Chương trình nhằm kêu gọi các cá nhân, tổ chức, các nhà trường, nhà giáo và học sinh trên cả nước chung tay hỗ trợ học sinh, trẻ em mồi côi sau bão số 3; hỗ trợ các trường học hư hại sau bão có thêm kinh phí khắc phục thiệt hại.
Các đại biểu đã tưởng niệm nạn nhân xấu số trong mưa lũ vừa qua |
Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi; chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức; cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội; Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy; đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, các phòng GD&ĐT, Ban Giám hiệu hàng chục trường học các cấp của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của 1.500 học sinh đến từ 3 trường học gồm: Trường THCS Cầu Giấy, Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu, Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân Hà Nội.
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc. |
Phát biểu tại chương trình, Nhà báo Phùng Công Sưởng cho biết, bước vào năm học 2024 - 2025, trong khi hàng trăm, hàng ngàn bản làng chưa kịp rộn vang tiếng hát, những trang vở viết chưa hết trang đầu, thì bão số 3 ập về. Đến hôm nay, sau 21 ngày cơn bão mạnh nhất trong 30 năm đổ bộ vào đất liền Việt Nam, có hàng chục các bạn học sinh ở nhiều bản làng trên miền núi phía Bắc nước ta đã khép lại những giấc mơ đẹp; hàng trăm em dang dở những nụ cười và hàng ngàn em không thể đong đầy niềm vui. “Ngay lúc này đây, khi các con chuẩn bị bước vào tuần học mới, thì vẫn còn rất nhiều bạn cùng trang lứa với các con vẫn chưa thể quay lại trường”, Nhà báo Phùng Công Sưởng nói.
Nhà báo Phùng Công Sưởng nhắc lại một trong năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng: “Yêu Tổ quốc, yêu Đồng bào”. Những ngày này, bằng rất nhiều hành động thiết thực với Đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ, các con đã chứng minh cho những nhà làm giáo dục, thầy cô, phụ huynh và những người làm báo chúng tôi thấy được tấm lòng trong sáng và thiện lương của các con. Đó là những đồng tiền gom góp từ tiền ăn sáng; là những quyển sách, cuốn vở chưa kịp dán nhãn; là những bộ đồng phục chưa mặc một lần… được các con nâng niu gửi đến bạn bè mình ở vùng bão lũ".
“Rồi bão số 3 cũng qua. Cuộc sống vẫn sẽ phải tiếp diễn. Nhưng, có thể nói rằng, hai tiếng “Tổ quốc” và nghĩa “Đồng bào” đã thân thương, nay lại càng thân thương hơn. Đã sâu nặng, nay lại càng sâu nặng hơn. Và chính hành động của các con sau bão số 3 đã góp phần lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp đó”, nhà báo Phùng Công Sưởng nói.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đoàn, Bộ GD&ĐT, được sự ủng hộ của Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội, hôm nay, tại Trường THCS Cầu Giấy giàu truyền thống, báo Tiền Phong phát động chương trình: “Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường”, nhằm tiếp tục nhân lên tinh thần “tương thân tương ái”, hướng tới đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ vừa qua. “Chúng tôi tin tưởng rằng, với chương trình “Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường”, trong một ngày không xa, những tiếng cười của các em học sinh sẽ lại đong đầy những bản làng vừa trải qua thời khắc không thể nào quên” Nhà báo Phùng Công Sưởng nhấn mạnh.
Em Hoàng Anh Quân, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở số 1 Phúc Khánh (tỉnh Lào Cai) chia sẻ về những khó khăn khi trở lại trường học sau trận lũ quét. |
Tại buổi lễ, thầy giáo Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở số 1 Phúc Khánh (tỉnh Lào Cai) chia sẻ về những tổn thất, mất mát sau trận lũ quét rạng sáng 10-9 tại Làng Nủ. Trận lũ đã cuốn trôi 13 học sinh và làm 7 em học sinh của trường bị thương, kéo theo hàng loạt khó khăn trong việc quay lại dạy và học.
Em Hoàng Anh Quân, học lớp 8 Trường Tiểu học - Trung học cơ sở số 1 Phúc Khánh ở Làng Nủ bị mất cha trong trận lũ quét này cũng có mặt tại chương trình và chia sẻ về những khó khăn trong bước đường trở lại trường. Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng cho em Hoàng Anh Quân, học sinh mồ côi đầu tiên nhận hỗ trợ của chương trình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi (ngoài cùng bên phải) cùng Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong trao sổ tiết kiệm cho em Hoàng Anh Quân - học sinh 8, Trường Tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai, em vừa mất đi ngôi nhà và người bố của mình trong trận bão vừa qua. |
Tại chương trình, Ban tổ chức đã nhận được nhiều sự ủng hộ, bao gồm: 14.000 thẻ bảo hiểm tai nạn cá nhân cho học sinh vùng cao trị giá 300 triệu đồng; Quỹ Tâm Tài Việt trao số tiền 500 triệu đồng ủng hộ cho 5 trường học để mua sắm trang thiết bị dạy học tại tỉnh Lào Cai; các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học ủng hộ số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Ban tổ chức sẽ dành số tiền quyên góp được trong chương trình “Cùng Tiền Phong nâng bước em đến trường” cộng với số tiền gần 2 tỷ đồng còn lại của chương trình “Chung tay khắc phục hậu quả bão Yagi” (cũng do báo Tiền Phong phát động từ ngày 11-9-2024) để lập sổ tiết kiệm cho học sinh mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3. Ngoài ra, chương trình cũng sẽ tặng 14.000 thẻ bảo hiểm tai nạn cho học sinh các tỉnh miền núi, tặng trang thiết bị cho các trường học bị ảnh hưởng sau bão lũ để tái thiết trường lớp.
CTG