Diễn đàn "Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Sáng 18/4, Bộ VHTTDL đã tổ chức Diễn đàn “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa”, đây là một trong hoạt động chính chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Tham dự diễn đàn có Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Đỗ Việt Hà; PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; Đồng chí Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM; Các Chuyên gia, Nhà khoa học về lĩnh vực văn hóa; Lãnh đạo các đơn vị các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương; Lãnh đạo các cơ quan đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; đại diện nghệ nhân, đồng bào các dân tộc đang sinh sống và hoạt động tại Làng Văn hóa và các cơ quan thông tấn báo chí.

Đại biểu tham dự Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có một truyền thống văn hóa riêng nhưng có nhiều giá trị thống nhất, tương đồng trở thành giá trị văn hóa chung của đất nước. Đồng thời, mỗi dân tộc lại có những nét đáo riêng có, tạo nên bản sắc của dân tộc mình.

Thứ trưởng cho biết, Chiến lược phát triển sự nghiệp văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ với những mục tiêu cụ thể đã khắc họa phần nào diện mạo nền văn hóa đất nước trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, việc thực hiện Chiến lược phát triển Văn hóa là nhiệm vụ to lớn và hết sức quan trọng, tiến hành trong thời gian dài. Trước mắt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định chủ đề công tác năm 2022 của ngành là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức - cán bộ”.

 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc Diễn đàn

Theo Thứ trưởng, Môi trường văn hóa cơ sở là môi trường trong từng gia đình, từng cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố..., trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, môi trường văn hóa gia đình và cộng đồng dân cư sẽ tạo nên nền tảng đạo đức xã hội; môi trường văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo nên nền tảng kinh tế; môi trường văn hóa công sở, cơ quan, đơn vị...sẽ góp phần tạo nên nền tảng chính trị. Sự kết hợp cả ba môi trường văn hóa đó sẽ tạo thành cốt cách con người Việt Nam, thành nền tảng tinh thần xã hội đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đồng thời, Thứ trưởng bày tỏ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là việc làm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục qua từng thế hệ con người Việt Nam. Tại Diễn đàn này, Ban Tổ chức mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn cũng như bài học sinh động từ thực tiễn ở địa phương trong việc gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, nhằm bổ sung các giải pháp để nhiệm vụ của ngành đạt hiệu quả cao.

 

GS.TS Lưu Trần Tiêu, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa - Thông tin; Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia phát biểu tham luận tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn, các Nhà Khoa học, Nhà Nghiên cứu văn hóa đã nêu những ý kiến, bài tham luận tập trung vào một số nội dung như: Phải coi môi trường văn hóa dân tộc là một nền tảng trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay ở nước ta, đặc biệt cần quan tâm đến môi trường văn hóa tộc người (tín ngưỡng, nghệ thuật...) đó là môi trường mà cộng đồng được nuôi dưỡng, lớn lên, hình thành nhân cách, phẩm chất. Môi trường văn hóa tốt đẹp sẽ tạo nên những con người có văn hóa của dân tộc đó. Chính vì thế, môi trường này cần được bảo vệ, củng cố và phát huy nhằm xây dựng nên những con người văn hóa.

 

 Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (ngồi giữa); PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội và Bà Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở tham gia tọa đàm, trao đổi tại Diễn đàn

Các đại biểu cũng cho rằng, xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác này cần căn cứ vào các đặc điểm riêng của từng địa phương, chính sách, nguồn lực và phương thức phù hợp…Đó là những vấn đề quan trọng và thiết thực, cần được nghiên cứu chuyên sâu.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn đề cập đến một số vấn đề cấp bách, cần thực hiện trong xây dựng môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc hiện nay như: đổi mới cơ chế đầu tư, phân bổ kinh phí cho miền núi, vùng cao; sử dụng mạng xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa; chú trọng phát huy thể chế quản lý truyền thống với vấn đề xây dựng môi trường văn hóa…

 

Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung phát biểu tổng kết Diễn đàn

Đồng thời, các ý kiến tham luận tại Diễn đàn cũng nêu lên tầm quan trọng của văn hóa dân tộc trong qúa trình xây dựng môi trường văn hóa hiện nay.

Ngoài ra, Diễn đàn còn nhận được nhiều ý kiến thiết thực về xây dựng môi trường văn hóa từ các địa phương, trong đó nêu lên những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, kết quả đạt được cũng như hạn chế trong quá trình xây dựng.

 

Toàn cảnh Diễn đàn

Phát biểu tổng kết Diễn đàn, thay mặt Ban Tổ chức, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung nhấn mạnh sẽ tiếp thu những ý kiến phát biểu, trao đổi quý báu của các Nhà khoa học, các đại biểu tại Diễn đàn và sẽ nghiên cứu tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL về những đề xuất, giải pháp, những chia sẻ, quan tâm của các nhà khoa học, các đại biểu đối với Bộ VHTTDL, đặc biệt là trong công tác bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi chủ đề công tác năm 2022 của Bộ VHTTDL, hướng đến mục tiêu thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ.

Hải Yến