từng bước vượt qua khó khăn và đưa thương hiệu rượu ống tre Lảu Thèn Phà đến gần hơn với người tiêu dùng.

Cô gái 9x khởi nghiệp với đặc sản xứ Nghệ ảnh 3

Lương Thị Hường cùng sản phẩm rượu ống tre Lảu Thẻn Phà tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo.

Chia sẻ về quy trình chưng cất rượu, Hường cho hay, để có những giọt rượu nếp men lá nguyên chất đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ, kỳ công của người phụ nữ Thái từ khâu nấu cơm rượu, phối trộn men, lên men, ủ cơm.

“Sau thời gian lên men, rượu được đưa đi chưng cất sẽ thu được 3 phần rượu khác nhau. Phần rượu gốc có nồng độ cồn từ 55 - 65 độ, do hàm lượng độc tố ở rượu đầu cao không thể sử dụng. Phần rượu để sử dụng có nồng độ cồn khoảng 35 - 45 độ. Thông thường, theo phương pháp chưng cất cổ truyền cứ 10kg gạo, có thể thu được 7 lít rượu ngon”, chị Hường cho hay.

Cô gái 9x khởi nghiệp với đặc sản xứ Nghệ ảnh 4

Lương Thị Hường (đứng thứ hai từ phải qua) giới thiệu sản phẩm rượu ống tre cho bạn bè.

Với phần rượu để sử dụng, người phụ nữ Thái cũng có những bí quyết riêng để làm cho rượu dễ uống hơn như sử dụng chum sành hạ thổ trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng. Hoặc “ủ lạnh” bằng cách ngâm bình rượu vào nước giếng, trong suối tự nhiên trước khi sử dụng. Chén rượu khi được rót ra mát lạnh - đây cũng chính là một phần của triết lý “âm dương hòa hợp” trong ẩm thực của người dân tộc.

“Để bồi bổ và tăng cường sức khoẻ, chúng tôi còn sử dụng các loại dược liệu quý từ tự nhiên để ngâm rượu. Nếu như trước đây, rượu nếp được ủ trong chum sành hạ thủy, hạ thổ, hâm nóng rượu thì giờ đây, rượu thành phẩm sau khi ngâm chum hạ thổ từ 8-12 tháng sẽ tiếp tục ủ rượu trong ống tre để rượu thành phẩm kết hợp với tinh chất nước tre tạo ra loại rượu ống tre Lảu Thèn Phà có chất lượng tốt hơn”, chị Hường chia sẻ.

Cô gái 9x khởi nghiệp với đặc sản xứ Nghệ ảnh 5

Lương Thị Hường (thứ 3 từ trái sang), nhận giải khuyến khích cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An mở rộng 2023.

Hiện, sản phẩm rượu ống tre Lảu Thèn Phà được bày bán trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Có thời điểm, rượu ống tre Lảu Thèn Phà xuất khẩu sang Lào. Doanh thu mỗi năm đạt 400 triệu đồng. Nói về những dự định tương lai, Hường cho biết, sẽ mở rộng xưởng sản xuất, mở rộng thị trường, đưa thương hiệu rượu Lảu Thẻn Phà vươn xa hơn.

Các thành tích đạt được:

- Sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022.

- Đạt chứng nhận về an toàn VSTP của Viện Demming.

- Đạt giải Nhì cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Nghệ An 2023.

- Dự án “Sản xuất và kinh doanh rượu ống tre Lảu Thẻn Phà” vừa đạt giải khuyến khích cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An mở rộng 2023 - Techfest Nghệ An Open 2023.

Theo TPO