Ý tưởng từ người bạn ghé thăm nhà
Năm 2017, các hộ nông dân Hòa Quý chuyển đổi sang trồng gừng thương phẩm trên đất ruộng, đất vườn. Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt trồng khoảng một sào gừng với kì vọng sẽ giúp đời sống kinh tế khấm khá hơn. Dù được mùa nhưng gừng tươi mất giá, không có thương lái thu mua. Cũng như nhiều hộ khác, gia đình Nguyệt bị lỗ nặng.
Thời điểm này Nguyệt vừa học xong thạc sĩ ngành kiến trúc, có thời gian rảnh rỗi, cùng bố xoay xở làm mứt gừng, gừng lát sấy với hy vọng vớt vát. Tình cờ, một người bạn Nhật Bản ghé thăm nhà và kể về cách làm trà gừng truyền thống của Nhật. Thấy thú vị, Nguyệt bàn với bố nghiên cứu và thử nghiệm phương pháp làm trà gừng dạng cao lỏng.
Ông Nguyễn Lên, bố của Nguyệt vẫn nhớ những ngày tháng 2 cha con cặm cụi trong chái nhà rộng chỉ chừng 15m2 mày mò cách làm trà gừng. “Tôi là nông dân, nào biết gì về kỹ thuật. Thấy ý tưởng hay và dễ thực hiện nên tôi và cháu mới quyết tâm làm. Nhưng khi bắt tay vào làm rồi mới thấy khó đủ đường”, ông Lên kể.
Được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt đầu tư máy móc để tăng sản lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bên cạnh trà gừng, cơ sở cho ra đời thêm nhiều sản phẩm khác như: nước cốt nghệ tươi, bột gừng, bột nghệ sấy lạnh… Hiện, cơ sở sản xuất tạo việc làm cho 4 thành viên trong gia đình và khoảng 10 lao động thời vụ tại địa phương. Mỗi năm, cơ sở tiêu thụ khoảng 5 – 6 tấn gừng nguyên liệu và cho ra thị trường trên 10 nghìn chai trà gừng. |
Trên thị trường thời điểm đó chỉ phổ biến trà gừng dạng bột hoặc trà gừng dạng túi lọc. Nguyệt tìm cách đặt hàng trà gừng truyền thống của Nhật Bản và Hàn Quốc về để uống thử và “học lỏm” phương pháp làm từ lời kể của người bạn. Sau nhiều lần thử nghiệm, đổ bỏ không biết bao nhiêu mẻ gừng, Nguyệt tạo ra những chai trà gừng thành phẩm đầu tiên.
“Qua nhiều lần thử, tôi điều chỉnh các nguyên liệu để làm ra loại trà gừng phù hợp với khẩu vị của người Việt, nhiều vị gừng tươi, độ ngọt vừa phải. Thời gian đầu, trà để một thời gian thường bị lắng, tách nước. Tôi cũng mất nhiều công sức để khắc phục lỗi này”, Nguyệt kể.
Gừng được chọn làm trà là loại gừng sẻ, củ lớn và già. Thời gian đầu, Nguyệt thu mua gừng của các hộ xung quanh để sản xuất. Sau đó chị tìm đến các đầu mối trồng gừng ở huyện Đông Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) để thu mua nguyên liệu chất lượng. Sau khi rửa sạch, để ráo, gừng được mang đi xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt và trộn với đường phèn, mật ong rồi mang đi chưng cô đặc trong nhiều giờ. Trà gừng không có hóa chất bảo quản, có thể giữ được 3 tháng sau khi mở nắp.
Chị Thu Nguyệt giới thiệu trà gừng Tâm Nguyên tại một hội chợ ở Đà Nẵng. |
Khi nhận thấy chất lượng sản phẩm đã ổn định, trà gừng có chỗ đứng trên thị trường, năm 2019, Nguyệt mạnh dạn đăng ký hộ kinh doanh cá thể với sản phẩm trà gừng Tâm Nguyên.
Không để người nông dân “được mùa, mất giá”
Không chỉ tranh thủ mạng xã hội để tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường, Nguyệt còn tích cực kết nối tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại, chợ phiên nông sản sạch… “Dần dần, tôi có những “khách ruột”, khi sử dụng sản phẩm thấy ngon và tốt, họ lân la hỏi giá sỉ để trở thành đại lý cũng như giới thiệu trà gừng đến nhiều mối đại lý, cửa hàng, chủ quán cà phê…”, Nguyệt chia sẻ.
Đến nay, trà gừng Tâm Nguyên đã phân phối rộng rãi ở Đà Nẵng cũng như các tỉnh, thành lân cận, lên cả Tây Nguyên, và “đắt hàng” trên các sàn thương mại điện tử. Năm 2021, trà gừng Tâm Nguyên được UBND TP Đà Nẵng công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và trở thành Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thành phố. “Trên thị trường, trà gừng dạng cao lỏng như Tâm Nguyên là sản phẩm mới, tiện lợi cho việc bảo quản, pha chế và giữ được hương vị của gừng tươi”, Nguyệt nói.
Nguyệt đang ấp ủ mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc để tự động hóa quy trình sản xuất. “Giờ đây tôi mong muốn phát triển trà gừng Tâm Nguyên và các sản phẩm từ gừng, nghệ để nâng cao giá trị cho các loại củ này, không để những người nông dân như ba tôi rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa, mất giá”, Nguyệt nói.
Theo TP