Sau khi sang Pháp và định cư tại Cannes năm 1947, Hoàng hậu Nam Phương một mình lo liệu việc ăn học cho 5 con từ 4 đến 11 tuổi (con trưởng Bảo Long sinh năm 1936, con út Bảo Thăng sinh năm 1943).
Ông Bảo Đại xa gia đình từ năm 1945 nên thời gian sống gần các con rất ít, vì vậy các hoàng tử và công chúa khăng khít với mẹ hơn. Theo các bức thơ của Hoàng hậu Nam Phương, các hoàng tử và công chúa cảm thấy thiếu thốn tình thương của cha, luôn mong mỏi ngày cả gia đình đoàn tụ.
Hoàng hậu một mình chăm sóc, lo việc ăn học cho 5 con còn nhỏ tuổi cho đến khi trưởng thành.
Thái tử Bảo Long
Thái tử Nguyễn Phước Bảo Long sinh ngày 4/1/1936 tại điện Kiến Trung, khi đến Pháp năm 1947 thì được 11 tuổi. Bảo Long được gởi vào học nội trú ngay từ đầu năm 1948 tại trường trung học tư École des Roches, trong một lâu đài ở làng Maslacq, miền Tây Nam nước Pháp.
Cuối năm học 1952-1953, Bảo Long được 17 tuổi, đậu bằng Tú tài II Ban Triết học rồi theo học trường Võ bị Saint-Cyr tại Coëtquidan và tốt nghiệp khóa 141 năm 1956.
Sau khi ra trường với cấp bậc thiếu úy, Bảo Long học một năm tại trường Thiết Giáp ở Saumur. Trong thời gian này, cựu hoàng Bảo Đại đã bị truất phế sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 20/10/1955. Cựu hoàng sau đó rời bỏ Cannes về sống trong vùng Alsace, không liên lạc với các con.
Có lẽ buồn vì tình trạng gia đình, Bảo Long tình nguyện gia nhập binh đoàn Lê Dương (LégionÉtrangère) và phục vụ trong Trung đoàn 1 Kỵ binh, chiến đấu tại Bắc Phi chống lại lực lượng vũ trang của Mặt trận Giải phóng Algérie.
Ông chiến đấu rất gan dạ, như coi thường cái chết. Một lần ông bị thương nặng khi xe thiết giáp của ông cán phải mìn. Sau mười năm phục vụ trong binh đoàn Lê Dương và được tưởng thưởng nhiều huy chương, ông giải ngũ năm 1968 với cấp bậc đại úy, về làm việc trong Union des Banques Européennes (một ngân hàng tư tại Paris), chuyên về dịch vụ đầu tư.
Cuối thập niên 1960, Bảo Long quen Isabelle Hebey khi ông thuê cô trang trí nội thất cho căn nhà của ông ở Neuilly.
Isabelle Hebey là một nhà thiết kế nội thất khá nổi tiếng, từng cộng tác với nhà thiết kế thời trang và sản xuất mỹ phẩm Yves Saint-Laurent trong nhiều dự án. Cô sinh ra trong một gia đình khá giả (cha là luật sư, mẹ là một quý tộc), lớn lên học trường Couvent des Oiseaux ở Paris, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Louvre.
Khi quen Bảo Long, Isabelle đã qua hai đời chồng. Bảo Long và Isabelle Hebey dự tính tiến tới hôn nhân, nhưng lễ cưới định vào tháng 6/1969 không bao giờ xảy ra, có lẽ vì Isabelle cần có người bạn tri kỷ để tâm tình hơn là một người chồng. Từ đó, Bảo Long sống khép kín, cô độc, ít tiếp xúc với ai.
Trong thập niên 1980, xảy ra tranh chấp giữa Bảo Long và cựu hoàng Bảo Đại vì cặp ấn kiếm nhà Nguyễn. Cặp ấn kiếm này tượng trưng cho quyền lực của triều đình, được Vua Bảo Đại trao cho phái đoàn đại diện Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong buổi lễ thoái vị ngày 31/8/1945 tại Huế.
Khi Chính phủ Lâm thời rời Hà Nội để rút ra chiến khu năm 1946, ấn kiếm được chôn ở một nơi nào đó. Cuối năm 1951, trong lúc đào đất xây dựng công trình quân sự ở ngoại ô Hà Nội, một đơn vị quân đội Pháp tìm thấy một thùng dầu hỏa bằng sắt, bên trong có một cái ấn nặng 280 lạng vàng ròng và một thanh kiếm bị gãy làm đôi.
Ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại, lúc đó đang là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam, nhưng ông Bảo Đại không có mặt trong buổi lễ. Sau đó, ấn kiếm được chở bằng phi cơ về Ban Mê Thuột cho ông Bảo Đại.
Năm 1953, vì tình hình bất an trong nước, ông Bảo Đại nhờ thứ phi Mộng Điệp đem sang Pháp giao cho Hoàng hậu Nam Phương cất giữ. Bà Mộng Điệp cho hàn lại thanh kiếm bị gãy và đem cặp ấn kiếm đến biệt thự Thorenc trao lại cho Hoàng hậu Nam Phương.
Sau khi Hoàng hậu Nam Phương mất năm 1963, cặp ấn kiếm do Bảo Long cất giữ. Thập niên 1980, ông Bảo Đại viết hồi ký Con rồng An Nam, muốn mượn chiếc ấn để đóng vào sách. Bảo Long, từ lâu không liên lạc với cha, không ưng thuận. Sự việc được đưa ra tòa án để giải quyết. Cuối cùng, tòa xử giao chiếc ấn cho ông Bảo Đại, Bảo Long được giữ thanh kiếm.
Bảo Long mất ngày 28/7/2007 ở tuổi 71, trong một bệnh viện ở thành phố Sens, thành phố nhỏ thuộc tỉnh Yonne, cách Paris 90km về hướng Đông Nam. Tang lễ được cử hành rất đơn sơ, chỉ giữa những người trong gia đình. Thi hài ông được an táng trong nghĩa trang thành phố Sens.
Công chúa Phương Mai
Nguyễn Phước Phương Mai sinh ngày 1/4/1937 tại Đà Lạt, là người con thứ nhì của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, em liền kế Thái tử Bảo Long.
Năm 1948, Phương Mai (11 tuổi) được mẹ cho vào học nội trú trường tư thục Công giáo Couvent des Oiseaux tại Neuilly-sur-Seine, cách nhà gần 1.000 cây số.
Tháng 9/1955, lúc đó Phương Mai 18 tuổi, một phóng viên người Ý có chụp được một số ảnh công chúa ngồi bên cạnh Vua Bảo Đại khi cả hai đi xem giải đua xe Công thức 1 ở Ý (Grand Prix d'Italie), tổ chức ở phía Bắc thành phố Milan. Đây là những bức ảnh rất hiếm hoi được công bố của công chúa Phương Mai.
Ngày 5/8/1971, Phương Mai kết hôn với một quý tộc người Ý tên Pietro Badoglio, Công tước Addis-Abeba đệ nhị.
Bà có hai con: một trai và một gái. Con trai Flavio Badolio sinh năm 1973 thừa hưởng các tước vị, trở thành Công tước Adis-Abeba đệ tam và Hầu tước Sabotino đệ tam.
Khi chồng mất năm 1992, Phương Mai về ở với em gái Phương Dung tại Louveciennes, trong vùng ngoại ô phía Tây Paris và qua đời tại đó ngày 16/1/2021.
Công chúa Phương Liên
Nguyễn Phước Phương Liên sinh ngày 3/11/1938 tại Đà Lạt, kém Phương Mai một tuổi, học cùng trường Couvent des Oiseaux với chị gái Phương Mai. Khi trưởng thành, Phương Liên làm việc trong Ngân hàng Thương mại và Kỹ nghệ, một ngân hàng tư nhân tại thành phố Bordeaux.
Ngày 6/1/1962, Công chúa Phương Liên kết hôn với Bernard Soulan, chuyên viên ngân hàng, đồng nghiệp của Phương Liên.
Lễ cưới diễn ra tại gia trang La Perche, trong làng Chabrignac, nơi Hoàng hậu Nam Phương cư ngụ. Trong buổi lễ, có mặt cựu hoàng Bảo Đại và đông đủ anh chị em của Phương Liên.
Gia đình Công chúa Phương Liên sống ở ngoại ô thành phố Bordeaux, chỉ cách Charignac 200 cây số, nên Phương Liên ở gần Hoàng hậu Nam Phương nhất và hay về thăm mẹ.
Công chúa Phương Liên có hai người con gái: Valérie Soulan, sinh năm 1963 và Caroline Soulan, sinh năm 1966.
Công chúa Phương Dung
Nguyễn Phước Phương Dung sinh ngày 25/2/1942 tại cung An Định, Huế. Khi đến Pháp cuối năm 1947, Phương Dung sắp được sáu tuổi, đi học tại trường tiểu học Công giáo Assomption Lochabair (tại Cannes), do các nữ tu dòng Assomption điều hành. Sau đó, Phương Dung cũng vào học nội trú trường nhà dòng như các chị.
Lớn lên, Công chúa Phương Dung sống một cuộc đời bình dị và kín đáo trong thành phố Louveciennes, tỉnh Yvelines.
Hoàng tử Bảo Thăng
Nguyễn Phước Bảo Thăng sinh ngày 30/9/1943 tại Đà Lạt. Đến Pháp cùng gia đình lúc chưa được năm tuổi, Bảo Thăng được ghi tên theo học một trường tiểu học tư thục Công giáo nổi tiếng là trường Stanislas ngay tại Cannes.
Năm 1954, lên trung học, Bảo Thăng được gởi đi học nội trú tại trường tư thục Công giáo École des Roches ở Clères, vùng Normandie, cũng là trường Thái tử Bảo Long theo học từ năm 1948 đến năm 1953. Nhưng có lẽ Bảo Thăng chỉ học trường École des Roches được ba năm, từ 1954 đến 1957.
Sau đó không có thông tin ông học ở đâu và làm gì trong những năm tiếp theo vì ông sống rất kín đáo, kể cả lúc ông trở thành người đứng đầu hoàng tộc nhà Nguyễn khi Thái tử Bảo Long qua đời.
Cũng như anh trai, Bảo Thăng sống độc thân đến lúc từ trần. Bảo Thăng mất tại Paris ngày 15/3/2017, lúc 74 tuổi. Cáo phó được các Công chúa Phương Mai, Phương Liên và Phương Dung cho đăng trên báo Le Figaro. Tang lễ được cử hành tại nhà thờ Saint-Ferdinand-des-Ternes, quận 17, Paris.
Tháng 11/2017, các công chúa đưa thi hài của Bảo Thăng về Chabrignac, chôn trong cùng khu mộ với Hoàng hậu Nam Phương. Sau đó, một thánh lễ được tổ chức tại nhà thờ làng Chabrignac, với sự hiện diện của các công chúa và cháu ngoại của Hoàng hậu Nam Phương.
Bảo Thăng là người duy nhất được mai táng trong cùng mộ phần với mẹ.
Trong cách giáo dục con, không vì thương con mà Hoàng hậu Nam Phương cho con hưởng một cuộc đời giàu sang, phú quý, có người hầu kẻ hạ, có tài xế đưa đón tận trường.
Trái lại, tất cả hoàng tử và công chúa đều phải đi học nội trú ngay từ lúc 10, 11 tuổi. Những trường bà chọn cho con có lối giáo dục nghiêm khắc, kỷ luật, sinh hoạt có giờ giấc.
Kết quả là tất cả hoàng tử và công chúa đều có lối sống khiêm tốn, không kiêu căng, ỷ lại, không gây chuyện tai tiếng cho gia đình, mỗi người đều dành cho mẹ những tình cảm biết ơn và yêu thương nhất.
Theo Dân Trí |