Đón đầu cơ hội việc làm trong tương lai

(CTG) Thị trường việc làm năm 2015 có gì đáng chú ý? Sinh viên cần chuẩn bị những gì trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay?


Từ góc độ cá nhân, anh Nguyễn Đức Hải, Giám đốc đào tạo của Học viện khởi nghiệp và kinh doanh thực tiễn VietFounder chia sẻ một số nhận định cũng như xu hướng Tuyển dụng – Việc làm nổi bật trong năm 2015 tại Việt Nam.



Anh Nguyễn Đức Hải.


Theo anh, thị trường việc làm năm 2015 ở Việt Nam có những biến động nào đáng lưu ý?

Năm 2015 được các chuyên gia dự báo nền kinh tế sẽ có sự khởi sắc. Nhu cầu tuyển dụng, theo tôi, sẽ tăng nhẹ. Dựa vào quan sát và kinh nghiệm bản thân trong lĩnh vực nhân sự, tôi thấy có một số điểm đáng lưu ý về xu hướng tuyển dụng – việc làm như sau:

Đầu tiên, về các thế hệ lãnh đạo 8x, kể cả những người sinh năm cuối của thế hệ này đã và đang đảm nhiệm chức vụ quản lý trong các doanh nghiệp. Xu hướng tuyển dụng của những nhà quản lý này là nhân sự trẻ, năng động và có kỹ năng đa dạng. Họ thường đánh giá nhân sự ở bề rộng chứ không phải bề sâu. Điều này chắc chắn sẽ gây bất lợi cho những sinh viên chỉ tập trung vào việc học cho tốt mà thiếu trải nghiệm thực tế.

Thứ hai, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, ảnh hưởng rất nhiều tới xu hướng tìm kiếm việc làm và cách các nhân sự tìm kiếm việc làm. Mạng xã hội bùng nổ khiến người lao động có nhiều công cụ tìm kiếm việc làm. Nhân sự giỏi luôn nằm “trong tầm ngắm” của các Headhunters chuyên nghiệp, thậm chí họ có thể giao tiếp với nhau hàng ngày. Mạng xã hội bùng nổ, sự xuất hiện của các Headhunter chuyên nghiệp khiến người lao động có năng lực có nhiều lựa chọn.

Tình trạng nhảy việc tăng cao nếu cơ chế doanh nghiệp không có sự tương thích với đại đa số cá nhân. Cơ hội việc làm cho các nhân sự mới ra trường cũng tăng cao nếu họ biết thể hiện tố chất, khả năng thực sự. Sự cam kết gắn bó lâu dài có thể là một trong những tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Cuối cùng, sự thiếu hụt nhân sự chất lượng. Hiện nay, những sinh viên mới ra trường có thể làm việc được ngay đã hiếm chứ chưa nói đến là giỏi. Thị trường lao động tuy sôi động hơn, nhưng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thì nguồn cung vẫn thừa, và cầu thì vẫn thiếu. Đây là cơ hội lớn cho những sinh viên có ý thức học tập tốt, chịu khó tích lũy kinh nghiệm qua các hoạt động ngoại khóa, các công việc làm thêm, thực tập,… trong suốt quá trình học đại học của mình.

Trong bối cảnh thị trường lao động như vậy, anh có lời khuyên nào giúp sinh viên có sự chuẩn bị tốt hơn?

Có lẽ “sự chuẩn bị” tôi đã chia sẻ rất nhiều qua các bài viết trước của mình. Sinh viên phải coi sự chuẩn bị là điều đương nhiên, điều bắt buộc phải thực hiện.

Tôi muốn chia sẻ thêm, sinh viên phải đón đầu được những nhu cầu và cơ hội việc làm tốt trong tương lai bằng việc tự tìm hiểu những xu hướng phát triển nghề nghiệp của xã hội trong khoảng 10 năm tới. Quan trọng hơn, cần hiểu bản thân là ai để tự định hướng được công việc phù hợp với khả năng. Bằng cách đó, các bạn không chỉ chuẩn bị đơn thuần cho những vị trí công việc khởi đầu khi mới ra trường mà còn chuẩn bị cho những lộ trình nghề nghiệp cao hơn, đóng góp được nhiều giá trị hơn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tự tìm hiểu xu hướng phát triển nghề nghiệp của xã hội trong khoảng 10 năm tới có là nhiệm vụ nặng nề với học sinh, sinh viên?

Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với không ít hình ảnh sinh viên Việt Nam chậm chạp, thụ động, chỉ đâu đánh đấy. Điều tôi mong muốn là nhìn thấy hình ảnh thế hệ sinh viên khác với sự chủ động, năng động hơn, đặc biệt là có tầm nhìn xa hơn. Tầm nhìn ngắn hạn là kẻ thù của sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Thực ra, cách đơn giản nhất là xem thế giới, những nước tiên tiến nhất họ làm ra sao, từ đó học hỏi và xem xét những yếu tố phù hợp với đặc điểm của Việt Nam để áp dụng. Đặt vấn đề cao hơn, xa hơn và thách thức hơn đối với thế hệ được coi là tương lai của đất nước để một phần nào đó, kích hoạt những khả năng tiềm ẩn của họ, giúp họ vươn lên mạnh mẽ, đóng góp cho cộng đồng nhiều giá trị hơn.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!


Theo TP