Doanh nghiệp nhà nước: Chủ đạo phải là tự thân giành được

(CTG) Quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo ra một khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn và khẳng định được vai trò chủ đạo của mình trong nền kinh tế.



Thực tế chưa tương xứng với kỳ vọng

Khu vực doanh nghiệp nhà nước của nước ta thời gian qua luôn được kỳ vọng theo những định hướng mà Đảng và Chính phủ đề ra, là công cụ để điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô và đáp ứng các mục tiêu xã hội. Bằng việc tập trung các nguồn lực, các doanh nghiệp nhà nước lớn được kỳ vọng có thể cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng với các doanh nghiệp lớn nước ngoài.

Tuy vậy, hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhà nước thời gian vừa qua chưa đáp ứng được kỳ vọng. Theo các báo cáo, đánh giá gần đây từ các cơ quan nhà nước có liên quan (như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hay Kiểm toán Nhà nước…) thì một số tồn tại chính của khu vực Nhà nước như:

i)    Kết quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với quy mô vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư.

ii)    Tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp Nhà nước chưa được giải quyết có hiệu quả.

iii)    Vai trò dẫn dắt, tạo động lực của doanh nghiệp nhà nước đối với các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được thể hiện rõ.

iv)    Tổ chức quản lý của các doanh nghiệp Nhà nước dù đã có chuyển biến rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều bất cập.Chất lượng sản phẩm vàdịch vụ chưa cao…

v)    Quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước có tiến triển nhưng vẫn chưa tốt, chưa ngăn ngừa được một số doanh nghiệp sử dụng kém hiệu quả vốn và thất thoát tài sản nhà nước.Chức năng chủ sở hữu nhà nước không rõ ràng.

Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2012 của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra một số nhận định và phân tích đáng lo ngại về các doanh nghiệp nhà nước hiện tại. Các doanh nghiệp nhà nước sử dụng các nguồn lực như vốn và đất đai nhiều hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp tư nhân. Hiệu quả sử dụng tài sản cố định như đất đai, máy móc của doanh nghiệp nhà nước thấp. Cùng với đó là độ an toàn về tài chính của doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước cũng kém hơn các loại hình doanh nghiệp khác.

Một số xu hướng được chỉ ra trong báo cáo này là một số doanh nghiệp nhà nước đang dần chuyển sang tình trạng đáng lo ngại “quá lớn nên không thể thất bại, quá lớn nên không cứu nổi”. Quy mô tăng nhanh và việc nắm giữ vốn điều lệ chồng chéo phức tạp giữa và trong các doanh nghiệp khiến Nhà nước khó đánh giá các rủi ro phát sinh. Khi quá lớn, rủi ro tài chính của các doanh nghiệp nhà nước có thể dễ dàng lan rộng ra nền kinh tế và đặt biệt là hệ thống ngân hàng…

Nhằm thúc đẩy doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, trong các giải pháp cải cách doanh nghiệp Nhà nước mà các quốc gia khác thường áp dụng, đối với Việt Nam:

-87% ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh cổ phần hóa
-87% ý kiến cho rằng cần cải thiện tính minh bạch trong hoạt động
-86% ý kiến cho rằng cần tiến hành nhiều hoạt động kiểm toán độc lập
-83% ý kiến cho rằng cần củng cố các quy định
-65% ý kiến cho rằng cần cắt giảm hỗ trợ tài chính từ Chính phủ
-61% ý kiến cho rằng cần chấm dứt ưu đãi trong tiếp cận và sử dụng đất đai
-56% ý kiến cho rằng cần chấm dứt ưu đãi trong các khoản vay ngân hàng
-55% ý kiến cho rằng cần ngừng việc bảo lãnh Chính phủ

Nhìn chung các ý kiến đều ủng hộ cao nhất là các giải pháp về đẩy mạnh cổ phần hóa và cải thiện tính minh bạch trong hoạt động của khu vực doanh nghiệp này.

Định hướng cải cách doanh nghiệp Nhà nước thời gian tới

Để khu vực doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, giải pháp quan trọng nhất có lẽ là việc cần phải tăng sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhà nước: Cần có hành lang pháp lý hay lập được một “sân chơi” bình đẳng để từng doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng với chính các doanh nghiệp nhà nước khác, với các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp nước ngoài. Sức ép cạnh tranh sẽ buộc các doanh nghiệp nhà nước phải tự thay đổi chính mình.

Doanh nghiệp nhà nước muốn phát triển bền vững, cạnh tranh ngang ngửa với các tập đoàn lớn trong khu vực và trên thế giới không có cách nào khác là phải tăng cường áp dụng các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Thực tế tại Việt Nam hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp nhà nước áp dụng những thực tiễn quản trị tốt này. Điều cần làm trước tiên là thực hiện việc kiểm toán, công khai hóa và minh bạch hóa thông tin đối với các doanh nghiệp nhà nước theo chuẩn mực đang áp dụng cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Về mặt quản lý Nhà nước, thời gian tới cần nhanh chóng tách bạch chức năng quản lý nhà nước với quyền sở hữu nhà nước. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần phải tiến hành một cách tổng thể và toàn diện. Cổ phần hóa chỉ là một giải pháp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn. Một loạt các giải pháp khác sắp tới các cơ quan quản lý doanh nghiệp nhà nước hay đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp cần phải thực hiện như xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh phù hợp, tái cơ cấu hệ thống tài chính trong doanh nghiệp, thực hiện quản lý doanh nghiệp minh bạch hơn, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ từ các thành viên hội đồng quản trị cho đến cán bộ quản lý và nhân viên.

Trong Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2012, Ngân hàng Thế giới đưa ra là một đề xuất khá toàn diện về khung khổ cải cách doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, viết tắt tiếng Anh gọi là DREAM – tiếng Việt dịch là Giấc mơ (Disclose, Regulate, Equitize, Accountable và Monitor, tiếng Việt là: Công bố thông tin, Quản lý, Cổ phần hóa, Minh bạch - Giải trình và Giám sát).

Quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo ra một khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn và khẳng định được vai trò chủ đạo của mình trong nền kinh tế. Tuy nhiên cần tạo điều kiện và áp lực để chính các doanh nghiệp nhà nước tự khẳng định được vai trò và vị trí này trên thương trường chứ không phải bằng vị thế được giành sẵn. Đây nên là mục tiêu quan trọng nhất mà quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước cần đạt được trong thời gian tới.

Theo Tầm Nhìn