Dành cả tuổi xuân trong màu áo thanh niên xung phong

(CTG) Với hầu hết các chiến sĩ áo xanh lá đang làm việc tại Cơ sở xã hội (CSXH) Nhị Xuân (trực thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM), họ chưa từng nghĩ sẽ dành cả tuổi xuân trong màu áo xanh của thanh niên xung phong.

 

Vũ Hồng Thúy (30 tuổi) - nữ thanh niên xung phong tại cơ sở Nhị Xuân - trò chuyện với một học viên - ẢNH: VŨ THỦY

Nhiều người cũng không hình dung được thời nay đi thanh niên xung phong là như thế nào. Ở Cơ sở xã hội Nhị Xuân, các cô gái thanh niên xung phong là bác sĩ, điều dưỡng, quản lý khu điều trị cắt cơn cho người nghiện ma túy là nữ...

Nữ thanh niên xung phong ở trung tâm cai nghiện

Sáng thứ năm, Đặng Thị Thương (29 tuổi), một trong những nữ chiến sĩ trẻ nhất ở Nhị Xuân, không mặc bộ áo xanh lá quen thuộc của Lực lượng Thanh niên xung phong mà tha thướt trong tà áo dài.

"Tháng 3 là tháng áo dài nên các chị em ở đây cũng mặc áo dài để hưởng ứng", Thương vừa kết thúc trò chuyện với thân nhân của một người cai nghiện, dành chút thời gian giải lao để chia sẻ.

Hôm nay là ngày thăm gặp nên phòng tư vấn, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thăm gặp của cô rất bận rộn. Với Thương, đây là nhiệm vụ thứ hai mà cô được phân công kể từ khi gia nhập lực lượng cách đây 7 năm.

"Tôi từ Nghệ An vào Sài Gòn học đại học, đâu có bao giờ nghĩ có ngày mình là thanh niên xung phong. Hồi đó nhắc đến thanh niên xung phong tôi còn mơ hồ lắm. Chỉ biết thanh niên xung phong là làm dịch vụ công ích, trật tự viên giao thông. Đi thực tập mới biết có mảng cai nghiện này", Thương kể.

Là sinh viên ngành công tác xã hội, Thương đã được giới thiệu vào đây thực tập. Sau đó, cô đã có 6 năm làm quản lý học viên cai nghiện ở các khu tiếp nhận điều trị cắt cơn.

"Người nghiện được đưa vào đây sẽ bắt đầu được cắt cơn, giải độc nên chưa ổn định về sức khỏe. Nhiều người sẽ có hành động khó kiểm soát, từ khóc lóc, đòi tự tử cho đến đánh người xung quanh. Nhưng những người vào đây cũng nhiều cảnh đời, có những bạn nữ còn rất trẻ, mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc gia đình lục đục, các bạn không nhận được tình yêu thương và không tránh khỏi sa ngã khi bị bạn bè rủ rê...", Thương chia sẻ.

Công việc của Thương và đồng đội ở các ca trực là theo sát sinh hoạt của các học viên, ổn định tinh thần, động viên, chia sẻ với người cai nghiện, bảo đảm an toàn, trật tự chung.

Nhỉnh hơn Thương 1 tuổi, Vũ Hồng Thúy (30 tuổi) hiện làm nhiệm vụ ở khu tiếp nhận cắt cơn 1. "Học viên cắn vào tay vẫn còn dấu đây này. Khu tiếp nhận cắt cơn 1 là khu tiếp nhận người nghiện mới và điều trị giải độc, cắt cơn nên cũng có phần phức tạp hơn các khu khác. Người nghiện trong giai đoạn này có thể loạn thần, trầm cảm, rối loạn hành vi. Nhiều người cũng bất cần, không ổn định", Thúy kể.

Cũng như Thương, cách đây 6 năm Thúy là sinh viên ngành công tác xã hội, được giới thiệu đến thực tập và tiếp tục ở lại công tác đến tận bây giờ. Vì phải theo sát học viên 24/24h nên mỗi ca trực của Thúy thường kéo dài 48 tiếng liên tục, sau đó mới có thời giờ nghỉ ngơi.

Điều dưỡng Mai Thị Ngọc Diệp đã 19 năm làm công tác cai nghiện tại cơ sở Nhị Xuân - Ảnh: VŨ THỦY

Blouse trắng ở thanh niên xung phong

Họ chính là những bác sĩ trực tiếp làm công tác điều trị cho người nghiện ma túy ở các khu tiếp nhận cắt cơn. Có một điểm tương đồng giữa những "nữ thanh niên xung phong", trong đó có cả các y bác sĩ là hầu hết họ đều gia nhập lực lượng khi chỉ mới đôi mươi.

Trở thành thanh niên xung phong, nhiều người gắn bó với màu áo xanh cho tận khi về hưu, trở thành "cựu thanh niên xung phong".

Sau 6 năm mài giũa ở Trường ĐH Y dược TP.HCM, tốt nghiệp ra trường, không như bạn bè bám trụ ở các bệnh viện trung tâm thành phố, bác sĩ chuyên khoa I Hán Thị Hồng Tuyến (49 tuổi) "nghe theo lời rủ rê" của một cựu thanh niên xung phong, cũng là hàng xóm của gia đình cô vào làm việc tại phòng y tế của CSXH Nhị Xuân.

Cũng như Thương và Thúy, trước đó cô Tuyến "đâu biết đi thanh niên xung phong là làm gì". Nhưng từ đó đến nay cô đã gắn với người nghiện ma túy 22 năm. 22 năm sau, ở tuổi U50 cô vẫn được gọi là "thanh niên xung phong" và đang là trưởng phòng y tế tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân.

Khác với đồng nghiệp bác sĩ tại các bệnh viện thông thường, ở đây bác sĩ Tuyến hầu như lúc nào cũng khám cho bệnh nhân cùng với lực lượng bảo vệ. Nhiệm vụ của bác sĩ Tuyến là tiếp nhận, khám cho người nghiện, khai thác thông tin, xác định chất gây nghiện để đưa ra phác đồ điều trị.

"Hiện nay đa số người nghiện sử dụng các chất dạng amphetamine, bị tổn thương thần kinh, rối loạn tâm thần, khi vào cơ sở cai nghiện có nhiều thương tích. Khi nào chúng tôi cũng phải có lực lượng bảo vệ để đảm bảo an toàn", bác sĩ Tuyến chia sẻ.

Thế nhưng vẫn không thể tránh khỏi những rủi ro, nhất là với những điều dưỡng làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy hằng ngày.

"Khi mới vào làm việc, có lần tôi đã bị một bệnh nhân kẹp cổ khống chế để ra khỏi cơ sở nhưng sau đó thì có nhiều kinh nghiệm hơn nên không còn thấy áp lực. Ở đây luôn có lực lượng bảo vệ hỗ trợ khi chúng tôi làm việc", chị Mai Thị Ngọc Diệp - điều dưỡng tại Nhị Xuân - nhớ lại. Chị Diệp đã có 19 năm thâm niên làm thanh niên xung phong.

"Vào đây một thời gian, được chăm sóc ân cần, nhiệt tình, bệnh nhân cũng thương quý chúng tôi, lúc đi phát thuốc nhiều người còn cảm ơn, hỏi han y bác sĩ", chị Diệp kể về niềm vui công việc.

Ông Ngô Quốc Việt - phó giám đốc Cơ sở xã hội Nhị Xuân (Hóc Môn) - trực thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM - cho biết hiện nay cơ sở này đang thực hiện hai nhiệm vụ: tiếp nhận cắt cơn ban đầu cho người thuộc diện cai nghiện bắt buộc và dịch vụ cai nghiện tự nguyện có thu phí (khoảng 3,4 triệu/tháng).

"Chúng tôi tiếp nhận người đến cơ sở điều trị nghiện 24/24, bất kể ngày đêm. Với đội ngũ cán bộ công nhân viên làm việc với tinh thần thanh niên xung phong, chúng tôi muốn tạo ra một môi trường điều trị nghiện thân thiện để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, qua đó góp phần ổn định trật tự xã hội", ông Việt chia sẻ.

 

Theo TT