Đội mưa đi tìm con chữ

(CTG) Thời tiết những ngày qua ở vùng núi Bắc Bộ nồm ẩm, mưa phùn, đường đồi núi lầy lội, khó đi. Thế nhưng ở một nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thái Nguyên, hàng chục bà con vẫn đội mưa đi tìm con chữ. Đó là lớp học xoá mù chữ ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai.

Đội mưa đi tìm con chữ ảnh 1
Cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 40km, vượt qua những con đường quanh co khúc khuỷu của núi đồi, chúng tôi tìm đến lớp học xoá mù chữ ở bản người Mông.
Đội mưa đi tìm con chữ ảnh 2

Từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, đúng 19 giờ, lớp học sẽ sáng đèn, tiếp sức cho những cố gắng, nỗ lực dạy và học của cô, trò nơi đây.

Đội mưa đi tìm con chữ ảnh 3

Dưới cơn mưa phùn rả rích, các học viên vẫn đội mưa đến lớp.

Đội mưa đi tìm con chữ ảnh 4
Dù nhà xa nhưng anh Hoàng Văn Bằng (39 tuổi) vẫn cố gắng đến lớp học đầy đủ. “Nhà cách lớp khoảng 7km nên tôi phải từ sớm. Nhiều hôm đi làm về muộn quá, không kịp tắm rửa, ăn cơm đã phải đi học rồi. Tôi rất muốn học để biết chữ”, anh Bằng nói.
Đội mưa đi tìm con chữ ảnh 5

Ngồi phía cuối lớp là vợ chồng ông Đào Văn Lù (56 tuổi). Vợ chồng ông có 6 con, bé nhỏ nhất mới chỉ hơn 1 tuổi. Do không có người trông nom, vợ chồng ông phải địu con đi học cùng.

Đội mưa đi tìm con chữ ảnh 6
“Tôi chưa biết chữ, làm giấy khai sinh cho con hay viết tờ đơn cũng phải đi nhờ người ta. Nay phòng giáo dục huyện tạo điều kiện mở lớp, tôi tranh thủ đi học. Mới biết được chút chữ nhưng tôi cảm thấy rất vui”, ông Lù phấn khởi.
Đội mưa đi tìm con chữ ảnh 7
Còn chị Ngô Thị Anh (46 tuổi) quyết tâm đi học chữ để nâng cao trình độ, ước mong cải thiện cuộc sống.
Đội mưa đi tìm con chữ ảnh 8

Mỗi người một độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau dù chưa biết chữ, chưa thạo tiếng phổ thông nhưng họ đều có chung tinh thần hiếu học.

Đội mưa đi tìm con chữ ảnh 9

Là nông dân, quanh năm vất vả với đồng áng, mùa vụ, những đôi bàn tay thô ráp vốn quen cầm cuốc, xẻng thì nay đang cố gắng nắn nót từng con chữ.

Đội mưa đi tìm con chữ ảnh 10
Anh Ngô Văn Bộ (31 tuổi) trông con cho vợ học chữ.
Đội mưa đi tìm con chữ ảnh 11
Để đảm bảo không bị gián đoạn, lớp học đã phải tăng cường lên 2 giáo viên. Cô Nông Thị Luyện, Trường Tiểu học Cúc Đường nhận xét, công tác dạy học thời gian đầu còn gặp khó khăn do 100% đồng bào là người dân tộc Mông, họ phát âm chưa chuẩn bởi ở nhà không nói tiếng Kinh, khả năng tiếp thu kiến thức chậm, ngại giao tiếp và tay còn cứng.
Đội mưa đi tìm con chữ ảnh 12
“Để dạy hiệu quả, chúng tôi phải học thêm tiếng Mông, linh hoạt, sáng tạo trong bài giảng, đồng thời xây dựng môi trường học tập gần gũi, thân thiện. Hơn cả, việc quan trọng nhất là động viên, khích lệ tinh thần họ. Dù một số học viên tiến bộ không nhiều nhưng cũng được cô giáo dành lời khen ngợi”, cô Hoàng Thị Bích Huệ, Trường Tiểu học Cúc Đường nói.
Đội mưa đi tìm con chữ ảnh 13
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, bà Nông Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cúc Đường cho biết, sau khi rà soát số người chưa biết chữ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đến từng hộ, gặp từng người để tuyên truyền, vận động. Thời gian đầu, có 45 người đăng ký tham gia lớp học, tuy nhiên đến nay, một số học viên đã tạm nghỉ vì lý do công việc. “Đa số họ là lao động chính trong gia đình, đi làm về muộn, hay tâm lý còn mặc cảm nên một số học viên đã tạm nghỉ. Chúng tôi sẽ kiên trì, phối hợp với phía nhà trường vận động họ tham gia lại lớp học chữ”, bà Hạnh thông tin.
 
Bà Phan Thị Phương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai cho biết, toàn huyện hiện còn gần 1.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 60 diện cần được xóa mù chữ. Tháng 1/2024, phòng đã phối hợp với 9 xã trên địa bàn huyện tổ chức khai giảng 15 lớp xóa mù chữ giai đoạn 1 với 232 học viên tham gia học tập. Dự kiến giai đoạn 2 năm 2025 sẽ khai giảng 20 lớp với 541 học viên.
 
Mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025: Phổ cập giáo dục tiểu học; duy trì 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện và tỉnh đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Toàn tỉnh hiện còn hơn 1.900 người cần được xóa mù chữ, thuộc địa bàn 6 huyện (Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Phú Bình, Đại Từ, Định Hóa).
Theo TPO