Khát khao đến trường
Yến là con thứ ba trong gia đình có 4 anh chị em. Nhà nghèo đến mức được ăn một bữa cơm trắng là xa xỉ, quanh năm cơm độn ngô, độn sắn. Cái đói, cái nghèo bủa vây cộng với định kiến “con gái không cần học nhiều, chỉ cần biết chữ, biết viết cái tên của mình là đủ” đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân trong bản nên hết lớp 9, cô gái trẻ bị gia đình bắt nghỉ học ở nhà làm rẫy, chuẩn bị gả chồng.
Tuy nhiên, khoảng thời gian nghỉ ở nhà khát khao đến trường trong Yến chưa bao giờ dập tắt. Vì thế, khi đi chăn trâu, cô gái trẻ cố tình thả trâu gần trường, để có thể đến cửa lớp nhìn các chị học bài. “Thầy giáo thấy có một cô bé cứ đứng ở cửa lớp đã đến hỏi: “Em có muốn tiếp tục đi học hay không”? Khi đó bản thân tôi rất thích đi học nhưng lại không dám nói với bố mẹ”, Yến kể.
Chảo Thị Yến |
Chỉ quanh quẩn ở bản nên gia đình Yến càng túng thiếu hơn. Lúa thóc thu hoạch về bị chủ nợ đến lấy hết. Khi đó, trong đầu cô gái trẻ lại vang lên câu nói của thầy giáo: “Chỉ có đi học em mới thoát nghèo. Không đi học thì mãi mãi không thể thoát nghèo được đâu”. Khát khao đưa bản thân và gia đình thoát khỏi nghèo đói khiến Yến quyết tâm thuyết phục bố mẹ cho cô trở lại trường.
Yến may mắn được thầy giáo đồng hành, kiên trì thuyết phục gia đình. Vì thế, sau 3 năm, Yến nhận được cái gật đầu của mẹ. Sau khi học cấp ba, cô gái trẻ thi đỗ vào trường Đại học Lâm nghiệp với mong muốn “trở thành kiểm lâm bảo vệ rừng, ngăn cho cây không bị chặt phá bừa bãi”.
Vừa học, Yến vừa xin làm thêm trong sân golf để đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Từ năm thứ 3, kì nào cô gái trẻ cũng giành được học bổng cho sinh viên xuất sắc. Bằng nỗ lực của bản thân cùng sự giúp đỡ của thầy giáo, Yến xuất sắc giành học bổng toàn phần bậc thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững trị giá hơn 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng) từ Đại học Gottingen (Đức).
Tạo sinh kế cho người dân
Cầm tấm bằng thạc sĩ về nước, Yến đi làm cho một số tổ chức phi chính phủ, thực hiện nhiều dự án về giá trị tri thức bản địa, hướng dẫn cộng đồng giữ gìn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên. “Khoảng thời gian làm dự án cộng đồng, tôi nhận ra quê mình rất nghèo nhưng để đưa được các dự án về vô cùng khó. Tôi đã tự đặt ra câu hỏi, tại sao bản thân mình không tự thực hiện một hình kinh doanh để tạo việc làm cho người dân và có thu nhập nuôi sống bản thân?”, Yến chia sẻ.
Chảo Thị Yến chia sẻ câu chuyện của bản thân đên các bạn trẻ khác |
Tuy nhiên, xuất phát điểm là dân nghiên cứu khoa học, Yến không có một chút kiến thức về khởi nghiệp, quản trị kinh doanh nên thời điểm đó cô gái trẻ không đủ bản lĩnh về quê. Năm 2022, Yến may mắn là một trong những đại biểu tham dự chương trình Thủ tướng đối thoại với nông dân. Tại đây, cô gái trẻ gặp được rất nhiều người nông dân dám nghĩ, dám làm. Thậm chí có người từng vướng vòng lao lý đã quay trở về làm mô hình nông nghiệp có doanh thu cả tỉ đồng, tạo tác động rất lớn đến cộng đồng.
Được truyền cảm hứng, Yến quyết định về quê khởi nghiệp kinh doanh các sản phẩm của người Dao. Cô gái trẻ tập trung vào các sản phẩm tri thức bản địa đã được tích lũy từ hàng trăm năm, như việc sử dụng các loại cây, lá rừng để chữa bệnh, các bài thuốc Nam hay các sản phẩm nông sản được canh tác theo hướng thuận tự nhiên. Quyết định này của Yến vấp phải sự phản đối quyết liệt của mẹ
“Sáng mẹ mắng, chiều mẹ mắng. Khi thực hiện các video truyền thông tôi không bao giờ quay được hình của bà. Một mình tôi phải tự xoay sở, vận hành công việc”, Yến cho biết.
Với sự quyết tâm, tháng 7/2023, Yến thành lập Hợp tác xã Tri thức - Bản địa Goong (trong tiếng Dao, Goong có nghĩa là tốt đẹp). Trong đó, cô gái trẻ tập trung vào đào tạo nhân lực địa phương biết cách truyền thông và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh việc đứng ra thu mua các sản phẩm nông lâm đặc sản cho người dân, Yến cũng trực tiếp hướng dẫn họ cách khai thác bền vững và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.
Yến cũng tranh thủ quay clip quảng bá về ẩm thực, văn hóa, phong tục tập quán… của người dân bản địa cũng như những câu chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ rồi chia sẻ lên mạng xã hội. Những clip giới thiệu về sản vật quê hương của cô gái trẻ bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan cả về mặt hình ảnh lẫn giá trị kinh tế và tạo sinh kế cho cộng đồng.
Cô gái trẻ cho biết: “Hiện hợp tác xã có 7 nhân sự với tuổi đời 18 -35. Các bạn có sự tiến bộ rõ rệt trong việc đóng gói, phát triển chất lượng sản phẩm và kỹ năng chăm sóc khách hàng. Điều này đã khích lệ tôi có thêm động lực để phát triển mô hình tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương”.
Theo Tuoitre