Cô gái trẻ 'Không mong bạn hạnh phúc…'

(CTG) Một cô gái trẻ tự nhận là người “đơn giản”, nhưng đầy nghị lực khi đã có nhiều trải nghiệm thăng trầm, là tác giả của hơn 10 đầu sách, được nhiều bạn đọc trẻ mến mộ. Hiên - bút danh của cô, vừa trải lòng trong ấn phẩm mới “Không mong bạn hạnh phúc, chỉ mong bạn bình an”, trong đó có việc “Đau khổ là một điều cần thiết…”.

Gặp Hiên bây giờ trong vẻ hiền lành và ăn nói dịu dàng, hẳn ít người khó có thể hình dung cái “ngày xưa” ở cô gái này: “ở ngoài đời, tôi luôn mang một vẻ bất cần, còn có phần ngang ngược, láo toét nữa, kể cả trang phục cũng ngổ ngáo…”. Trước đây, sau một số chuyện không vui trong đời, trong đó có cả việc thất tình, Hiên còn mượn rượu để giải khuây. Rất may, “sau này, càng lúc, tôi càng nhận ra những người chìm trong sự mơ hồ từ các chất kích thích, phần lớn đều là vì có những chuyện rối ren không muốn đối mặt ở hiện tại”.

Cô gái trẻ 'Không mong bạn hạnh phúc…' ảnh 1

Hiên - tác giả cuốn sách “Không mong bạn hạnh phúc, chỉ mong bạn bình an”. Ảnh: L.Q.V

Ngược xuôi trong cuốn “Không mong bạn hạnh phúc, chỉ mong bạn bình an” (do Bookland phối hợp cùng NXB Dân trí ấn hành), dễ nhận thấy Hiên đã khá mạnh dạn giãi bày những biến động tâm lý ở đời riêng, như: Không hợp với mẹ lắm - bởi hay bị mẹ đánh đòn và thường rất hay cãi mẹ; Bị giằng xé và chia tay bởi dăm ba mối tình; Khi đi làm thì thất thần với mức lương còm cõi;… Thế rồi, qua thời gian, nhận thức về cuộc sống đã dần thay đổi lối sống của cô gái này, giúp Hiên xử lý được nhiều vấn đề mà trước kia không làm được, đồng thời nhận ra được những phương pháp nhằm tránh được các cảm xúc tiêu cực không đáng có.

Cô gái trẻ 'Không mong bạn hạnh phúc…' ảnh 2

Bìa cuốn sách

Ngoài việc không giấu giếm các vấn đề trong cuộc sống riêng tư, trong ấn phẩm này, Hiên còn viện dẫn những trường hợp, tình huống không mấy vui của bạn bè, người thân để lý giải và đề xuất cùng bạn đọc cách xử lý phù hợp nhất, nhằm hướng tới sự bình an và hạnh phúc trong đời. Qua đó, mỗi người có thể thấy mình đã chứng kiến hoặc phải đối mặt với những tình cảnh, trạng thái tương tự và tự tìm các giải pháp tu chỉnh tối ưu bản thân. Cách viết như những lời tâm tình thủ thỉ, về những vấn đề xã hội thường ngày dễ gây thương tổn với mọi cá nhân, đã khiến Hiên nhận được sự đồng cảm.

Hiên cũng tự nhận mình là người si tình, bay bổng, lãng mạn. Nhưng theo dòng đời trôi, cô cũng phải chấp nhận những khó khăn, thất vọng, đau khổ, để gắng gỏi vượt qua. Sau này, Hiên rất tâm đắc với một câu của sư thầy Thích Nhất Hạnh: “Một cuộc sống hạnh phúc là một cuộc sống ít khổ đau”, nhưng theo cô, trong cuộc sống cũng cần phải đau khổ. Hiên giãi bày:

“Trên hành trình này, đau khổ và khó khăn giống như những trò chơi thử để chúng ta tìm cho mình một lối tư duy và những tiêu chuẩn sống phù hợp nhất cho chính mình. Bởi vậy, để trả lời cho câu hỏi “Tại sao chúng ta lại đau khổ”, tôi cho rằng câu trả lời đơn giản nhất là vì chúng ta cần phải đau khổ.

Nếu không có đau khổ, chúng ta sẽ không dừng lại một chút.

Nếu không có đau khổ, chúng ta sẽ không biết tự vấn bản thân.

Nếu không có đau khổ, chúng ta cũng sẽ không biết và trân trọng hạnh phúc.

Đau khổ là một điều cần thiết, nó có ý nghĩa và giá trị không kém gì hạnh phúc.

Và đôi khi, để không cảm thấy đau khổ nữa, đơn giản nhất là chúng ta chỉ cần chấp nhận rằng điều đó luôn hiện hữu như một phần trong cuộc sống mà thôi”.

Vậy sao Hiên lại không mong mọi người hạnh phúc, mà chỉ cần bình an? Theo Hiên: “Vì nếu bạn chỉ luôn hạnh phúc, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được sự kỳ diệu của cuộc đời, của những đau khổ được chuyển hóa thành niềm vui. Mất đi trải nghiệm đó, tôi cho rằng đó là một điều đáng tiếc. Đau khổ không đáng sợ, đáng sợ là không đủ dũng cảm để vượt qua mà lại từ bỏ giữa chừng. Tôi không mong đường bạn đi trải đầy hoa hồng, chỉ mong rằng, bạn đủ bình yên, đủ mạnh mẽ, đủ kiên nhẫn để chờ ngày nắng lên sau một mùa đông dài”.

 

Sau khi tốt nghiệp hệ phổ thông dưới mái trường Lam Sơn xứ Thanh quê nhà, Hiên đã lên Hà Nội thi vào học chuyên ngành Kiểm toán của Học viện Ngân hàng, rồi ra trường, tìm được việc làm nơi công sở, nhưng sau đó, cô lại ngả sang cày ải trên cánh đồng văn chương. Đến nay, Hiên đã sở hữu khoảng hơn 10 đầu sách, trong đó có những cuốn như “Dear, darling - Người là lời an ủi dịu dàng nhất đời tôi”, “Xin chào tình yêu”, “Hoa tàn trong sương”, “Vẫn là mùa hạ, nhưng không còn chúng ta”… Trước đây, Hiên thường viết về đề tài tình yêu, còn nay, cô chú trọng viết về cuộc sống ở nhiều góc độ hơn.

Ngoài việc viết sách, Hiên cùng lúc đảm nhiệm một số vai trò khác: Giám đốc điều hành một thương hiệu sách, chủ một nhãn hiệu thời trang và hoa nghệ thuật, đồng thời dành nhiều thời gian cho các hoạt động trên mạng xã hội và rèn tập với cây đàn piano. Vậy nên, đã có người ngỡ ngàng hỏi: “Làm cách nào để Hiên có đủ năng lượng cho tất cả mọi thứ như vậy?”. Hiên bộc bạch: “Với tôi, công việc giống như một hoạt động sống, mang tính linh hoạt. Tôi không cảm thấy mình đang làm việc, nên có thể làm nhiều mà không bị áp lực.

Trước đây, tôi cũng không thích công việc 8 tiếng gò bó ở văn phòng, nhưng sau này, tôi nhận ra là, mỗi ngày đều có những điều mới mẻ xảy ra. Vậy nên, hãy tìm ý nghĩa, lý do cho việc mình làm thì sẽ thấy thoải mái với những việc mình cần xử lý hơn. Hơn nữa là, tôi suy nghĩ rất nhanh và dứt khoát, ít khi phải phân vân. Nếu hôm nay tôi quyết định chia tay, thì sẽ chia tay, nếu quay lại thì sẽ quay lại. Có thể sau này tôi sẽ hối hận với quyết định đó, nhưng tôi đã nói là làm, nên không có thời gian dành cho sự phân vân. Tôi nghĩ, đó là lý do khiến cuộc sống của tôi có nhịp độ nhanh đến như vậy”.

Còn với câu hỏi: “Hiên có thể chia sẻ thêm về cách để mình thay đổi như vậy không?”, thì Hiên từ tốn giãi bày tâm niệm: “Ngày nay, mọi người thường nhắc nhiều đến cụm từ “chữa lành”, nhiều đến nỗi mà nó đang bị thương mại hóa. Với tôi, điều này không có gì sai. Nó chỉ là một tiến trình thay đổi khi mình còn trẻ và có những hiểu biết chưa đúng về cuộc đời.

Lúc này, mình cho rằng “chữa lành” là việc loại bỏ những đau khổ, rối ren trong lòng. Nhưng thực chất, đó là việc mình học cách tháo gỡ chúng, thiết lập một trạng thái đúng đắn hơn và đưa ra những lựa chọn tiến tới cuộc sống vui vẻ. Tuổi trẻ thì cứ làm, cứ học đi đã.

Tu chính là sửa, mình chưa tốt ở đâu thì mình làm lại ở đó. Nghe thì có vẻ dễ, nhưng việc này lại không hề đơn giản. Bởi nếu muốn sửa, trước hết bạn phải nhận ra chỗ sai, mà việc thừa nhận mình sai là một chuyện khó vô cùng. Nếu muốn thừa nhận cái sai, đôi khi chúng ta phải thật lòng với bản thân trước đã…”.

Hiên (tên thật Đỗ Thảo Ly) - một cô gái trẻ trước thềm tuổi 30, tâm sự đơn giản: “Bản thân thường thích tĩnh lặng trong những suy ngẫm, chứ không như nhiều người khác, đặc biệt là các bạn trẻ, thích nghe nhạc trong lúc làm việc. Điều này rất ảnh hưởng tới hoạt động thường ngày. Theo tôi, ngày nay, các bạn trẻ nên tránh xa, hoặc bớt thời gian, trong việc sử dụng điện thoại di động, để tập trung tâm trí suy nghĩ làm việc…”.

Theo Hiên, hãy tự thắp đuốc cho chính mình mà đi. Đi, bằng chính trí tuệ của mình!

Theo TP