Dự Hội nghị Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Cao su Việt Nam và anh Tạ Văn Hạ, Tổng chỉ huy Lực lượng TNXP Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh Kon Tum, Nghệ An, Hà Tĩnh, các Ban Trung ương Đoàn; đại diện 20 tỉnh, thành Đoàn, dự án Làng thanh niên lập nghiệp, Tổng Đội TNXP các tỉnh trong toàn quốc, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Kon Tum ...
|
Theo báo cáo, đến nay, đã có 1.256 hộ gia đình trẻ đến lập nghiệp (đạt 79 % kế hoạch) với 3.678 nhân khẩu (dân tộc thiểu số 926 người, chiếm 25,2%); giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.270 lao động (trong đó có 149 bộ đội xuất ngũ) và trên 1.300 lao động thời vụ trên địa bàn, điển hình như: Dự án làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Tây Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; Na Ngoi, tỉnh Nghệ An; Trịnh Tường, tỉnh Lào Cai; Thụy Hùng, tỉnh Lạng Sơn; Sông Chàng, Thanh Hóa; Mo Rai, tỉnh Kon Tum và Ninh Điền, tỉnh Tây Ninh.
Các hộ lên lập nghiệp tại các Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, những ngày đầu thu nhập chủ yếu từ trồng hoa màu như lúa nước, ngô, sắn, rau, lạc, đậu…chăn nuôi gà, lợn và tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; mục tiêu dài hạn là xây dựng mô hình kinh tế Nông - Lâm - Ngư kết hợp, chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tính đến tháng hết năm 2011, các Làng TNLN đã trồng mới, chăm sóc 357 ha rừng phòng hộ, 843 ha rừng kinh tế; gần 600 ha cây phân tán; khoanh nuôi, bảo vệ 5.437 ha rừng phòng hộ, trên 16.000 ha rừng tự nhiên sản xuất; trồng 298 ha cây ăn quả; 110 ha lúa nước, trên 80 ha mía, 347 ha cây ngắn ngày (đậu, lạc, ngô…); chăn nuôi 2.227 con trâu bò, 85 hươu sao, trên 3.300 con dê, lợn và trên 30.000 gia cầm, thủy cầm; đưa vào sử dụng 49 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản; 245 ha chè công nghiệp. Có 03 Dự án liên kết với các đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su trồng 800 ha cao su, mở ra hướng đi mới tạo điều kiện cho các hộ gia đình trẻ tiếp cận với phương thức sản xuất hàng hóa có thu nhập cao, phát triển bền vững; điển hình là dự án Làng TNLN biên giới Mo Rai, tỉnh Kon Tum liên kết trồng 500 ha cao su từ 01-03 tuổi, dự kiến năm 2012 trồng khoảng 600 ha.
Bên cạnh đó, các Làng TNLN còn tham gia bảo vệ quốc phòng an ninh vùng biên giới và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Xây dựng tổ chức chính trị, xã hội ở khu dân cư, hiện các Làng TNLN có 11 chi bộ Đảng, 06 chi Đoàn cơ sở và 16 chi Đoàn được thành lập với 155 đảng viên, 1.203 đoàn viên, thu hút gần 100 lao động có trình độ đại học, cao đẳng đến tham gia làm việc tại các dự án; các chi hội phụ nữ, câu lạc bộ cựu quân nhân được hình thành, góp phần tăng cường xây dựng mối đoàn kết giữa Làng TNLN với nhân dân và các lực lượng trong khu vực.
Tuy nhiên, trong 18 dự án Làng TNLN có 14 dự án triển khai thực hiện đầu tư, trong đó dự án Làng TNLN biên giới Ia Mơr, tỉnh Kon Tum đã kết thúc bàn giao cho địa phương quản lý; các dự án án còn lại là dự án Làng TNLN Nậm Là, tỉnh Điện Biên được phê duyệt từ năm 2007 nhưng không thể triển khai tiếp do khó khăn về đất đai; 01 dự án Làng TNLN tại tỉnh Quảng Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án và 02 dự án khác tại Long An và Kiên Giang không thực hiện do địa phương đã quy hoạch bố trí đất đai vào mục đích khác.
|
Nhiều ý kiến tham luận tại Hội nghị đã khẳng định mô hình Làng TNLN là mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ANQP của các địa phương; vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên tham gia dự án đã được thể hiện rõ; sự quan tâm tạo điều kiện của các bộ, ngành, các tỉnh và sự vào cuộc của Đoàn TN các tỉnh đã góp phần vào thành công bước đầu của dự án.
|
Khẳng định thêm những kết quả đạt được, anh Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lạng Sơn chia sẻ: Trong 2 năm thực hiện triển khai Làng TNLN còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn nhất là việc di dời dân, bố trí chỗ cho các hộ thanh niên đến lập nghiệp. Từ làm tốt công tác tuyên truyền dự án, đến nay đã có 146 hộ gia đình thanh niên lập nghiệp, xây dựng nhiều nhà từ 40 - 60 triệu đồng. Hiện Làng TNLN Thụy Hùng đang tập trung trồng Bạch Đàn hom và cây Keo lai; nhà ở xây dựng nông thôn mới, chuồng trai khép kín, nhiều hộ sắm được tiện nghi có giá trị. Anh Tùng đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng thêm 01 làng TNLN ở Đình Lập cũng như những hạng mục để tiếp tục phát triển Làng TNLN ngày càng phát triển hơn.
|
Với 11 Tổng đội TNXP trong toàn tỉnh, với những cách làm độc đáo, anh Thái Thanh Quý, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An đã khẳng định vai trò của thanh niên tham gia các Làng TNLN có hiệu quả rất cao, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để thực hiện các Làng TNLN, đồng chí Quý cho rằng, thành công của Làng TNLN chính là biết lựa chọn cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, hiểu phong tục, biết tiếng đồng bào để tham gia thực hiện dự án. Khi dự án kết thúc, Tỉnh Đoàn đã có đề nghị UBND tỉnh có quyết định thành lập Tổng đội TNXP nhằm duy trì tính lâu dài của dự án và mô hình Làng TNLN Na Ngoi là một điển hình thực tế.
Với kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Làng TNLN biên giới Trịnh Tường, chị Giàng Thị Dung, Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai chia sẻ cách thức tách hộ gia đình thanh niên để làm nên được 87 hộ gia đình ở Làng TNLN. Chị chia sẻ: Từ mô hình phát triển kinh tế của Làng TNLN, nhiều thanh niên các xã lân cận khác đã đến tìm hiểu học tập. Chị Dung cũng cho rằng, khó khăn trong quá trình thực hiện đó là Ban quản lý dự án là đều là những đồng chí kiêm nhiệm, kinh nghiệm chưa có, không biết tiếng dân tộc và không am hiểu phong tục tập quán.
Chị Dung chia sẻ thêm: Để giúp các hộ thanh niên lập nghiệp, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo Ban quản lý ký kết hợp đồng với các đối tác doanh nghiệp Trung Quốc nhận trồng cây thuốc lá, cây ớt và được đối tác hướng dẫn kỹ thuật, đảm nhận thu mua đầu ra của sản phẩm giúp các hộ yên tâm lập nghiệp, có thu nhập ổn định.
Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Quốc Huấn cho rằng với những kết quả đạt được rất rõ nét, do đó cần tập trung một số nội dung trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn, như: cần có các biện pháp cụ thể để nâng cao thu nhập của các hộ thanh niên tại Làng; những công trình hạ tầng xã hội như trường bán trú để con em các hộ thanh niên học tập, bản thân thanh niên phải được học tập nâng cao trình độ kỹ thuật tham gia phát triển kinh tế; cần có thêm những dịch vụ xã hội công cộng như y tế, giáo dục.
|
Cùng chung quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu cho rằng: Đoàn đã có sự quyết tâm cao, lấy sức trẻ để thực hiện dự án, nếu Đoàn thể khác thực hiện sẽ là rất khó. Trong thời gian tới, cần đánh giá sâu hơn của từng dự án để thấy được những tồn tại cần tháo gỡ, rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp hơn; đồng thời đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh tiếp tục phối hợp với Trung ương Đoàn thực hiện có hiệu quả dự án.
Cũng tại Hội nghị nhiều ý kiến cũng đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương. Trong đó, với các Bộ: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ về tổ chức và chính sách đối với TNXP, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển Lực lượng TNXP ở các địa phương. Với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT quan tâm bố trí nguồn vốn đáp ứng đủ theo tiến độ triển khai dự án, đồng thời nghiên cứu giải pháp bố trí nguồn vốn riêng, ổn định để Đoàn thanh niên thực hiện và tiếp tục nhân rộng mô hình xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp giai đoạn 2012 - 2020 theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Bí thư Trung ương Đoàn ngày 07/01/2012; đồng thời đề nghị các Bộ ngành và UBND các tỉnh liên quan đưa dự án Làng TNLN vào chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Với UBND các tỉnh, cần bố trí đủ nguồn vốn đối ứng của địa phương, chỉ đạo lồng ghép các chương trình dự án, tập trung tháo gỡ khó khăn về đất đai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án; có phương án tiếp nhận và quản lý Dự án sau khi Trung ương Đoàn kết thúc đầu tư, quan tâm tạo điều kiện thành lập Tổng đội TNXP trên cơ sở bộ máy Ban quản lý Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp, có chính sách phù hợp thu hút đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, trình độ và nhiệt huyết tham gia, nhằm tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả đảm bảo phát triển bền vững của Dự án.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Trung ương Đoàn khẳng định những kết quả đạt được ở 3 kết quả nổi bật. Đó là, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo thêm việc làm ổn định, tăng thu nhập cho thanh niên nông thôn, cho nhân dân ở vùng triển khai thực hiện dự án. Nhiều dự án triển khai là điểm sáng cho phát triển kinh tế văn hóa - xã hội cho các địa phương. Đã hình thành được các điểm dân cư mới có quy hoạch đồng bộ, kết hợp với các lực lượng vũ trang góp phần đảm bảo ANQP nơi biên giới, cũng như bảo vệ hành lang đường Hồ chí Minh. Qua triển khai thực hiện đã thành lập được tổ chức Đảng, Đoàn, Hội làm nòng cốt phong trào quần chúng ở các địa phương, qua đó đã giáo dục rèn luyện được thanh niên, nhất là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Về những hạn chế, anh Dũng chỉ rõ 2 vấn đề tồn tại cần rút kinh nghiệm để triển khai tốt trong thời gian tới, đó là: Đội ngũ cán bộ ở một số địa phương bố trí chưa đúng tầm, một số còn kiêm nhiệm, vừa thực hiện dự án, vừa thực hiện phong trào, có sự luân chuyển cán bộ nhanh nên thiếu kinh nghiệm trong triển khai thực hiện. Do đó khi triển khai thực hiện dự án phải bố trí cán bộ đúng tầm, xác định được cán bộ có sự am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ có sự gắn bó lâu dài dự án. Bên cạnh đó, một số dự án chưa có sự tham mưu đầy đủ cho UBND các tỉnh, đây là việc cam kết thực hiện của các địa phương đã không được các địa phương triển khai thực hiện đúng các cam kết.
Nhiệm vụ trong thời gian tới, anh Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị 7 nhiệm vụ để tiếp tục đầu tư, thực hiện tốt xây dựng các mô hình, cũng như xây dựng đề án thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể : Tập trung giải quyết những khó khăn trong giải quyết mặt bằng bàn giao đất để bố trí đủ số hộ thanh niên đến lập nghiệp theo mục tiêu đề án đã đề ra. Đầu tư trong công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời hỗ trợ các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án, có những hướng dẫn cụ thể để các chủ dự án, Ban quản lý dự án hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với các dự án đã hoàn thành phải Tổng kết, tham mưu với UBND tỉnh thành lập Tổng đội TNXP và tiếp tục duy trì đảm bảo nâng cao đời sống cho các hộ gia đình đội viên. Hoàn thành các thủ tục phê duyệt quyết toán theo quy định của Nhà nước. Tham mưu lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh để lựa chọn địa điểm quy hoạch theo một số tiêu chí cơ bản ban đầu mà Trung ương đề ra để tổng hợp Đề án quy hoạch, xin ý kiến các bộ, ngành và trình với Thủ tướng Chính phủ, tinh thần phấn đấu xong trước 31/10. Qua Hội nghị mong muốn Ban TNXP Trung ương, Ban TNXP tiếp thu các ý kiến góp ý để tăng cường hướng dẫn cho các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ của từng dự án; tiếp thu ý kiến các bộ, ngành đề hoàn thiện đề án quy hoạch 2012 – 2020 theo đúng quy định nhà nước. Rút kinh nghiệm dự án vừa qua cần có phân kỳ đầu tư, phân kỳ giai đoạn đầu tư mới đảm bảo được nguồn vốn thực hiện dứt điểm từng giai đoạn; đồng thời quan tâm đến phát triển sản xuất, đời sống văn hóa, giáo dục, y tế, để hướng tới tiêu chí thực hiện nông thôn mới.
|
* Trước đó, Trung ương Đoàn và các đại biểu đã đi thăm Tổng Đội TNXP số 5, Làng TNLN sông Rộ, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Khởi nghiệp từ đồi núi hoang vu, đến nay, làng TNLN Sông Rộ từ chỗ có 4 người thì đến nay đã lên tới 154 hộ với 450 nhân khẩu. Trên tổng diện tích 6.000 ha đất sản xuất, hiện có hơn một nửa là trồng rừng, trồng chè, cây ăn quả, hoa màu. Ngoài ra, chăn nuôi cũng rất phát triển, hiện tại tổng đàn trâu bò của làng TNLN dao động từ 450 -500 con, hơn 3.000 con gia cầm, 15 ha diện tích ao hồ nuôi cá. Với cây chủ lực là chè, mô hình trồng cam và bưởi Phúc Trạch, trồng đinh hương... cũng được phát triển. Trong đó có 70% số hộ có thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên, 30% có thu nhập từ 30-50 triệu mỗi năm; nhiều hộ thu nhập từ 70 – 100 triệu đồng.
Anh Hoàng Văn Đồng, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 5 đánh giá, sau hơn 10 năm lập nghiệp tại làng đã phát huy hết tiềm năng đất ở vùng sâu vùng xa, tạo được công ăn việc làm ổn định cho đoàn viên thanh niên, đặc biệt đã tạo được một vùng nguyên liệu chè tập trung của huyện, tỉnh. Điều quan trọng hơn nữa là công tác an ninh quốc phòng ở khu vực biên giới được giữ vững.
Theo ĐTN