Dấu xưa làng cổ Phiếm Ái

(CTG) Với bao chứng tích khắc ghi, ngôi đình làng Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2018. Làng quê Phiếm Ái đổi mới từng ngày, dòng lịch sử cùng nếp văn hóa chính là nền móng quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Không gian miền quê Phiếm Ái hôm nay.
Không gian miền quê Phiếm Ái hôm nay.

“Phiếm Ái linh thiêng mái đình làng/ Anh hùng, hào kiệt tiếng tăm vang/ Danh nhân Văn hóa gồm sáu vị/ Bái Tổ vinh quy, mở Hội làng/ Lịch sử ghi công bao Tiền Bối/ Hậu thế hòa theo bước thời gian/ Đình xưa in dấu bao chứng tích/ Chống sưu thuế nặng, chống bạo tàn…”. Bài thơ Chứng tích đình làng của tác giả Phan Hùng Phương, người con làng Phiếm Ái đủ để nói lên lịch sử, những đổi thay của ngôi làng thuộc vùng đất ven sông Vu Gia này.

Trầm tích văn hóa còn hiện hữu

Trong Ô Châu cận lục, Tiến sĩ Dương Văn An có nêu rằng, huyện Điện Bàn xưa có 66 làng, trong đó theo thứ tự từ 1-66 thì làng Phiếm Ái ở số 20. Cụ thể, làng Phiếm Ái chính thức được đặt tên vào năm Quý Sửu 1553. Vị trí ngôi làng nằm bên bờ bắc của sông Vu Gia, là một phần nhỏ của hai châu Ô, Lý. Từ khi được hình thành, làng nằm trọn trong vùng châu thổ ven sông. Ngày nay, khi mùa mưa đến, lượng phù sa từ dòng sông Vu Gia bồi đắp cho làng giúp đất đai giàu dinh dưỡng, thuận tiện cho nghề trồng lúa nước của người dân. Lại thêm bãi bồi cát pha, nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa có cơ hội phát triển rất mạnh. Trên đường bộ, dưới đường sông, việc giao thương của nhân dân trong vùng thêm thuận lợi.

Lớp cư dân đầu tiên của làng gồm các tộc họ như Phan, Trương, Hồ, Đoàn, Nguyễn, Lê, Trần, Võ… Từ đó đã sinh ra những bậc kỳ tài nổi tiếng thông minh, hiếu học gồm các cụ Phan Trí Hòa, đỗ cử nhân năm 1834 (Khoa Giáp Ngọ, Minh Mạng thứ 15), làm quan đến chức Lang Trung; cụ Lê Thông Giám, đỗ cử nhân năm 1861 (Khoa Tân Dậu, Tự Đức thứ 14); cụ Lê Trọng Cảnh, đỗ cử nhân năm 1864 (Khoa Giáp Tý, Tự Đức thứ 17); cụ Trương Liên, đỗ cử nhân năm 1879 (Khoa Kỷ Mão, Tự Đức thứ 32); cụ Phan Thường Chuyết, đỗ cử nhân năm 1879 (Khoa Kỷ Mão, Tự Đức thứ 32); cụ Trương Lâm, đỗ cử nhân năm 1888, (Khoa Mậu Tý, Đồng Khánh thứ 3).

Phiếm Ái xưa có nhiều di tích lịch sử văn hóa truyền thống như Đình làng, Miếu Lầu, Miếu Tam Vị, Đền Văn Thánh. Trải qua thời kỳ chiến tranh ác liệt, Đền Văn Thánh bị xuống cấp. Sau ngày 30/4/1975, dân làng tháo dỡ Đền, tận dụng cây gỗ để dựng cơ quan, trường học. Duy nhất cây Xà Cò có khắc dòng chữ “Thành Thái Cửu Niên” còn tồn tại cho đến ngày nay. Không như Đền Văn Thánh, lịch sử hình thành và tồn tại của ngôi Đình làng đã trải qua nhiều lần thay đổi. Đình làng được xây dựng lần đầu vào năm Ất Hợi (Gia Long thứ 2) tại Bến Đình. Chỉ sau vài năm, dòng sông Vu Gia sạt lở, Đình làng được di dời về Miếu Lầu, cạnh Miếu Tam Vị, thuộc khu vực phía tây của làng. Đình làng khi nằm cạnh Miếu Tam Vị đã chứng kiến lễ vinh quy bái Tổ của những cử nhân đỗ đạt dưới thời nhà Nguyễn. Mãi đến năm Mậu Dần 1878 (Tự Đức thứ 30), ngôi Đình lại được di dời ra phía bắc của làng và ổn định đến nay. Nhân dân đều kính trọng biểu tượng tâm linh quan trọng của ngôi làng.

Ngôi làng “kháng sưu cự thuế”

Có lẽ, ít có ngôi làng nào ở Quảng Nam mà phong trào nhân dân đứng lên chống sưu cao thuế nặng mạnh mẽ như ở Phiếm Ái. Cũng chính từ đây, khoảng sân nơi diễn ra cuộc họp khởi phát phong trào chống sưu, thuế năm 1908 được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1939), Chủ tịch Hội đồng Chư tộc phái làng Phiếm Ái cho biết, trong đám giỗ của tộc Trương vào ngày 9/3/1908, các thành viên tộc họ đem chuyện sưu cao thuế nặng ra bàn bạc. Tất cả bàn nhau làm đơn để lấy chữ ký các xã trong huyện. Sau đó trình lên tỉnh cùng Tòa sứ xin giảm nhẹ sưu cùng các loại thuế.

Đứng đầu là cụ Trương Hoành (Lý trưởng làng Phiếm Ái). Cụ Hoành cùng cụ Hứa Tạo (Lý trưởng làng Ái Nghĩa) và cụ Lương Châu (Lý trưởng làng Hà Tân) kéo ra đình làng. Được dân làng ủng hộ, đoàn người cơm đùm cơm gói đi bộ xuống Hội An gửi đơn kiến nghị. Phong trào nhanh chóng lan tỏa, chấn động các tỉnh Trung Kỳ lúc bấy giờ. Qua đó chứng tỏ phong trào chống sưu cao thuế nặng có lý do và là nguyện vọng chính đáng từ người dân, đồng thời thể hiện ý chí quyết tâm, đoàn kết của toàn dân.

Thời chiến tranh bao khó nhọc, lớp thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu bảo vệ quê hương. Chính trong ngày hội làng (16 tháng Giêng và 16 tháng Chạp hằng năm), lớp trẻ làng Phiếm Ái tề tựu về sân Đình, kết nối sợi dây nghĩa đất tình quê. Từng kết quả phấn đấu lao động, học tập trong năm được trao đổi, chia sẻ cùng nhau. Bốn tiến sĩ, 15 thạc sĩ cùng hơn 200 con cháu tốt nghiệp đại học, cao đẳng của làng đã góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Theo Nhân Dân