Hơn 2 năm sống chung cùng đại dịch, giới trẻ Việt dần quen với quãng thời gian làm việc tại nhà (work from home) kéo dài. Qua giai đoạn thoải mái ban đầu khi bớt được thời gian di chuyển mỗi ngày, không ít người trẻ cảm thấy bí bách, stress vì trải nghiệm 24 giờ mỗi ngày sinh hoạt trong không gian hẹp, làm bạn với laptop, điện thoại.
Làm việc tại nhà đồng nghĩa việc ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng chồng lẫn, không còn sự thoải mái sau giờ tan sở hay những niềm vui riêng ngoài công việc… như trước. Sự giao tiếp, kết nối với bạn bè, người thân trực tiếp thay bằng các cuộc gặp qua màn hình máy tính, điện thoại lúc nào không hay.
Những chuyến đi đang là cầu nối tâm hồn với nhiều người sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 |
Đại dịch gây ra những phiền toái nhưng cũng là khoảng lặng thời gian giúp người trẻ học được cách sống chậm lại, biết cách quan tâm đến người khác và tự yêu thương chính mình. Họ cũng nhận ra sự hữu hạn của thời gian khi những chuyến đi, những cái hẹn “bữa nào rảnh”, “hẹn năm sau”… với những người thương yêu giờ đã không còn cơ hội thực hiện.
Phương Linh (24 tuổi, sống tại Gia Lâm, Hà Nội) là một người trẻ như thế. Sự ra đi của người thân, bạn bè trong đại dịch khi bao dự định còn dang dở khiến cô cảm nhận rõ nhất sự ngắn ngủi của đời người. Cô gái trẻ đã thay đổi cách suy nghĩ và trân trọng cuộc sống hơn bao giờ hết. Giờ đây, chỉ cần có dự định hay kế hoạch gì, Phương Linh sẽ thực hiện ngay.
Vốn là người đam mê du lịch, khát khao khám phá những miền đất mới nhưng vì deadline, vì “không có tiền", vì hàng trăm lý do khác mà cô đã bỏ lỡ rất nhiều chuyến đi của tuổi trẻ trong suốt mấy năm qua. Từ giữa năm ngoái, cô quyết định xách ba lô lên và đi mỗi khi sắp xếp được thời gian.
Gần đây nhất, Phương Linh cùng bạn bè đã đến Đà Lạt, trải nghiệm những thứ chưa từng thử như một cách khám phá bản thân và tái tạo năng lượng sau những ngày dài quẩn quanh trong căn phòng trọ nhỏ. Vượt 7 tầng thác Datanla cao 25 m, trượt zipline băng rừng ngắm những tán cây, hay chèo SUP đón bình minh trên hồ Tuyền Lâm, “thả trôi” bản thân giữa làn sương khói mờ ảo và lắng nghe tiếng chim hót buổi sớm... Phương Linh đã có những ngày không thể quên tại Đà Lạt.
Phương Linh đã có những trải nghiệm không thể quên khi đi du lịch theo một cách khác |
“Trước khi đi mình cũng có chút lưỡng lự. Nhưng mình chợt nghĩ “không bây giờ thì bao giờ?”. Đi qua đại dịch vừa qua, mình trân trọng hơn hiện tại và hiểu rằng bản thân thật may mắn khi vẫn khỏe mạnh và có cơ hội trải nghiệm cuộc sống tươi đẹp này.
Thay vì những hình thức du lịch truyền thống, chuyến đi trải nghiệm như vậy đã mang đến nguồn năng lượng đặc biệt, giúp tâm hồn mình được xoa dịu, thoải mái và cảm giác như được chữa lành vết thương”, Phương Linh chia sẻ.
Minh Quang (27 tuổi, sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng chọn du lịch chữa lành là người bạn đồng hành trong những khoảng thời gian tới. Chàng trai trẻ luôn giữ suy nghĩ “khó khăn tài chính có thể được giải quyết không sớm thì muộn, nhưng những trải nghiệm tuổi trẻ là thứ đã qua thì không thể lấy lại”, và dịch bệnh càng khiến anh củng cố quan điểm đó.
“Nếu mọi người đã quen với cụm “work from home” thì tại sao mình lại không “work from far away” (làm việc từ một nơi xa) được? Thay đổi môi trường làm việc có thể đem đến những nguồn cảm hứng rất mới và công nghệ thì cho phép ta "work from anywhere" tức làm việc ở mọi nơi mà ta muốn”, Quang nói.
Minh Quang trong một chuyến đi trekking của mình |
Đối với Quang, cuộc sống luôn cần sự chủ động, không nên chờ chờ lúc rảnh mới đi tập thể dục, không chờ đến dịp mới gọi về hỏi thăm gia đình, hay không chờ đến kỳ nghỉ dài mới lên lịch các chuyến đi… Đó là lý do mà suốt thời gian qua, Quang đã trekking (du lịch bằng hình thức đi bộ) và chinh phục nhiều điểm đến mới.
“Khoảnh khắc vượt qua cảm giác rã rời của đôi chân và thân thể, đứng trên những đỉnh núi, phóng tầm mắt ngắm nhìn tầng mây trôi bồng bềnh, tâm hồn mình cảm nhận được sự tự do. Khó khăn, mệt mỏi như trekking mình còn vượt qua được thì không gì có thể cản bước mình”, Minh Quang chia sẻ.
Hai đại dịch lại tiếp tục là một cú cộng hưởng. Thời gian giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng khiến con người càng cảm thấy ngột ngạt hơn, bế tắc, thiếu cơ hội giao lưu với bạn bè và trải nghiệm môi trường mới, tách biệt với thiên nhiên. Tất cả đều như những “báo động đỏ” khiến chúng ta phải chú ý đến sức khỏe, không chỉ của cơ thể mà còn của tinh thần.
Du lịch chữa lành giúp giới trẻ “làm mới” lại bản thân, chữa lành những vết thương trong tâm hồn |
Trước nhu cầu thực tế đó, du lịch chữa lành đã trở thành một giải pháp hữu hiệu khi tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho sức khỏe, giúp con người có thời gian để tận hưởng một cảm giác bình yên khi đi du lịch. Mô hình du lịch chữa lành còn có sự kết hợp với các liệu trình chăm sóc chuyên biệt như như thiền, yoga, đi bộ, leo núi… đã giúp không ít người tăng cường hiệu quả thư giãn, giúp thải độc, thanh lọc cũng như là “trẻ hóa” giác quan.
Du lịch chữa lành cũng là một cách để cả gia đình hoặc những người thân yêu có cơ hội được dành thêm nhiều thời gian gần nhau hơn. Những địa điểm du lịch chữa lành sẽ là “chất xúc tác” giúp những băn khoăn, mâu thuẫn hay những lời khó nói có thể được thổ lộ.
“Đọc vạn cuốn sách không bằng đi vạn dặm đường” là câu nói nổi tiếng, được nhiều người trẻ lấy làm động lực mỗi khi có ý định xê dịch. Sau những thời điểm khó khăn, những trải nghiệm về văn hóa và con người ở nơi xa sẽ giúp nhiều người, đặc biệt là giới trẻ “làm mới” lại bản thân, để thấy du lịch mang đến những trải nghiệm đáng quý nhường nào.
THEO TUOITRE