Cô giáo dân tộc Nùng 26 năm bền bỉ với sự nghiệp trồng người miền non cao

(CTG) Trong suốt 26 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, cô giáo dân tộc Nùng Ngọc Thị Thu đã luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo, cải tiến môi trường học tập, tham mưu, tổ chức nhiều chương trình hoạt động ngoại khoá bổ ích, lý thú cho học sinh góp phần chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo huyện miền núi xa xôi.

Cô giáo Ngọc Thị Thu, hiện nay đang công tác tại trường Tiểu học Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng được sinh ra trong một gia đình làm nghề tiểu thủ công nghiệp, từ nhỏ cô đã có ước mơ lớn lên sẽ được đi học chuyên ngành nghệ thuật hoặc được làm cô giáo. Ước mơ đó đã luôn ấp ủ trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường và năm 1994, cô đã thi đỗ vào trường Trung học sư phạm Cao Bằng (nay là trường Cao đẳng sư phạm Cao Bằng) học chuyên ngành giáo dục tiểu học để thực hiện ước mơ của mình.

 

Sau khi tốt nghiệp sư phạm, năm 1996 cô chính thức được tuyển dụng vào ngành giáo dục và được điều động đến nhận công tác tại trường Tiểu học Quảng Uyên và làm giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường. Là một giáo viên trẻ mới ra trường lại vừa lập gia đình, được điều động đến nhận công tác tại trường hạng I, sĩ số học sinh và số lớp đông nhất trong huyện, bản thân chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy, đặc biệt là trong công tác Đội. Với lòng đam mê, nhiệt huyết của mình, cô đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm các thế hệ anh chị đồng nghiệp đi trước cùng với sự giúp đỡ của Ban giám hiệu, đặc biệt biệt là sự hướng dẫn của thầy giáo Hoàng Anh Tuấn nguyên là giáo viên Tổng phụ trách đội nhà trường, cô đã mạnh dạn tự tin hơn trong quá trình triển khai, thực hiện kế hoạch công tác. 

Tại thời điểm đó điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường còn nhiều khó khăn, không có giáo viên dạy âm nhạc hỗ trợ, chưa có mạng Internet để tham khảo, việc dạy hát, dạy múa cho học sinh chỉ dạy chay. Để dạy được một điệu múa cho học sinh, giáo viên phải tự nghĩ động tác dựa trên lời ca bài hát để dạy cho học sinh. Nhưng những khó khăn đó không làm cô nản chí bởi các em học sinh rất nhiệt tình, hăng say khi được cô dạy hát, dạy múa và được tham gia các hoạt động đội, sao, hoạt động ngoại khóa,… 

Cô chia sẻ: “Tôi đã tham mưu cho Ban giám hiệu để tổ chức một số chương trình theo chủ điểm từng tháng, để các em được tham gia trải nghiệm, sáng tạo, rèn các kỹ năng thông qua các hoạt động ngoại khóa bổ ích, lành mạnh như: Ngoại khóa trình diễn thời trang tái chế; Chúng em kể truyện Cổ tích Việt Nam; Vẽ tranh chú bộ đội; Làm thiệp chúc mừng 20/10, 20/11, 8/3…; Ngoại khóa "Ngày tết quê em";"Em là đội viên giỏi", "Chúng em kể chuyện Bác Hồ";… Được các em hưởng ứng tích cực, tham gia sôi nổi và nhận được nhiều phản hồi tốt từ các em, đồng nghiệp và cả phụ huynh đã tiếp thêm sức mạnh để tôi sáng tạo thêm nhiều chương trình hay hơn nữa”. 

Sau một thời gian công tác, đảm nhiệm các vị trí khác nhau, tháng 10 năm 2010, cô được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng và điều động đến nhận công tác tại trường Tiểu học Phi Hải, xã Phi Hải, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Nơi cô đến nhận công tác có 3 điểm trường (01 điểm trường chính và 02 điểm trường lẻ), học sinh nơi đây chủ yếu là dân tộc Tày, ngoài ra có dân tộc Nùng, Mông. Điều kiện đi lại ở 2 điểm trường lẻ tương đối khó khăn, học sinh ở điểm trường Lũng Rượi đều là dân tộc Mông, kinh tế gia đình khó khăn, nhà ở xa trường. Đường từ nhà đến trường phải trèo đèo qua núi nên các em đi học không đều, đặc biệt những hôm trời mưa các em không thể đến trường học. Cô và các giáo viên phải thường xuyên đến thăm gia đình, động viên các em đến trường học và tham mưu cho chính quyền địa phương, Hội Khuyến học huyện, xã hỗ trợ các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để khuyến khích các em đến trường. 

Tháng 8/2015 cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng và điều động đến nhận công tác tại trường Tiểu học Quốc Tuấn, xã Quốc Dân, huyện Quảng Hòa. Khi tiếp nhận công việc tại đơn vị mới, cô đã tìm hiểu về đặc điểm tình hình của nhà trường từ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và điều kiện cơ sở vật chất nhà trường. Qua tìm hiểu, học sinh ngoan, lễ phép, chăm chỉ đến trường. Chất lượng nhà trường hàng năm đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên chưa có giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, học sinh đạt giải các kỳ thi cấp huyện chưa có; con đường vào trường đi lại rất khó khăn vì phải đi men theo bờ ruộng. Xuất phát từ những khó khăn trên, với vai trò là người đứng đầu trong đơn vị cô đã họp bàn với các đồng chí trong chi ủy chi bộ, các đoàn thể để tìm biện pháp khắc phục, nâng cao chất lượng mũi nhọn cả giáo viên và học sinh; Với sự đồng lòng, quyết tâm của tập thể nhà trường và sự tâm huyết với nghề của đội ngũ giáo viên, năm học 2015 - 2016 đã có 02 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; có học sinh đạt giải khuyến khích chọn giải Olympic cấp huyện. 

Hoàn thiện xong con đường vào trường Tiểu học Quốc Tuấn, tháng 8/2017 cô được điều động về nhận công tác tại trường Tiểu học Quảng Uyên. Sau 13 năm trở lại trường với cương vị là quản lý của một trường chuẩn quốc gia mức độ 1, mọi cảm xúc lại ùa về làm cô nhớ đến những tháng năm khi mình là giáo viên công tác tại trường. Đã có biết bao thế hệ học sinh trưởng thành, trường được xây mới tại một địa điểm mới khang trang hơn, đẹp hơn. 

Cô Thu tâm sự: “Ngay sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, tôi bắt tay vào việc tìm hiểu tình hình chung của nhà trường từ đội ngũ giáo viên đến học sinh, cơ sở vật chất nhà trường,... Tại thời điểm đó toàn trường có 435 học sinh/15 lớp. Nhưng nhà trường chỉ có 12 phòng học văn hóa, 03 phòng học bộ môn do vậy đã sử dụng cả các phòng học bộ môn để làm lớp học văn hóa. Trước tình hình đó, tôi tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển quy mô lớp học, tôi nhận thấy trong giai đoạn 2017 - 2022 và dự báo được sĩ số học sinh sẽ tăng dần theo từng năm học mà lớp học thì lại thiếu. Trăn trở với những khó khăn đó tôi đã chủ động tham mưu với Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, với Lãnh đạo huyện Quảng Hòa để đầu tư xây dựng thêm phòng học cho nhà trường. Đến năm 2020, 2021 nhà trường được đầu tư xây dựng thêm một dãy nhà 2 tầng với 08 phòng học, cải tạo lại 12 phòng học và sân trường, đến nay khuôn viên nhà trường, lớp học khang trang và đẹp hơn đáp ứng các tiêu chí đánh giá phong trào xây dựng "trường lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn". Mặc dù cơ sở vật chất còn thiếu nhưng nhà trường luôn khắc phục khó khăn, không ngừng nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm qua. Liên tục từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2021 - 2022 nhà trường đạt tập thể Lao động xuất sắc; 03 lần được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng tặng Bằng khen; trong hai năm học 2017 - 2018, 2018 - 2019 nhà trường vinh dự được tặng 04 cờ thi đua: 01 cờ của Thủ tướng Chính phủ; 02 cờ của Chủ tịch UBND tỉnh đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo; 01 Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học". Năm học 2021 - 2022 nhà trường đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen”.  

Quá trình 26 năm công tác, cô luôn nhận được sự ủng hộ từ gia đình, sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp nên hàng năm cô đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 09 lần đạt chiến sĩ thi đua cơ sở; 01 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen của UBND huyện Quảng Hòa, UBND tỉnh Cao Bằng và của Công đoàn. Với trách nhiệm của một nhà quản lý, cô luôn cố gắng, đem nhiệt huyết của người cán bộ quản lý bằng tất cả tình thương cho sự nghiệp Giáo dục. Truyền nguồn cảm hứng, nguồn năng lượng tích cực để các đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh phấn đấu khắc phục  những khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ trong mỗi năm học.

Đặc biệt, dịp này, cô Thu vinh dự được là 1 trong 68 gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phát động tổ chức từ năm 2015.

Chương trình tuyên dương các giáo viên có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đã từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận.

Qua 7 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương được 390 giáo viên đã cống hiến bền bỉ, không mệt mỏi, dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Được tổ chức vào tối 16/11 tại Hà Nội, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2022 đã tôn vinh 68 thầy cô tiêu biểu xuất sắc. Các giáo viên được tuyên dương được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của Chương trình; Sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ GD&ĐT.

Trong khuôn khổ Chương trình, vào tháng 10/2022, Ban Tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo tại các tỉnh như: Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Nai, Nghệ An và Yên Bái.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gặp mặt, biểu dương 68 thầy cô giáo được tuyên dương vào sáng ngày 15/11; lãnh đạo Bộ GD&ĐT gặp mặt, động viên và tặng Bằng khen cho 68 thầy cô giáo trong Chương trình vào chiều ngày 16/11.