DOANH NHÂN XÃ HỘI – CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

(CTG) Thuật ngữ Doanh Nhân Xã Hội (Social Entrepreneur) mới bắt đầu xuất hiện trong những năm cuối của thế kỉ 20 và phát triển mạnh trong hai thập kỉ gần đây. Ở Việt Nam thuật ngữ này chưa phổ biến. Sau đây là các câu hỏi thường gặp về “ Doanh nhân xã hội”

Doanh nhân xã hội là gì?
Trước hết,  xin phân tích ba khái niệm liên quan trong kinh tế và kinh doanh

1. Nhà tư bản (capitalist):là người có vốn nhưng không trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp, mặc dù chịu rủi ro đầu tư (take risks) nhưng không tạo nên ý tưởng (idea), sự đột phá (innovation) hay cải tiến (improvement) trong doanh nghiệp.

2. Doanh nhân (entrepreneur): là người trực tiếp quản lý, điều hành doanh nghiệp và chịu các rủi ro đến công việc kinh doanh, thương mại. Vai trò của doanh nhân chỉ bắt đầu tách biệt với nhà tư bản vào thế kỉ 19 với sự phát triển mạnh mẽ trên diện rộng của sản xuất và thương mại. Doanh nhân là những người tạo nên một ngành mới, hoặc có những ý tưởng sáng tạo, tạo nên sự đột phá hoặc cải tiến ngành công nghiệp đó. Ví dụ như Henry Ford, người đã chế tạo ra xe hơi vào những năm đầu thế kỉ 20.

Các doanh nhân đề cập ở trên là doanh nhân thương mại (business entrepreneur) do mục tiêu chính của họ là kiếm lợi nhuận. Một số doanh nhân thương mại sau một thời gian phát triển doanh nghiệp của mình rất thành công và thu được nhiều lợi nhuận thì họ quay trở lại đóng góp vào các hoạt động xã hội và phát triển cộng đồng. Tuy vậy họ không phải là một doanh nhân xã hội (social entrepreneur) – một khái niệm mới xuất hiện trong hai thập kỉ gần đây.

3.Doanh nhân xã hội được hiểu là những người tạo nên đột phá, hoặc có những ý tưởng giải quyết các vấn đề của xã hội và tạo nên những thay đổi làm cho xã hội tốt hơn, vốn lâu nay vẫn được cho là thuộc trách nhiệm của nhà nước, hoặc các doanh nghiệp thương mại “có tâm”.

Cũng như doanh nhân thương mại, để thành công, một doanh nhân xã hội là người kiên định với ý tưởng của mình, cam kết dành cả cuộc đời để tạo nên sự thay đổi. Họ vừa là những người có tầm nhìn xa trông rộng lại vừa là những người rất thực tế, và luôn suy nghĩ về cách thức thực hiện tầm nhìn của mình một cách rất thực tế. Họ cần phải đưa ra những ý tưởng dễ áp dụng, dễ hiểu, có đạo đức, và kêu gọi sự ủng hộ của nhiều người để có thể tối đa hóa số lượng những người dân địa phương cùng đứng lên, nắm bắt ý tưởng, và thực hiện.

Nói một cách khác, mỗi một doanh nhân xã hội đi đầu là một người tuyển dụng trên diện rộng những người tạo nên thay đổi địa phương (local changemaker). Đây là điểm rất khác biệt giữa doanh nhân xã hội và doanh nhân thương mại. Nếu như doanh nhân thương mại chỉ tập trung phát triển doanh nghiệp, lấy mục tiêu lợi nhuận làm trọng, thì mục tiêu của doanh nhân xã hội là làm thế nào để giải quyết triệt để một vấn đề xã hội cụ thể, hơn nữa, họ không làm một mình, mà tính hiệu quả của doanh nghiệp được tính bằng số người hưởng lợi từ các hoạt động đó. Tốt hơn nữa là giúp chính những người dân địa phương có được nguồn tài chính và kĩ năng để tự họ làm cải thiện môi trường sống của mình tốt hơn.
Doanh nhân xã hội là các cột trụ của ngôi nhà lớn mà chúng ta gọi là “xã hội dân sự” (civil society), tức là tên gọi chung của tập hợp tất cả đoàn thể thiện nguyện phi chính phủ (non-government organizations, NGOs).

Ashoka – Mỗi người là một thế giới tạo nên sự thay đổi

Billl Drayton là một trong những người khởi xướng khái niệm Social Entrepreneur. Hiện nay ông là người sáng lập và là CEO của Ashoka http://www.ashoka.org/, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại bang Virginia, Mỹ, với ngân sách hoạt động khoảng 15 tỉ USD mỗi năm. Trong suốt 30 năm qua, Ashoka liên tục tìm kiếm và hỗ trợ các ý tưởng đột phá nhằm tạo nên sự thay đổi có tính hệ thống đối với cộng đồng và địa phương. Khẩu hiệu của Ashoka là an Everyone a Changemaker World – Mỗi người là một thế giới tạo nên sự thay đổi.

Ashoka không cung cấp tài chính cho các tổ chức hay doanh nghiệp, mà trực tiếp hỗ trợ tiền ăn ở cho các doanh nhân xã hội để họ có thể toàn tâm toàn ý thực hiện các ý tưởng của mình. Ví dụ mức hỗ trợ cho một doanh nhân ở Ấn Độ là 3,000 USD một năm, còn ở Mỹ là 45,000 USD một năm. Hiện nay mạng lưới doanh nhân trong chương trình của Ashoka đã lên tới 1,200 người trải rộng trên 43 nước.

Những doanh nhân này đang giúp giải quyết các vấn đề như là xây giếng chi phí thấp cho người dân vùng nông thôn Ấn Độ, hay là chống lại căn bệnh HIV tại Nigeria, hay là cung cấp các khoản cho vay, bảo hiểm, và dịch vụ điện thoại cho những người dân có thu nhập thấp và thiểu số ở Mỹ. Mặc dù mục tiêu các doanh nhân trong chương trình của Ashoka là làm giảm thiểu các vấn đề xã hội chứ không phải là thu lợi nhuận, cách làm của họ cũng giống như một doanh nhân thương mại.

Renata Arantes Villella, một doanh nhân xã hội người Braxin, là một ví dụ điển hình cho thấy cách thức mà Ashoka đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nhân xã hội trong chương trình của mình.

Renata tham gia Ashoka vào năm 1995 với mục tiêu là thực hiện một mô hình toàn diện dành cho giáo dục, tái định cư, và hòa nhập xã hội của những người khuyết tật ở mọi lứa tuổi.

- Renata đã trực tiếp phục vụ 200 sinh viên khuyết tật học ở trường cấp 3 do cô sáng lập tại Brazil

- Renata làm việc với các bệnh viện địa phương để thực hiện một bài kiểm tra chẩn đoán ban đầu dành cho trẻ sơ sinh và vì thế có sự điều trị kịp thời. Các bệnh viện đăng kí cho trẻ khuyết tật tham gia lớp học của Renata.

- Renata đã tạo ra sự thay đổi trong chính sách cấp các khoản tài chính miễn phí cho các chương trình giáo dục đặc biệt, ở cả cấp nhà nước cũng như địa phương.

- Khoảng 600 người đã tham gia vào các buổi hội thảo về chăm sóc sức khỏe tiền sinh sản, dinh dưỡng, và sử dụng các chất có cồn– những nguyên nhân chính gây ra khuyết tật ở trẻ.

- Renata tổ chức một chương trình radio hàng tháng về các chủ đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản với 5,000 khán giả theo dõi.
Tương tự như vậy đã có rất nhiều các câu chuyện thay đổi ở khắp nơi trên thế giới ở cả các nước nghèo và đang phát triển như Ấn Độ, Nigeria cho đến các nước phát triển như Mỹ, Đức.

Ở Việt Nam hiện nay cũng đã có nhiều chương trình phát triển và hỗ trợ mạng lưới các doanh nhân xã hội, ví dụ như chương trình hỗ trợ các doanh nhân xã hội do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng – CSIP khởi xướng, bắt đầu từ đầu năm 2009.

Các doanh nhân xã hội ngày nay đang góp rất nhiều công sức giúp giải quyết các vấn đề xã hội, vốn không được nhà nước, địa phương, và các doanh nghiệp thương mại để ý đến. Họ giúp cải tạo môi trường sống tốt hơn, vì một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Một số câu hỏi thường gặp

1. Doanh nhân xã hội là ai?
Doanh nhân xã hội (DNhXH) là người sử dụng những phẩm chất, kỹ năng của doanh nhân để gây dựng và quản lý các tổ chức hoặc các doanh nghiệp nhằm giải quyết một vấn đề xã hội hay môi trường cụ thể. Khác với doanh nhân kinh tế đánh giá sự thành công qua lợi nhuận thu được, DNhXH đánh giá thành công của mình bằng những tiến bộ xã hội mà họ đóng góp.
DNhXH thường có những phẩm chất nổi bật như:
Nhạy bén trong việc phát hiện tiềm năng, cơ hội để giải quyết vấn đề xã hội
Đam mê, có khát vọng tạo sự thay đổi
Sáng tạo, đưa ra những cách thức tiếp cận, sản phẩm mới
Trực tiếp tạo sự thay đổi thông qua việc tạo lập, quản lý các tổ chức, hoặc doanh nghiệp xã hội
Dũng cảm và kiên định vượt lên mọi khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu

2. DNhXH thường làm gi?
Cũng giống như các doanh nhân xây dựng các công ty để sản xuất các sản phẩm hay dịch vụ và mang lại lợi nhuận, các DNhXH cũng tạo lập và điều hành những tổ chức hay doanh nghiệp xã hội để tạo ra những sản phẩm hay dịch vụ nhằm giải quyết các vấn đề xã hội hay môi trường. Tuy nhiên, không nhất thiết là các DNhXH đều phải đưa ra những giải pháp phức tạp cho những vấn đề to lớn toàn cầu. Họ có thể là tạo lập những tổ chức giải quyết một vấn đề cụ thể của địa phương, hay là những tổ chức giải quyết những vấn đề ở cấp quốc gia, quốc tế.

Ví dụ như chị Tuyết Mai ở TP Hồ Chí Minh có ý tưởng hỗ trợ cho các em gái bán bông (hoa) tại khu vực du lịch Tây balô ở đường Phạm Ngũ Lão. Chị nhận thấy bên cạnh nhu cầu bán hoa để có thu nhập, các em còn có nhu cầu được tiếp cận thông tin và tự bảo vệ mình khỏi cách hành vi xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục. Chị dự kiến tổ chức chuỗi cửa hàng bán hoa tươi cho các em gái tại đường Phạm Ngũ Lão và các khu vực khác. Cửa hàng không chỉ giúp các em có thu nhập ổn định, giảm thiểu nguy cơ các em phải đi bán dạo ở những nơi không an toàn, mà còn giúp chính quyền địa phương và cán bộ xã hội tiếp cận, trao đổi thông tin và hỗ trợ kịp thời các em.

Chị Vân Anh (chủ tịch hội đồng quản trị trung tâm CSAGA) lại là một ví dụ về DNhXH đưa ra những giải pháp xã hội ở phạm vi rộng hơn. Khi làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam, chị nhận thấy có rất nhiều chị em phụ nữ bị bạo lực trong gia đình mà không nhận được sự giúp đỡ. Năm 1997, chị Vân Anh thành lập đường dây điện thoại tư vấn về tâm lý và tình cảm đầu tiên trong khu vực để có thể tư vấn và giúp đỡ chị em vượt qua khủng hoảng cả về thể chất và tinh thần. Hiện nay, đường dây đã hoạt động tại 22 tỉnh, thành và nhận khoảng 5000 cuộc gọi mỗi ngày. Tiếp theo đó, năm 2001, chị thành lập CSAGA với mục đích đi tiên phong trong việc sử dụng cách tiếp cận dựa vào văn hoá và nghệ thuật để phòng chống bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, trẻ em và ngược đãi trẻ em. Hiện CSAGA là đối tác của 18 tổ chức quốc tế có chương trình hoạt động rộng khắp Việt Nam. Năm 2008, chị được vinh danh bởi trang web Tin tức Phu nữ Thế giới là một trong 21 nhà lãnh đạo thế kỷ 21.

3. DNhXH là người sáng lập và điều hành các tổ chức từ thiện? hay các doanh nghiệp?

Một số DNhXH thành lập và điều hành các tổ chức từ thiện, các tổ chức xã hội và phát triển cộng đồng phi lợi nhuận. Những người khác lại có thể thành lập và điều hành các doanh nghiệp xã hội có lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận. Điều này tuỳ thuộc vào mục tiêu họ muốn đạt được và việc làm thế nào để đạt được mục tiêu đó một cách hiệu quả nhất.

Võ Thi Hoàng Yến, người sáng lập và điều hành Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) là một tổ chức phi lợi nhuận. Trung tâm có nhiều hoạt động đa dạng với người khuyết tật và cộng đồng nhằm thúc đẩy sự tham gia và tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong mọi lĩnh vực xã hội. Các hoạt động của Trung tâm đều không thu phí mà chủ yếu dựa vào nguồn huy động từ các nhà tài trợ cá nhân và các tổ chức trong và ngoài nước. Do tính chất và đối tượng hoạt động là người khuyết tật, mô hình tổ chức phi lợi nhuận là một mô hình phù hợp với hoạt động của Trung tâm trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi đó, KOTO lại được Jimmy Phạm thành lập như một doanh nghiệp xã hội để hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên lang thang, gặp hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh việc thành lập trường đào tạo về kỹ năng sống và nghiệp vụ nhà hàng, anh Jimmy mở nhà hàng KOTO để vừa là chỗ cho các em thực tập, vừa là để tạo nguồn thu ổn định. Trải qua nhiều khó khăn trong giai đoạn ban đầu, KOTO đã tự chủ về tài chính. Lãi thu được từ kinh doanh nhà hàng được Jimmy dùng để phát triển mô hình ra các địa bàn khác trong nước và quốc tế.

Trên thế giới có nhiều mô hình doanh nghiệp có lợi nhuận hoạt động vì mục đích xã hội như Ngân hàng Grameen do ông Muhammad Yunus sáng lập năm 1976. Khác với các ngân hàng truyền thống, các hoạt động tín dụng của Grameen Bank không yêu cầu thế chấp và chủ yếu phục vụ người nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo. Hiện nay ngân hàng đã cho 6,61 triệu người vay, trong đó 97% là phụ nữ với tổng số vốn lên đến hơn 5 tỷ đô la Mỹ, tỉ lệ thanh toán lên đến hơn 98%. Hơn một nửa số thành viên của ngân hàng đã thoát nghèo đã thoát khỏi nghèo. Ngân hàng và các công ty con hiện có trị giá trên 7 tỷ đôla Mỹ. Mô hình Grameen Bank đã được áp dụng trên 40 nước đang phát triển trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

4. Vậy những người hoạt động từ thiện, các nhà hoạt động xã hội có phải là DNhXH không?

Một số trong đó là là DNhXH. Tuy nhiên, việc hoạt động trong lĩnh vực từ thiện hay là những nhà hoạt động xã hội không tự làm cho những người này trở thành DNhXH. Cũng như trong kinh doanh, không phải ai cũng là doanh nhân. Điều này không có nghĩa là họ ít quan trọng hơn hay đóng góp ít hơn so với doanh nhân xã hội.

Một số đặc điểm phân biệt DNhXH với những nhà hoạt động từ thiện hay xã hội khác :
Tính sáng tạo: DNhXH thường phát hiện ra những sản phẩm mới, cách thức mới để giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường tại cộng đồng cụ thể thay vì việc đơn thuần cung cấp các dịch vụ xã hội có sẵn cho một cộng đồng hạn chế.
Kết quả tác động: DNhXH thường không dừng lại ở mô hình nhỏ ban đầu mà đi tới cùng để phát triển mô hình, tạo ra thị trường rộng lớn cho các ý tưởng của mình. 

Hành động trực tiếp: DNhXH cũng là người trực tiếp tổ chức và hành động để giải quyết vấn đề xã hội. Họ không bao giờ lùi bước, dám chấp nhận thách thức và mạo hiểm để  đạt mục tiêu đề ra.

5. Những doanh nghiệp làm tốt trách nhiệm xã hội và tích cực đóng góp từ thiện có phải doanh nghiệp xã hội không?
Doanh nghiệp xã hội (có lợi nhuận và không có lợi nhuận) giống với các doanh nghiệp khác vì đều tổ chức và quản lý dưới hình thức doanh nghiệp. Tuy nhiên, khác với doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội hoạt động vì mục đích xã hội và môi trường chứ không vì lợi nhuận đơn thuần. Nói cách khác, doanh nghiệp xã hội hoạt động vì mục tiêu trên cả lợi nhuận.
 
Những doanh nghiệp đóng góp một phần lợi nhuận của mình vào hoạt động xã hội và từ thiện, cũng như những doanh nghiệp đạt được cả 3 mục tiêu : lợi nhuận, xã hội và môi trường rất cần được tuyên truyền và phát triển. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp này không đặt mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường là mục tiêu chủ đạo và xuyên suốt của doanh nghiệp thì doanh nghiệp này không được gọi là doanh nghiệp xã hội.

6. Tính sáng tạo của DNhXH thể hiện như thế nào? Làm thế nào để chứng minh phẩm chất đó?

Sáng tạo là một đặc điểm nổi bật ở các DNhXH. DNhXh thường đưa ra những giải pháp mới, sản phấm mới và có khả năng mang lại hiệu quả cao hơn so với các giải pháp, dịch vụ có sẵn để cùng giải quyết một vấn đề.
Để chứng minh được tính sáng tạo trong ý tưởng hay dự án của mình, DNhXh cần phân tích và so sánh những điểm khác biệt và khả năng vượt trội của mô hình, ý tưởng của mình với những sản phẩm, dịch vụ hiện có của các tổ chức, doanh nghiệp khác để giải quyết cùng một vấn đề.

Huyền Trang ( Tổng hợp)