![]() |
Có nhiều lý do dẫn tới việc người dân đổ xô đến đổi mũ bảo hiểm. Do cơ quan chức năng thông báo không rõ ràng, do người dân không tin tưởng vào loại mũ bảo hiểm mình đang sử dụng, sợ có thể bị cảnh sát giao thông "sờ gáy” bất kì lúc nào, nên người ta phải chen lấn, xô đẩy để đổi được một chiếc mũ "dán tem” của cơ quan quản lý. Cũng có thể nhiều người muốn cố kiếm cho bằng được một chiếc mũ "xịn”. Tuy nhiên, dù có đưa ra bất kỳ một lý do nào đi chăng nữa thì những người góp mặt vào đám đông trên đã tạo ra những đoạn "phim” đáng buồn và đáng sợ. Đáng buồn ở chỗ ý thức của người dân quá kém. Đáng sợ chính là bởi như thế họ đang đánh mất dần một nét đẹp, một truyền thống hay nói cách khác là một bản sắc văn hoá rất Việt Nam: Văn hóa nhường nhịn. Người Việt đã từng rất tự hào về truyền thống văn hoá này như một sự tự tôn giá trị của chính mình. Bởi, không chỉ là giá trị của văn hoá mà nhường nhịn nhìn xa hơn còn là giá trị của tính nhân văn Việt Nam. Cộng đồng mạng khi bày tỏ thái độ về sự việc trên đều chung một nhận định: Xấu hổ vô cùng về ý thức của người Việt. Nhiều người cho rằng, cần phải đào tạo lại văn hóa xếp hàng cho người dân để tránh tình trạng lộn xộn trên. Tuy nhiên, chỉ sợ thứ văn hóa "đứt gẫy” ấy đã trở thành một thói quen khó loại bỏ trong đời sống cộng đồng? Ấy cũng chính là điều đáng lo. Còn văn hoá giao thông của người Việt Nam hiện nay thì sao? Giờ, chỉ cần lên xe lượn một vòng quanh phố, nhìn cảnh mọi người tham gia giao thông bất cứ lúc nào ta cũng có thể chứng kiến cảnh mạnh ai nấy đi, không ai chịu nhường ai.
Tôi vẫn còn khắc ghi hình ảnh một cụ già trên 70 tuổi ngày ngày thay cán bộ phường làm nhiệm vụ bảo vệ vỉa hè một đoạn ngắn trên con phố Thuỵ Khuê (Hà Nội). Cứ vào giờ cao điểm, bà cụ túc trực trên vỉa hè, không cho bất kỳ phương tiện giao thông nào tìm cách vượt lên đó để thoát khỏi đoạn đường tắc cứng. Bà cụ bảo, tôi ngăn phương tiện giao thông tràn lên vỉa hè không chỉ để bảo vệ hè phố, mà tôi đang cố gắng bảo vệ văn hóa của người Tràng An. Trong suốt một thời gian dài, chưa biết sự nghiệp bảo vệ văn hóa ấy đến đâu nhưng chỗ bà cụ "thực thi nhiệm vụ” không một viên gạch bị xô. Thế mà chỉ quãng 1 tháng nay, không biết vì lý do gì không thấy bà cụ ấy "làm nhiệm vụ”, còn đoạn vỉa hè mà cụ dày công giữ gìn giờ nát bét...
Đâu rồi cái nét đẹp văn hoá nhường nhịn của người Việt? Đâu rồi nét văn hoá của người Tràng An?
Theo ĐĐK