Đổi mới giáo dục, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước

(CTG) Ngày 27/10, tại TPHCM, Trung ương Đoàn tổ chức hội nghị “Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong trí thức trẻ, giáo viên, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên khu vực miền Nam”.

 

Ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương và anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chủ trì hội nghị.

Theo anh Nguyễn Văn Hải (Trường đại học Lạc Hồng), trong nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước cần có chính sách đào tạo phù hợp, tiệm cận với nhu cầu của thị trường lao động. “Tôi rất băn khoăn về tình trạng quá tải trường lớp gần đây vì cải cách giáo dục gặp nhiều khó khăn do nhiều phương pháp mới tuy rất hay nhưng không thể vận dụng vào các lớp học có sĩ số 50 học sinh”, anh Hải bày tỏ.

Bạn trẻ góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng chiều 27/10.

Đồng tình, anh Phạm Văn Toàn, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Cần Thơ đề nghị trong nhiệm kỳ tới, cần nâng cao công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn, không để một vài tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín của cả hệ thống giáo dục như thời gian qua. Ngoài ra, chuẩn giảng viên, giáo viên cần kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng đào tạo.

“Cần đầu tư, trang bị cơ sở vật chất đầy đủ cho các trường như máy chiếu… Đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng nhiều nơi trang thiết bị dạy học, đào tạo nghề còn rất thiếu thốn”, anh Toàn nói.

Anh Nguyễn Phú Qúy (Thành Đoàn TP Cần Thơ) đề xuất quan tâm đến nghiên cứu khoa học trong sinh viên và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là ngoài công lập.

“Nhà nước cần xác định những nhóm công nghiệp nào là ngành khoa học công nghệ mũi nhọn”, anh Qúy lưu ý và đề xuất chọn ngành công nghiệp hóa dược bởi vai trò rất quan trọng nhưng hiện nay chưa được quan tâm một cách xứng tầm.

Chị Nguyễn Thùy Linh, Bí thư Đoàn Trường THPT An Thới (Kiên Giang) cho rằng, cần bổ sung cụm từ “Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo” và “Chăm lo xây dựng tốt đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”.

“Cần khuyến khích tư nhân phát triển giáo dục đại học phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện Việt Nam, có chính sách, lộ trình miễn học phí cho học sinh ở các cấp học, trước mắt là học sinh từ cấp tiểu học đến THCS và mẫu giáo, từng bước miễn học phí cho học sinh THPT như ở một số nước đang làm”, chị Linh nói.

Đồng tình, anh Nguyễn Phú Qúy kiến nghị Nhà nước có chính sách chiêu hiền đãi sĩ, chiêu mộ các trí thức kiều bào giỏi từ nước ngoài và thu hút các chuyên gia trong nước để tránh “chảy máu chất xám”.

Theo chị Trương Diễm Minh (Đại học Thủ Dầu Một - Bình Dương), trong nhiệm kỳ tới, Nhà nước cần có chính sách tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đạt thành tích cao, đặc biệt là các bạn đạt danh hiệu “sinh viên 5 tốt”.

“Dự thảo văn kiện nên có giải pháp cụ thể hơn về chăm lo cho học sinh, sinh viên vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các khu vực thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai”, chị Minh kiến nghị.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền

Anh Hà Thành Đạt - Bí thư Đoàn trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) nhận xét với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm như thời gian qua, đến năm 2045, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một nước phát triển với thu nhập bình quân đầu người đạt 15 - 20 nghìn USD/năm.

“Vấn đề là làm thế nào để duy trì tốc độ tăng trưởng bằng việc cải thiện môi trường đầu tư”, anh Đạt nói.

Anh Bùi Nhật Phương, Bí thư Đoàn trường Đại học Tây Nguyên nói nên bổ sung thêm mục tiêu bảo vệ môi trường cùng với phát triển kinh tế xã hội. Từ kinh nghiệm tham gia thực hiện một số dự án, anh Phương cảnh báo tuy đều mang lại hiệu quả kinh tế nhưng nếu xét đến vấn đề tàn phá, ô nhiễm, tác động đến môi trường thì các dự án trên chưa chắc đã mang lại hiệu quả đích thực.

Theo TP