Đoàn viên - những câu chuyện đẹp: Bán nấm gây quỹ sinh hoạt Đoàn

(CTG) Chị Trần Thị Thanh Lam (33 tuổi, thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) đã thành công với cách làm thông minh: Tận dụng lại mô hình trồng nấm cũ khi làm Bí chi Chi đoàn thôn để sản xuất.

Chị Lam hiện là Bí thư Chi bộ thôn Thuận Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thuận Đức. Sống tại vùng ngoại ô TP.Đồng Hới, chị Lam trước đây là một đoàn viên hoạt động năng nổ và từng giữ chức vụ Bí thư Chi đoàn thôn Thuận Phước. Năm 2015, tham dự một lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm do Thành đoàn Đồng Hới phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Quảng Bình tổ chức, nữ đoàn viên này tiếp tục tìm hiểu, áp dụng mô hình trồng tại địa phương.

“Thời điểm đó, chúng tôi được Thành đoàn Đồng Hới hỗ trợ một số vốn nhỏ để xây dựng cơ sở nuôi nấm. Mô hình mở ra chủ yếu để các đoàn viên, thanh niên học hỏi khởi nghiệp và tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp như rơm, mùn cưa vốn có sẵn trên địa bàn xã”, chị Lam nói.

Đoàn viên - những câu chuyện đẹp: Bán nấm gây quỹ sinh hoạt Đoàn - ảnh 1

Cơ sở của chị Lam trồng loài nấm bào ngư (nấm sò), lợi nhuận trước đây chủ yếu dành để tạo chi phí sinh hoạt Đoàn. BÁ CƯỜNG

Lúc ấy, chị Lam cùng 9 đoàn viên khác trồng thử nghiệm loài nấm bào ngư. Tận dụng cơ sở vật chất đã có sẵn cùng với việc nghiên cứu kỹ lưỡng, nhóm của chị nuôi trồng thành công loài nấm bào ngư và xuất bán ngay tại địa phương.

“Số tiền lời bán được chủ yếu sử dụng cho các sinh hoạt của Chi đoàn. Đến năm 2019, một số bạn đoàn viên đã lớn tuổi, lập gia đình hay chuyển đi nơi khác sống. Bản thân tôi cũng chuyển đơn vị công tác nên việc trồng nấm cũng tạm dừng một thời gian ngắn”, chị Lam chia sẻ.

Sau khi ổn định với công việc mới, chị Lam lại bắt đầu xây dựng lại cơ sở nuôi trồng nấm trước đó. Chị tiếp tục đầu tư mở rộng nhà xưởng từ 40 m2 lên thành 200 m2, xây dựng 3 nhà nuôi trồng và chăm sóc nấm.

“Bên cạnh công việc chính, tôi quyết tâm xây dựng lại cơ sở trồng nấm để có thêm việc làm khi rảnh rỗi. Nuôi trồng nấm dù không mang lại doanh thu quá cao, nhưng cũng là một mô hình hay cho bà con nông dân học hỏi, tăng thu nhập”, chị Lam chia sẻ.

Với quy mô hiện tại, cơ sở của chị Lam có thể trồng được 2.000 phôi nấm bào ngư, thời gian từ khi cấy giống cho đến thu hoạch mất khoảng 40 ngày. Trung bình mỗi tháng có thể xuất bán được 150 - 200 kg nấm, giá 35.000 - 40.000 đồng/kg.

Mặc dù đã kinh doanh sản xuất riêng, chị Lam vẫn sẵn sàng tiếp đón, chia sẻ lại kỹ thuật, kinh nghiệm trồng nấm cho các đoàn viên, thanh niên khác.

Anh Trần Chí Tâm, Bí thư Đoàn xã Thuận Đức (TP.Đồng Hới), đánh giá cao mô hình trồng nấm của chị Lam đã mang lại hiệu quả, sẽ là nơi để các đoàn viên trẻ khác noi theo khởi nghiệp.

“Mặc dù đã kinh doanh sản xuất riêng, nhưng với việc tận dụng lại những mô hình cũ chị Lam vẫn phát triển thành công và mở rộng nguồn thu nhập. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn tổ chức các buổi sinh hoạt cho các đoàn viên về học hỏi kinh nghiệm tại cơ sở nấm của chị Lam, giúp các bạn có thêm ý tưởng khởi nghiệp”, anh Tâm nói.

Theo TN