Cô giáo lớp Hoa phượng đỏ

(CTG) Trong không gian Nhà văn hoá phường An Tường (thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang), gần 100 em học sinh của Trường Tiểu học An Tường ngồi ngay ngắn, lắng nghe “cô giáo áo xanh” giảng bài và cũng rất sôi nổi khi được cô giáo hỏi.

Biệt danh thân thương

Trên chuyến xe đưa các tình nguyện viên của Cụm Đoàn số 8 (sinh viên Học viện Tài chính, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Điện lực, Đại học Thủ đô Hà Nội, Đại học Hoà Bình, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), đi thực hiện Chiến dịch Mùa hè xanh tại Tuyên Quang, Nguyễn Lan Hương, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, lần lại cuốn sổ tay - một giáo án thu nhỏ để xem lại những nội dung sẽ truyền tải tới các em học sinh ở lớp học Hoa phượng đỏ.

Hương bảo: “Bình thường em hay đi dạy gia sư một kèm một. Các năm trước em đi dạy tình nguyện được nhập vai “bảo mẫu” ở trường mầm non. Năm nay, muốn thử thách hơn, em đã đăng ký tham gia dạy đối tượng học sinh tiểu học”.

Đến Nhà văn hoá phường An Tường sau khi bị đi lạc, từ cổng vào, đoàn chúng tôi đã nghe thấy tiếng giới thiệu thân thương của cô Nguyễn Thị Nga - Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học An Tường: “Nào các con, cùng chào đón các “cô giáo áo xanh” từ Hà Nội về với chúng ta ngày hôm nay nhé…”. Nét mặt ngây thơ, ngạc nhiên xen lẫn sự tò mò, hồi hộp của các em hiện lên. Cô Nga nói thêm: “Đây là các anh chị sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Học viện Tài chính, sẽ đem đến những điều thú vị cho các con đó. Các con đã sẵn sàng chưa nào?”.

Cô giáo lớp Hoa phượng đỏ ảnh 1

Cô giáo áo xanh Nguyễn Lan Hương, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, chủ trì phần dạy tiếng Anh.

Sau 3 năm tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh, mỗi năm dạy ở một địa điểm, đối tượng khác nhau, Nguyễn Lan Hương, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cảm thấy nhận về được nhiều hơn. “Em học cách kiên nhẫn hơn, biết cách đồng cảm với học sinh. Những trải nghiệm ấy cứ lớn dần theo thời gian, giúp em trưởng thành hơn trong vai trò của một giáo viên tương lai. Mùa hè xanh trong em là như thế, trải nghiệm rồi trưởng thành”, Hương chia sẻ.

Lớp học “Hoa phượng đỏ” bắt đầu như thế, với một biệt danh thân thương và gần gũi, đã kéo gần khoảng cách giữa các em học sinh còn e thẹn, ngại ngùng với những cô cậu sinh viên lần đầu đứng lớp. Đứng ở cuối lớp theo dõi các con, ngoài cô Nga, còn có rất nhiều phụ huynh cùng “dự giờ”, nở nụ cười tươi rói.

Kích thích sự sáng tạo cho học sinh

Lượt đầu tiên, Lan Hương kết hợp với đồng môn Trần Anh Vân thực hiện bài giảng về tiếng Anh cơ bản và kích thích tư duy phản biện của học sinh qua các trò chơi phản ứng nhanh. Hương nói vui, soạn giáo án cẩn thận là vậy, nhưng khi đến với lớp học, năng lượng của tuổi trẻ hoà vào năng lượng hồn nhiên, hứng khởi của học sinh đã khiến cô dạy “cháy” giáo án.

“Với tiếng Anh, mỗi đối tượng sẽ có một phương pháp tiếp cận khác nhau. Riêng với học sinh tiểu học, điều quan trọng nhất, chúng em xác định đó là phải khơi dậy hứng thú, kích thích tinh thần chủ động học tiếng Anh thay vì chỉ tập trung truyền đạt kiến thức. Vì vậy, chính em cũng cần học cách tương tác, khuấy động để tương thích với sở thích, khả năng tiếp nhận của các em”, cô giáo áo xanh Lan Hương chia sẻ.

 

Học sinh Anh Quân - trường Tiểu học An Tường, ngồi ôm quà, nhưng rất tập trung để tiếp tục chinh phục những câu hỏi khó từ cô Lan Hương, qua phần thi giải mã từ khoá với chỉ dẫn từ những hình ảnh. “Vừa học, vừa ẵm được nhiều quà như thế này, ngày nào em cũng muốn đi học. Em thấy học tiếng Anh theo cách này rất dễ nhớ, được thực hành tại chỗ, lại ôn lại kiến thức qua gameshow để cọ xát, cạnh tranh với các bạn”, Quân thích thú chia sẻ.

Ở không gian cuối lớp, chị Hoài Thương - phụ huynh của học sinh quay sang tôi nói vui: “Thấy các con vừa học, vừa chơi vui như thế, như mình cũng thấy thích em nhỉ? Nét mặt của lũ trẻ khác xa so với những ngày cắm mặt vào điện thoại dịp hè này…”.

Tiếp nối phần dạy của Lan Hương, bạn Nguyễn Thị Bảo Ngọc - sinh viên chuyên ngành Ngân hàng, Học viện Tài chính một tay run run cầm mic. Trước đó, đứng sau cánh gà sân khấu, Ngọc tâm sự, đây là lần đầu tiên em đứng lớp. Do tính chất chuyên ngành, Ngọc thấy tài chính là vấn đề nhạy cảm, em càng lo lắng hơn khi có cả phụ huynh dự ở cuối lớp.

Với nội dung dạy về quản lý tài chính cá nhân cho học sinh, Ngọc đã mở đầu bằng những lý thuyết cơ bản về tiền kèm câu hỏi: “Nếu được cho 100 nghìn đồng, các em sẽ làm gì?”. Hàng chục cánh tay giơ lên xung phong trả lời đã giúp cô Ngọc phá vỡ sự tự ti ban đầu. Từ dưới lớp, hàng loạt phương án chi tiêu của học sinh được nêu ra với 100 nghìn đồng tiền vốn: “Em sẽ đi bán nước chanh... Em sẽ gửi bà nội để tiết kiệm... Em sẽ mua đồ dùng học tập... Em sẽ đút lợn...”.

Kết thúc phần dạy của Ngọc, một tràng pháo tay của phụ huynh dưới lớp vang lên, còn khuôn mặt của các em như cảm thấy tiếc nuối khi bài giảng nhiều lý thú khép lại. “Hôm nay em đã làm được rồi, em đã được thể hiện bản thân, mang màu sắc của sinh viên Tài chính ra ngoài nhiều hơn”, Ngọc xúc động nói.

Cô Nguyễn Thị Nga - Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học An Tường vỗ vai Ngọc động viên: “Em đã làm rất tốt. Nội dung về quản lý tài chính cá nhân tưởng như rất vĩ mô, nhưng em đã có bài giảng gần gũi bằng các câu hỏi mở phù hợp với tư duy lứa tuổi học sinh. Dạy về tài chính cho các em học sinh là một nội dung mới, qua đây, các em sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng tính toán để tiết kiệm đồng tiền của mình có được từ phần thưởng của ông bà, bố mẹ sau khi đạt được một thành tích học tập nào đó”.

Theo TP