Đưa sản vật quê nhà phát triển nhờ nền tảng số

CTG - Nhận thấy ở những vùng quê, việc chuyển đổi số đang rất chậm trong khi tốc độ phát triển của internet hiện nay quá nhanh, nếu còn bỏ lỡ thì khoảng cách càng xa hơn, một chàng trai đã đưa sản vật quê nhà lên nền tảng số, hỗ trợ địa phương cùng phát triển.

Xuất thân là kỹ sư công nghệ thông tin, trong lần tạm rời TP.HCM về quê vì đại dịch Covid-19, anh Đặng Thế Truyền (33 tuổi), ngụ xã Cam Hải Tây, H.Cam Lâm, Khánh Hòa, càng đau đáu hơn với sản vật của quê nhà.

"Một vùng mà đi đâu cũng thấy xoài nhưng không ai biết ở Cam Lâm có loại trái cây này, nông dân thì luôn phải đối mặt với câu chuyện được mùa mất giá, xoài chín bỏ rụng đầy gốc… Mình đã nghĩ phải làm điều gì đó, và chỉ có chuyển đổi số mới giải quyết được thực tế này", anh Truyền trăn trở.

Đưa sản vật quê nhà phát triển nhờ nền tảng số - Ảnh 1.
 

Với xuất phát điểm là kỹ sư công nghệ thông tin, anh Đặng Thế Truyền quyết tâm đưa đặc sản quê nhà lên nền tảng số

NỮ VƯƠNG

Xót xa với sản vật quê nhà

Khi trở về quê hương, anh Truyền nhận thấy Cam Lâm không thiếu các món ngon, vật lạ, địa điểm du lịch đẹp, đồng thời nơi đây còn là "thủ phủ" của xoài với hơn 7.000 ha canh tác, nhưng khi lên mạng tìm hiểu thì thông tin về Cam Lâm hầu như rất ít.

Sau đó, anh Truyền gặp được những anh em cùng chí hướng, lên ý tưởng xây dựng một cộng đồng trực tuyến để kết nối các địa điểm ăn uống, du lịch, di tích văn hóa… ở Cam Lâm, nhằm giúp du khách biết nhiều hơn về địa phương mình. Hiểu rõ tầm quan trọng của công nghệ, nhóm tận dụng thế mạnh này để thực hiện kế hoạch và Camlamonline.com ra đời, khai thác về văn hóa, ẩm thực, địa điểm du lịch, đời sống thường nhật của địa phương.

"Trong quá trình thực hiện nội dung quảng bá trên website, tụi mình đi rảo khắp nơi, giới thiệu cho khách về nhiều địa điểm, trong đó có các vườn xoài của người dân. Tại đây, tụi mình tiếp cận được thực tế là xoài rụng đầy gốc vì bị ép giá và người nông dân dường như bất lực, không có một hướng nào để tháo gỡ, thật sự rất xót xa với tình cảnh này", anh Truyền tâm sự.

Đưa sản vật quê nhà phát triển nhờ nền tảng số - Ảnh 2.

Nhờ chuyển đổi số, anh Truyền đã góp phần định vị được thương hiệu của trái xoài quê nhà trên thị trường

NỮ VƯƠNG

Để Camlamonline.com "sống" được dài lâu, đồng thời phát huy giá trị trái xoài của địa phương, nhóm bắt đầu nghĩ đến việc bán sản phẩm trên chính cộng đồng online mà mình đã tạo dựng được. Và thế là sản phẩm xoài sấy muối ớt của nhóm ra đời.

Anh Truyền cho biết mỗi vụ thu hoạch, khoảng 30 - 35% là xoài có mẫu mã xấu không thể xuất khẩu được, người dân chỉ biết mang ra chợ bán rẻ hoặc đổ bỏ vì không có người mua. Tuy nhiên chỉ là mẫu mã bên ngoài xấu (do ong chích hoặc sương muối làm vỏ xấu) nhưng chất lượng bên trong vẫn giống xoài loại 1, 2, nên anh tận dụng mua về để làm xoài sấy.

"Khi mình mua hàng loại 3, 4 với giá cao, chắc chắn xoài loại 1, 2 thương lái cũng không thể nào mua với giá thấp hơn được, chính vì thế giá trị của trái xoài sẽ được nâng cao", anh Truyền chia sẻ.

Nhờ cộng đồng trực tuyến này nên sản phẩm xoài sấy muối ớt nhanh chóng tiếp cận được người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhóm còn đưa sản phẩm lên nhiều sàn thương mại điện tử, giúp lượt tiếp cận đến khách hàng tốt hơn.

Hiện tại, nhóm còn phát triển thêm mô hình showroom (phòng trưng bày) "Xoài CamLamOnline - Một điểm đến nhiều giá trị" để du khách có thể trải nghiệm các đặc sản địa phương. Kết hợp với trải nghiệm nhà vườn, rồi "nhà xoài CamLamOnline" - một mô hình trà xoài take away (mang đi) để bán các loại trà, bánh từ xoài… Và tất cả lượng khách du lịch này, nhóm đều thông qua cộng đồng online đã tạo dựng để kết nối.

Đưa sản vật quê nhà phát triển nhờ nền tảng số - Ảnh 3.

Sản phẩm xoài sấy muối ớt cũng nhanh chóng tiếp cận được khách hàng nhờ cộng đồng online mà anh Truyền cùng đội ngũ tạo dựng nên

NỮ VƯƠNG

"Mình muốn tạo những chuỗi giá trị như vậy để khách cảm nhận được sản vật từ vườn đến bàn ăn và những món quà đặc sản. Mô hình của tụi mình là kết hợp nhiều điểm đến, hỗ trợ các địa điểm khác cho người dân cũng như nhà vườn của họ", anh Truyền chia sẻ và cho biết doanh thu mỗi tháng của công ty anh từ 300 - 400 triệu đồng.

Tất cả ngành nghề đều phải chuyển đổi

 

Anh Truyền luôn quan niệm nông sản ở quê rất cần người trẻ năng động, có tư duy để hỗ trợ thế hệ nông dân lớn tuổi không tiếp cận được công nghệ. Từ khi còn là sinh viên, anh được một giảng viên nhắc về câu nói của tỉ phú Bill Gates: "Trong vòng 10 năm tới, nếu kinh doanh mà không online thì tốt nhất nên nghỉ mô hình kinh doanh đó đi".

"Chính câu nói này đã giúp mình nhận ra rất nhiều điều và từ thời điểm dịch Covid-19 thì câu nói ấy càng đúng và hiện hữu rõ nhất. Tất cả ngành nghề, trong đó có nông nghiệp đều nên chuyển mình, chuyển đổi để tăng khả năng tiếp cận khách hàng nhanh hơn. Đây là chuyến tàu không thể lỡ, phải quyết liệt hơn để chuyển đổi số. Bill Gates đã nói từ 10 năm trước rồi, ở những vùng quê việc chuyển đổi số đang quá chậm, tốc độ phát triển của internet bây giờ là rất nhanh, mà mình càng bỏ lỡ nữa thì khoảng cách càng nới rộng xa", anh Truyền nhấn mạnh.

Đưa sản vật quê nhà phát triển nhờ nền tảng số - Ảnh 4.

Mô hình của công ty anh Truyền là kết hợp nhiều điểm đến, hỗ trợ các địa điểm khác cho người dân cũng như nhà vườn của họ

NỮ VƯƠNG

Từ những gì đã trải qua, anh Truyền cho biết chuyển đổi số tạo một thị trường rất lớn giúp tiếp cận lượng khách hàng chủ động hơn. "Ngày trước phải đi hội chợ, tham gia các buổi xúc tiến thương mại thì mới gặp được đối tác, khách hàng; còn bây giờ chỉ cần nắm bắt công nghệ. Nền tảng số tạo cho mình môi trường và điều kiện vô cùng thuận lợi", anh minh chứng.

Theo anh Truyền, thời buổi hiện nay, mỗi người nông dân cần định vị bản thân giống người bán hàng, tạo cho mình một không gian và cửa hàng trên online. Ngày trước chỉ cần mở mặt bằng lớn rồi người này giới thiệu người kia đến mua, nhưng bây giờ mặt bằng to chưa đủ, chất lượng sản phẩm lớn chưa đủ, bắt buộc phải tiếp cận nền tảng số. Cho dù cửa hàng ở trong ngóc ngách, nhưng bạn làm nội dung tốt trên mạng xã hội thì mọi người cũng sẽ tìm đến.

"Chúng ta bắt đầu từ những điều đơn giản và đi từng bước. Chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo thì lớn quá, phải đi từ những chuyển đổi nhỏ nhất rồi phát triển dần lên. Những gì mình làm hôm nay không phải là quá mới, hay quá sáng tạo. Nhưng so với quê nhà, mình học được những gì hiện đại ở TP thì về áp dụng vào quê hương và giúp địa phương phát triển", anh Truyền chia sẻ.

Anh Trần Nhất Luân, Bí thư Huyện đoàn Cam Lâm, cho biết mô hình của nhóm anh Truyền là mô hình đổi mới sáng tạo, có nền tảng về công nghệ thông tin nên áp dụng nhanh chóng chuyển đổi số vào khởi nghiệp. Từ đó giúp sản phẩm nông sản tiêu biểu của Cam Lâm được thị trường trong và ngoài nước biết đến, bên cạnh đó tạo đầu ra cho trái xoài của bà con nông dân. Từ mô hình khởi nghiệp hiệu quả này, huyện Đoàn cũng mong muốn sẽ lan tỏa đến thanh niên ở địa phương, từ đó nhiều mô hình chuyển đổi số hiệu quả sẽ ra đời. 

Theo TNO