Đưa tái chế nhựa vào chương trình đào tạo và nghiên cứu

(CTG) Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa đăng cai tổ chức lễ khởi động dự án quốc tế “Quản lý và tái chế nhựa” của Mạng lưới Đông Nam Á - châu Âu.

GS.Nguyễn Văn Nội (Thứ 2 bên tay trái) cùng nhóm dự án tại Phòng thí nghiệm trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh, Trường ĐHKHTN

Đây là dự án đầu tiên về quản lý và tái chế nhựa của Mạng lưới Đông Nam Á - châu Âu tại Việt Nam và Lào, có tổng trị giá hơn 1 triệu euro do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua chương trình Eramus+, dự kiến triển khai trong 3 năm.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, một trong hai đồng chủ trì của dự án phía Việt Nam, Dự án SEA-PLASTICS-EDU là một trong những dự án đầu tiên do Liên minh châu Âu hỗ trợ các nước thuộc khu vực Đông Nam Á giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vốn là thị trường nhập khẩu lượng lớn rác thải nhựa từ châu Âu và Mỹ trong khi năng lực quản lý loại rác thải này còn hạn chế. Vì vậy, dự án là hết sức cần thiết.

Có thể nói, dự án có 4 điểm mạnh quan trọng nhất:

Là dự án do Liên minh châu Âu tài trợ cho các nước thuộc khu vực Đông Nam Á thể hiện qui mô và sự quyết tâm của châu Âu đối với vấn đề quản lý an toàn rác thải nhựa và tiến tới xã hội không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Đây cũng chính là mục tiêu do chính châu Âu đặt ra cho các nước thành viên: Cấm sử dụng sản phẩm nhựa một lần từ năm 2020. Với nguồn lực và kinh nghiệm lớn của châu Âu về quản lý chất thải rắn, nhựa thải, dự án SEA-PLASTICS-EDU có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai và khả năng thành công cao.

Sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhựa thải, bao gồm Hiệp hội sản xuất nhựa châu Âu, Hiệp hội tiêu dùng châu Âu, Hiệp hội sản xuất nhựa của các nước Đức, Đan Mạch và Áo. Ngoài ra còn có các công ty sản xuất, tái chế nhựa thải và các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học tại ba nước kể trên với tư cách là các thành viên chính thức của dự án. Bên cạnh đó là sự tham gia của các công ty sản xuất, tái chế nhựa, các đơn vị quản lý nhà nước, các trường đại học tại Việt Nam và Lào là những nhân tố chính vận hành dự án, đảm bảo sự thành công của dự án và ứng dụng các kết quả của dự án vào thực tiễn cuộc sống.

Như tên gọi của dự án, việc xây dựng mạng lưới Đông Nam Á - châu Âu về quản lý và tái chế rác thải nhựa cho phép các nhà quản lý, các doanh nghiệp và các nhà khoa học của hai khu vực này tiếp cận, sử dụng và chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm về thực trạng, cơ chế chính sách, công nghệ áp dụng trong quản lý và tái chế rác thải nhựa, qua đó tận dụng được nguồn cơ sở dữ liệu và thế mạnh của cả hai để giải quyết một cách hiệu quả, tổng thể và bền vững các thách thức về rác thải nhựa tại hai khu vực này.

Dự án SEA-PLASTICS-EDU không chỉ trợ giúp các nhà quản lý, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải nhựa mà còn hỗ trợ các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý và công nghệ tái chế nhựa thải.

Cho đến thời điểm này, các mốc chính sau đây của dự án đã hoàn thành: Khởi động dự án; Dự thảo các khung và chương trình đào tạo; Dự thảo, xây dựng mô hình cho các trung tâm đào tạo qui mô khu vực; Xây dựng các phương pháp và kỹ thuật đào tạo mới cho các trường đại học ở Việt Nam và Lào; Xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho quản lý và tái chế nhựa thải.

Các mốc tiếp theo của dự án bao gồm việc triển khai các chương trình đào tạo về quản lý chất thải nhựa và thiết lập mạng lưới đào tạo liên quốc gia đang được các đối tác tích cực thực hiện.

Theo TTTĐ