Cô giáo Thái 10 năm miệt mài cống hiến cho giáo dục mầm non vùng đặc biệt khó khăn

(CTG) Cô giáo Quàng Thị Bích (SN 1988, Trường Mầm non Vàng Đán) đã có hơn 10 năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” ở xã Vàng Đán đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Bất chấp trở ngại địa bàn rộng, dân trí thấp, dân cư thưa thớt, cô Bích vẫn kiên trì ươm mầm ước mơ cho thế hệ trẻ thơ.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vậy là đã hơn 10 năm cô Quàng Thị Bích gắn bó với mái trường Mầm non Vàng Đán - một chặng đường chưa phải là dài nhưng cũng đủ để cô cảm nhận được những gì tốt đẹp nhất dưới mái trường này. Với cô, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Chính nơi đây đã thắp lên trong cô ngọn lửa, ước mơ cháy bỏng không ngừng và lý tưởng sống cống hiến cho nghề, cho đời, ươm những mầm mơ ước cho bao thế hệ. Nơi đây cô không chỉ có các đồng nghiệp mà còn có những người như  mẹ, như anh chị em, bạn bè luôn bên cô; giúp đỡ, dìu dắt để cô ngày càng trưởng thành, tốt đẹp hơn.. Nơi đây cô đã nhận được tình yêu thương chân thành, sự ngưỡng mộ, niềm tin của các phụ huynh, đồng nghiệp,bạn bè, người thân, các học trò nhỏ qua từng ánh mắt.

Cô Quàng Thị Bích giảng dạy lớp mầm non tại trường Mầm non Vàng Đán

Gắn bó cùng Ngôi nhà trường mầm non Vàng Đán suốt 10 năm với nhiều kỷ niệm, đến thời điểm này, có thể nói rằng, môi trường tại Trường Mầm non Vàng Đán đã thay đổi tư duy và phong cách làm việc của cô. Cách đây 10 năm, ấn tượng đầu tiên của cô về trường chắc cũng giống các giáo viên, đồng nghiệp khác. Ngày đầu tiên gặp mặt đồng nghiệp, tất cả với cô đều rất xa lạ, đồng nghiệp của cô cũng đến từ nhiều nơi khác nhau. Cô thật sự đã rất lo lắng, là lần đầu tiên cô sống xa nhà, đó lại là một cuộc sống tự lập của một người lớn thực thụ. Cô được làm cô giáo như từng mơ ước. Cầm quyết định nhận công tác, điểm dừng chân tại trường mầm non Vàng Đán - xã Vàng Đán -  huyện Nậm Pồ (trước đây thuộc trường mầm non Nà Bủng, xã Nà Bủng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).

Đây là vùng đất có khí hậu rất khắc nghiệt, ruộng nương vắng lặng, còn người dân ở đây 98% là dân tộc Mông, khoảng 1% là dân tộc Dao, 1% là các dân tộc khác như Phù Lá, Mường, Kinh, Thái.. . Với cô, tất cả đều lạ lẫm. "Tôi nhớ cái ngày đầu tiên cầm quyết định lên trường, lúc đó chưa biết đi đường nào để đến trường, chỉ có thể hỏi những người dân qua đường được biết chỉ còn 10km nữa là tới nơi vậy mà đi được 10 cây rồi vẫn chưa tới, hỏi tiếp lại biết đi 10km nữa là tới vậy mà đi mãi đi mãi vẫn chưa tới. Tôi đã khóc, khóc vì sợ, hoang mang, lo lắng tự hỏi : "Sao đường xa thế? - Sao đường lắm đá lởm chởm khó đi thế? - Sao đi mãi mà chưa tới nơi? - Sao đi mãi mới có 1 nhà dân?..." - cô Bích hồi tưởng lại.

Vốn sống trong sự bảo bọc của gia đình, cô dường như không thể tin vào những điều đang diễn ra trước mắt. Là một giáo viên trẻ mới ra trường, năm đầu tiên về trường cô được nhà trường phân công giảng dạy lớp Mẫu giáo ghép 3-4-5 tuổi điểm trường Huổi Dạo 3, là một trong những điểm trường các cháu chưa một lần ra lớp, chưa có lớp học. Để vào đến điểm trường cô phải đi khoảng 35km từ điểm trường trung tâm, trong đó đường có thể đi được xe máy khoảng 25km và đường mòn phải đi bộ khoảng 10km đường rừng. Khi đó bản thân cô là một giáo viên mới ra trường, kinh nghiệm còn hạn chế, cùng với sự khó khăn về cơ sở vật chất của nhà trường, sự hạn chế của đầu vào chất lượng học sinh, sự quan tâm của phụ huynh chưa cao và sự vất vả về kinh tế của gia đình các cháu… Nhiều lúc cô tưởng rằng mình không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ. Cô luôn nhớ nhất ngày dựng lớp đầu tiên tại điểm trường trời mưa tầm tã, tuy rất khó khăn, vất vả, nhưng với sự ủng hộ của bà con dân bản tại điểm trường đã không quản ngại chặt cây, chặt tre để dựng một lớp học tạm, hơn nữa cô còn nhận được sự giúp đỡ của đồng nghiệp như cô giáo Lò Thị Khoa hiệu phó chuyên môn lúc bấy giờ, để có thể dựng lớp học cô đã đi bộ hơn 10 cây số để mang bạt vào dựng lớp, mà đến 12h trưa hôm đó cô vẫn phải đi bộ 10 cây số để về nhà. Cô thấy thương cô hiệu phó và cũng rất cám ơn cô Khoa vì đã rất nhiệt tình giúp đỡ, động viên và tạo điều cho cô vượt qua những thử thách bước đầu.

Những ngày tháng làm việc dưới mái trường, cô cảm nhận được tình cảm của đồng nghiệp, của các em học sinh thật ấm áp. Các cô thường xuyên trao đổi giúp đỡ nhau trong công việc, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống thường ngày.

“Tôi yêu Trường Mầm non Vàng Đán - một tình yêu có lẽ ít khi được nói ra nhưng luôn hiện hữu trong tôi, là nơi để nhớ, để thương, nơi ươm mầm ước mơ và hy vọng là nơi tôi được học tập, cống hiến và thực hiện niềm đam mê của mình, nơi đây tôi nhận được những niềm vui, những kỷ niệm đẹp và đặc biệt, tôi còn tìm thấy “tuổi thơ” của mình ở các trò yêu của mình, những lời tâm sự, động viên của đồng nghiệp; niềm yêu mến của các em học sinh đã tạo động lực cho tôi vững tin hơn trên con đường sự nghiệp giáo dục của chính mình” - cô Bích xúc động chia sẻ.

Sau hơn 10 năm công tác, khoảng thời gian đầu tiên trong sự nghiệp trồng người đã đem lại cho cô biết bao kỉ niệm. Vui có, buồn có, nhưng đọng lại trong trái tim cô vẫn là những cảm xúc ấm áp của những tháng ngày cùng sống, cùng làm việc và chia sẻ dưới mái trường Mầm non Vàng Đán  thân yêu!… Tất cả đều in dấu vào lòng cô những bài học của cuộc sống, sâu sắc và đáng quý:

“Nơi nào gian khổ đặt chân,
Khó khăn, vất vả sẽ dần trôi qua.
Đường vinh quang chẳng trải hoa,
Bước chân đến đích mới là thành công.”

Khi xa gia đình, khi đã quen với công việc và con người nơi đây, cô thấy mình yêu núi rừng, yêu người Mông, thật thà, giản dị, trong sáng của Bản biết nhường nào . Cuộc sống trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cô sẽ tự hứa với bản thân mình sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt công việc giảng dạy tại đây và xem như một bài học quý, trải nghiệm mà không phải cô giáo nào cũng may mắn có được". Cô hi vọng bằng sự nỗ lực và cố gắng của bản thân, các bạn nhỏ sẽ học tập thật tốt, luôn có những tiết học thú vị, tràn ngập niềm hạnh phúc dưới mái trường Mầm non Vàng Đán này, để với mỗi em học sinh, mỗi ngày đi học là một ngày vui vẻ, hạnh phúc.

Trong những năm qua tuy cuộc sống của bản thân còn nhiều bộn bề khó khăn vất vả nhưng cô luôn tự nhủ dù khó khăn đến đâu cô luôn yêu nghề mình đã chọn, yêu bầy trẻ thơ sớm hôm đến trường, yêu mảnh đất Vàng Đán quê hương thứ hai của cô. Cô luôn nguyện đem những kinh nghiệm của bản thân tích lũy được trong suốt thời gian qua cống hiến cho việc phát triển giáo dục mầm non của nhà trường nơi cô công tác cũng như của cấp học mầm non tại xã Vàng Đán, của huyện Nậm Pồ. Cô cũng luôn mong cấp học mầm non sẽ luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân cùng chung tay để các bé nơi vùng cao biên giới có một tương lai tươi sáng.

Với cống hiến của mình, cô Bích đã vinh dự đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến" nhiều năm liền. Đặc biệt cô Bích vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19.