Để có những làng quê đáng sống: Chuyển giao khoa học kỹ thuật về tận vườn

(CTG) Là một trong số ít thanh niên quyết bám quê để lập nghiệp, Lê Hữu Trung (25 tuổi, ngụ tại ấp 1, xã Mỹ Hòa, H.Tháp Mười, Đồng Tháp) vui mừng khôn xiết khi được trao tặng và chuyển giao kỹ thuật nuôi giống vịt biển lai tạo.

 

Trung đã từng lăn tăn suy nghĩ khi bạn bè rủ lên thành phố lập nghiệp, nhưng từ nay, Trung tự tin hơn khi bám quê làm giàu và giúp quê nhà phát triển vì anh đặt nhiều kỳ vọng vào giống vịt biển lai Hà Lan được đội hình trí thức khoa học trẻ tình nguyện của Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh mang về tận vườn nhà để chuyển giao.

Làm kinh tế trên bờ ao, thửa ruộng

Những năm qua, Trung ở quê trồng trọt và phát triển chăn nuôi, nhưng anh lo ngại với tình hình xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Tây như hiện nay thì trước sau gì cũng đến lượt quê mình bị “gọi tên”, rồi việc canh tác, chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng.

Để có những làng quê đáng sống: Chuyển giao khoa học kỹ thuật về tận vườn - ảnh 1

Trí thức trẻ tình nguyện chuyển giao giống vịt biển về đến tận nhà cho người dân Đồng Tháp

LÊ THANH

Chính vì thế, khi được đội hình trí thức khoa học trẻ tình nguyện mang giống vịt đến tận nhà để trao tặng và chuyển giao kỹ thuật nuôi, Trung không ngớt được nụ cười trên gương mặt vì quá vui mừng: “Mình cảm thấy yên tâm vì nếu phát triển được con giống này, không những bản thân sẽ mở rộng mô hình nuôi vịt biển mạnh hơn mà còn sẽ hỗ trợ thanh niên nông thôn cùng làm ăn, phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất, bờ ao, thửa ruộng ở quê nhà”.

Có kinh nghiệm nuôi vịt lâu năm, nên vừa nhìn thấy giống vịt này, Trung đã hạnh phúc nói: “Giống vịt này sẽ khỏe lắm đây, nhìn qua là mình biết rất khỏe. Như thế này thì tốt quá chừng”.

Cũng là thanh niên nhận được giống vịt biển lai tạo, anh Phạm Minh Vương (33 tuổi, ngụ tại ấp 4, xã Mỹ Hòa) chia sẻ: “Nào giờ bản thân và gia đình nuôi những giống vịt truyền thống, nên hôm nay khi nhận tin nằm trong danh sách được tặng giống vịt biển lai tạo để nuôi thì mình rất vui mừng”.

Rồi anh Vương háo hức: “Theo kinh nghiệm nuôi vịt nhiều năm, mình nhận thấy con giống vịt biển này rất khỏe và hy vọng trong quá trình nuôi chúng có sức đề kháng tốt, mang lại hiệu quả cao kể cả vịt thịt và vịt đẻ trứng nhằm phát triển kinh tế cho gia đình mình và người dân ở đây”.

Để có những làng quê đáng sống: Chuyển giao khoa học kỹ thuật về tận vườn - ảnh 2

Sẽ giữ chân được thanh niên ở quê nhà

Để đến được nhà của Trung trao tặng và tập huấn cách nuôi giống vịt lai tạo này, các tình nguyện viên phải qua một chuyến phà và len lỏi vào con đường đất đá đầy trắc trở, chỉ cần không vững tay lái là người và xe đều nằm gọn dưới ruộng. Vất vả là thế, nhưng khi nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của Trung và gia đình thì mọi mệt mỏi của các tình nguyện viên đều tan biến.

Trước khi tập huấn cho người dân cách nuôi, anh Lê Bá Chung, nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova, đơn vị phối hợp cùng đội hình trí thức khoa học trẻ tình nguyện để trao tặng và chuyển giao kỹ thuật nuôi, chia sẻ cặn kẽ về những ưu điểm và đặc tính của giống vịt biển này.

Anh Chung cho biết đây là giống vịt được lai tạo giữa vịt Hà Lan và vịt biển, có ưu điểm nổi trội là có sự chống chịu với môi trường khi ngập mặn nên rất thích hợp với vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị nhiễm mặn.

“Nếu không được lai tạo thì vịt biển bình thường khả năng chống chịu sẽ không cao, năng suất thấp. Còn giống này có khối lượng cao hơn, và vì là dòng chuyên dụng nên khi đẻ cho năng suất trứng rất cao, trọng lượng to hơn trứng vịt biển khoảng 75 gr. Và dù không phải vùng biển cũng có thể nuôi được, vì giống vịt này có khả năng chống chịu với nước mặn và nước lợ rất tốt”, anh Chung chia sẻ.

Nhìn thấy người dân và thanh niên địa phương được nhận giống vịt tốt để phát triển chăn nuôi, anh Huỳnh Đức Khải, Phó bí thư Xã đoàn Mỹ Hòa, hạnh phúc bày tỏ: “Người dân ở đây chủ yếu nuôi heo và vịt chạy đồng, dịch bệnh mỗi lần quét qua là chết sạch luôn. Được biết giống này là giống vịt lai sức đề kháng tốt, nên rất mong đợi. Nếu phát triển tốt thì bà con nông dân ở đây sẽ rất mừng và sẽ kéo được thanh niên ở lại với quê hương để còn giúp cho địa phương phát triển, chứ xa xứ lập nghiệp cũng vất vả lắm chứ đâu có dễ dàng gì”.

Để có những làng quê đáng sống: Chuyển giao khoa học kỹ thuật về tận vườn - ảnh 3
Để có những làng quê đáng sống: Chuyển giao khoa học kỹ thuật về tận vườn - ảnh 4

Xã đã có website để thông tin đến người dân

Những ngày qua, tại H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, ngoài việc trao tặng và chuyển giao giống vịt biển lai tạo cho người dân, đội hình trí thức khoa học trẻ tình nguyện còn thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như mang chuyến xe công nghệ về với học sinh để các em được tiếp cận với tiến bộ công nghệ sớm hơn. Các bạn còn tổ chức lớp học internet cho học sinh, lớp học hướng dẫn thiết kế, các buổi giảng về lập trình website… Đặc biệt, đội hình cải cách hành chính đã giúp lập website, xây dựng Cổng thông tin trực tuyến cho UBND xã Tân Kiều, xã Mỹ Hòa và xã Mỹ An.

Ông Phạm Thành Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tân Kiều, cho biết mặc dù rất muốn thành lập trang web nhưng lâu nay gặp phải khó khăn về nguồn lực chuyên môn, không được hiểu sâu về cách tạo website nên chưa thực hiện được.

“Trước đây, muốn truyền đạt các hoạt động thông tin thì chúng tôi thông tin trên trạm truyền thanh xã hay bảng thông báo tại trụ sở ủy ban. Nhưng từ nay, khi đã có trang web này thì chúng tôi sẽ đa dạng kênh thông tin tuyên truyền, việc thông tin đến người dân cũng sẽ nhanh hơn, nhất là giúp bà con tìm hiểu thông tin về cải cách hành chính, cũng như biết cách nộp hồ sơ trực tuyến thuận tiện hơn…”, ông Nghĩa chia sẻ và bày tỏ lòng biết ơn: “Địa phương rất mừng và cám ơn các bạn sinh viên, thanh niên tình nguyện đã về địa phương giúp cho xã xây dựng được website của UBND xã Tân Kiều, giúp cho hoạt động thông tin của xã hiện đại và nhanh chóng hơn”.

Theo TN