Diễn đàn quốc gia “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện”

(CTG) Sáng nay 5/4/2024, tại Hà Nội, Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Hội Cựu Thanh niên Xung phong Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn quốc gia với chủ đề “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố.

Diễn đàn cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, vai trò giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện phù hợp với tình hình mới.

 

Tham dự diễn đàn có ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam; anh Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.

 

Ông Tạ Văn Hạ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu khai mạc diễn đàn

 

Khai mạc diễn đàn, ông Tạ Văn Hạ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Diễn đàn thanh niên là sự kiện được phối hợp tổ chức thường niên, hằng năm giữa Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Diễn đàn thanh niên là dịp để thanh niên bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng, đồng thời cũng phản ánh ý kiến, kiến nghị với Đảng, Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn các bạn đoàn viên, thanh niên, các cơ quan trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình và của xã hội. “Tiếp nối thành công của Diễn đàn chính sách quốc gia đối với thanh niên 2022 có chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên” và Diễn đàn Thanh niên 2023 chủ đề “Chính sách về việc làm cho thanh niên”, Diễn đàn năm 2024 có chủ đề “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện”, ông Tạ Văn Hạ nói.

Đồng thời cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên, tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. “Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, việc thực hiện chính sách còn nhiều bất cập và hạn chế: việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Thanh niên 2020 còn chậm; chính sách thu hút, huy động thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy tinh thần xung kích, cống hiến vì cộng đồng, xã hội chưa được quan tâm đúng mức; quản lý nhà nước về thanh niên vẫn còn nhiều bất cập...”, ông Hạ nói.

“Diễn đàn được tổ chức với mục đích góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; nhận diện rõ hơn các bất cập của chính sách cũng như trong việc thực hiện chính sách đối với lực lượng này. Từ đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương quyết định những chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện phù hợp với tình hình mới” ông Tạ Văn Hạ cho biết.

Anh Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phát biểu tại chương trình  

 

Cũng tại chương trình, các đại biểu tập trung trao đổi 3 nhóm nội dung: các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; việc triển khai thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; Đề xuất, kiến nghị về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện cùng các vấn đề khác có liên quan đến chủ đề diễn đàn. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra đề xuất cần có cơ chế đặc thù cho thanh niên xung phong, thanh niên đã có sáng kiến; chính sách hỗ trợ với thanh niên xung phong làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Điều hành diễn đàn, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, cho biết diễn đàn nhận được sự quan tâm của thanh niên khắp cả nước. Đến nay đã có 300 câu hỏi được gửi đến ban tổ chức.

 

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, các đại biểu sẽ được nghe trình bày các tham luận, xem phóng sự về thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; các đại biểu sẽ thảo luận, đại biểu của thanh niên sẽ đối thoại, chia sẻ với đại diện các bộ ngành, các chuyên gia và các tổ chức có liên quan về các nội dung của Diễn đàn. 

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam nhấn mạnh sứ mệnh của thanh niên luôn gắn liền với sứ mệnh của các dân tộc. Đồng thời bày tỏ mong muốn các bạn trẻ luôn ý thức để tìm hiểu về các chương trình chương trình dự án quốc gia trong tiến trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Cũng tại dịp này, ông Vũ Trọng Kim đề nghị Nhà nước cần nghiên cứu, tạo ra các cơ chế đặc thù cho đối tượng là thanh niên xung phong và thanh niên tình nguyện. Điều đó sẽ thúc đẩy rất nhiều cho thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

 

Liên quan đến chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, đại diện Tỉnh đoàn Cao Bằng gửi câu hỏi tới Bộ Nội vụ đề nghị cho biết kết quả tổng thể đối với việc thực hiện chính sách cho 2 đối tượng thanh niên này.

Trả lời câu hỏi trên, bà Lương Thị Hải Anh, Phó vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), thông tin, khi Nghị định 17 ra đời, chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện trước, trong và sau khi tham gia hoạt động đều đã được quy định rõ. Với chính sách đối với thanh niên xung phong, Nghị định 17 đã hoàn thiện hơn để tạo điều kiện cho các tổ chức thanh niên xung phong hoạt động, đơn cử như như vấn đề kinh phí hoạt động.

 

Nghị định 12 quy định rõ, tổ chức thành lập, quản lý, giải thể các tổ chức thanh niên xung phong. "Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với T.Ư Đoàn để tổng hợp báo cáo rà soát để đề xuất mô hình thanh niên xung phong cho hiệu quả", bà Hải Anh chia sẻ.

Cũng theo bà Hải Anh, hiện với học sinh cấp THCS, THPT, chúng ta đã lấy ý kiến, yêu cầu, nguyện vọng định hướng nghề nghiệp, để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, của xã hội. Đoàn thanh niên cũng cần phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong để thực hiện tư vấn, hướng nghiệp cho hiệu quả, đặc biệt cần phải đẩy mạnh tuyên truyền cho thanh niên xung phong.

 

 

Còn về chính sách thanh niên tình nguyện, bà Hải Anh nói, các kết quả hoạt động và chính sách đều được chia sẻ công khai trên website của Đoàn thanh niên. Rất mong các cấp bộ Đoàn ở các địa phương cung cấp thông tin cho các bạn trẻ để các bạn trẻ có trách nhiệm hơn với chính mình khi tham gia các hoạt động.

Anh Tống Đình Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trái tim Nhật Thiện (tỉnh Thái Nguyên), Phó ban thường trực Mạng lưới Tình nguyện quốc gia khu vực miền Bắc, đặt câu hỏi: Trong thời gian qua, T.Ư Đoàn thông qua Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam đã thành lập và duy trì rất tốt Mạng lưới Tình nguyện quốc gia ở các khu vực, thường xuyên định hướng, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho các thành viên mạng lưới. Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện vì cộng đồng ở các tỉnh, thành phố chưa biết đến mạng lưới hoặc chưa tham gia vào hoạt động tình nguyện của tổ chức Đoàn, Hội. Vậy, thời gian tới, T.Ư Đoàn có định hướng, giải pháp nào để tăng cường kết nối, tập hợp và phát huy hiệu quả hoạt động tình nguyện của các câu lạc bộ, hội, đội, nhóm, nhất là tập hợp thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện trên mạng mạng xã hội và trong các cộng đồng trực tuyến? T.Ư Đoàn có thể chia sẻ, giới thiệu một số mô hình cụ thể để các cấp bộ Đoàn học tập, nhân rộng?

Hồi đáp nội dung này, chị Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia, cho biết hiện Trung tâm Tình nguyện quốc gia mở rộng mạng lưới ra 4 khu vực: Bắc, Trung, Nam và Tây nguyên.

Tại đây đều có các ban thường trực có 10 - 15 trưởng đội, nhóm tình nguyện để điều hành, trở thành "cánh tay nối dài" của trung tâm nhằm kết nối với các lực lượng tình nguyện, đội, nhóm, câu lạc bộ, triển khai các hoạt động tình nguyện. Hiện nay, mạng lưới đã phát triển hàng nghìn câu lạc bộ, đội, nhóm. Riêng năm 2023, mạng lưới đã phát huy hơn 4.900 hoạt động, làm lợi hơn 220 tỉ đồng. "Khi tập hợp các câu lạc bộ, đội, nhóm, trung tâm luôn xác định tạo điều kiện tốt nhất cho các đội, nhóm, thông qua việc đảm bảo tư cách pháp nhân; có công văn của trung tâm gửi về địa phương, tỉnh, thành đoàn; tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng kịp thời", chị Hoa thông tin.

Thực tế, theo chị Hoa, nhiều thủ lĩnh đội nhóm, câu lạc bộ tình nguyện sau khi tham gia vào mạng lưới trung tâm tình nguyện quốc gia đã có sự trưởng thành, trở thành hạt nhân lan tỏa phong trào thanh niên tình nguyện, có người đạt giải thưởng Tình nguyện quốc gia. Chị Hoa nhấn mạnh, 100% các bạn tham gia tình nguyện trong mạng lưới tình nguyện quốc gia đều được cấp giấy chứng nhận tình nguyện của trung tâm.

Với mục tiêu năm 2030 tổ chức Đoàn, Hội định hướng, hỗ trợ đồng hành phát huy 3.000 đội, nhóm, câu lạc bộ tình nguyện, T.Ư Đoàn xác định triển khai các nhiệm vụ: tập huấn ban chủ nhiệm; thường xuyên chủ động tìm kiếm đồng hành câu lạc bộ, đội, nhóm trên địa bàn; tổ chức diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành đoàn với đội nhóm; tuyên dương khen thưởng; xây dựng cổng thông tin kết nối với các câu lạc bộ, đội, nhóm. Bên cạnh đó, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII xác định chủ trương mới là chủ trương "3 liên kết" trong phong trào thanh niên tình nguyện, rất quan trọng để mở rộng kết nối các lực lượng tình nguyện. 

Kết luận Diễn đàn, anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam khẳng định các ý kiến trao đổi, thảo luận, chia sẻ và đề xuất, kiến nghị là nội dung quan trọng, có tính nhân văn và giá trị cộng đồng sâu sắc, là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quan tâm, chăm lo, phát huy lực lượng thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện trong tình hình mới.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng ghi nhận các ý kiến, câu hỏi của thanh niên và trao đổi, thông tin của các bộ ngành, các ủy ban của Quốc hội cũng như các chuyên gia, các tổ chức, đơn vị về 3 nhóm vấn đề: cung cấp các chính sách và thực trạng trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện những chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện phù hợp với tình hình mới; phổ biến, tuyên truyền các chính sách và điển hình trong thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.

Anh Bùi Quang Huy đánh giá: "Qua một buổi sáng làm việc, với tinh thần dân chủ, cởi mở, trách nhiệm và nghiêm túc, diễn đàn đã được nghe nhiều ý kiến tâm huyết, nhiều thông tin bổ ích, nhiều kiến nghị xác đáng về các vấn đề liên quan đến chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện". Sau diễn đàn này, theo anh Bùi Quang Huy, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ các vấn đề, các câu hỏi và kiến nghị chính đáng của thanh niên gửi đến các bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Anh Bùi Quang Huy mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành đối với thanh niên và công tác thanh niên để góp phần giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy thanh niên, vì sự phát triển toàn diện của thanh niên và khích lệ, cổ vũ thanh niên xung kích trong sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức đã ra mắt Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi gồm 20 thành viên là lãnh đạo Trung ương Đoàn, các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên trên 13 lĩnh vực. Hội đồng tư vấn có chức năng tư vấn giúp Ban Bí thư Trung ương Đoàn những nội dung về chính sách, pháp luật liên quan đến thanh thiếu nhi và tổ chức Đoàn, Hội, Đội.

 

CTG